Thử vị ớt cay ‘trứ danh’ Trương Gia Giới
Tại Trung Quốc, ớt là thành phần gia vị không thể thiếu trong cuộc sống của người dân các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây…
Trương Gia Giới là một thị trấn nhỏ của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc với dân số hơn 1,5 triệu dân, trong khi dân số của Hồ Nam là 68 triệu dân. Sức hấp dẫn của Trương Gia Giới chính là Phượng Hoàng Cổ Trấn và hai dãy núi Thiên Tử Sơn và Thiên Môn Sơn. Không ngạc nhiên khi du lịch đến nơi này chỉ gặp một sân bay nhỏ bé, đến giờ ra sân bay hải quan mới làm việc, cũng như đường phố vắng người, còn nhiều khu vực là núi rừng.
Những bữa ăn tại đây có rất nhiều món, nhưng vì khác khẩu vị nên du khách thường bỏ bữa rất nhiều, nhất là bữa ăn trên đỉnh Thiên Tử Sơn. Đi du lịch, ẩm thực vùng miền không hợp khẩu vị là chuyện bình thường, nhưng ngoài chuyện ở Trung Quốc chỉ có xì dầu, món ăn chủ yếu là xào nhiều dầu mỡ, thì các món ở Trương Gia Giới lại có rất nhiều ớt, vô vàn chủng loại khác nhau: ớt xanh, ớt đỏ, ớt bột, ớt khô nguyên trái… Thậm chí có hôm nhìn đĩa đồ ăn cứ tưởng đậu cô ve xào thịt, hóa ra là ớt xanh xào.
Một món ăn với rất nhiều ớt được bày bán trên phố.
Ớt có khắp mọi nơi, Hồ Nam chỉ là một tỉnh trong các tỉnh mà người dân coi ớt là một phần gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày. Tại Trung Quốc, ớt là thành phần gia vị không thể thiếu trong cuộc sống của người dân các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây… Trung Quốc có câu: “Ớt thế giới nhìn về Trung Quốc, ớt Trung Quốc lại phải xem Giao Châu”.
Lý do có câu trên bởi thành phố Giao Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc là nơi tập kết hàng ớt khô lớn nhất ở phía Bắc Trung Quốc, trong đó thị trường giao dịch ớt khô mỗi năm lên tới 12 tỉ nhân dân tệ, chiếm 70% kim ngạch giao dịch toàn Trung Quốc, xuất khẩu hơn 80% sản phẩm ớt cả nước. Hiện nay, Giao Châu tập trung 365 doanh nghiệp gia công ớt, trong đó 72 doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu, 6 doanh nghiệp hàng đầu tỉnh, 25 doanh nghiệp có doanh thu hơn trăm triệu nhân dân tệ. Lượng ớt xuất khẩu tại Giao Châu chiếm 80% toàn Trung Quốc, đi tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các món ăn tại đây thường có nhiều ớt cay để phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương.
Tục ngữ Trung Quốc có câu “Người Tứ Xuyên không sợ đồ cay, người Hồ Nam không sợ cay ở bất kỳ cấp độ nào, và người Quý Châu sợ ăn thức ăn không cay”. Một trong những nét đặc trưng trong ẩm thực của Hồ Nam là cay và rất cay, đến mức ngay cả những người gốc Trung Quốc đến từ các vùng chuyên ăn cay cũng phải chịu thua.
Hai món ăn ở Hồ Nam mà du khách đến Phượng Hoàng Cổ Trấn đều được ăn: Thịt heo xào ớt và sườn heo cay gừng. Với thịt heo xào ớt, loại ớt được lựa chọn cho món ăn này phải là những quả dài, cứng màu xanh, to bằng ngón tay cái. Với món sườn heo cay gừng, ngoài vị gừng ấm nóng thì tất nhiên còn có rất nhiều ớt.
Vì sở thích ăn cay của người dân cao nên ớt là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất ở Trung Quốc.
Tại Trương Gia Giới, ngay khu vực biểu diễn “Trương Gia Giới thiên cổ tình” có nhiều gian hàng bán ớt. Không chỉ là ớt tươi mà cả ớt khô xâu từng chùm, ớt bột, ớt xanh, tương ớt, ớt trộn mè, ớt kim chi… dễ chừng mấy chục loại liên quan đến ớt. Bạn có thể ghé ăn thử cho biết, không mua cũng không sao. Trên phố, các cửa hàng siêu thị nhỏ đều có bán những lọ ớt trông như lọ ớt bột Tây Ninh. Tất nhiên là người mua ớt cũng rất nhiều, trong đó có du khách Việt Nam, muốn mang về nhà vị ớt cay nồng đặc biệt.
Nhiều loại ớt được đóng gói trong các lọ nhỏ để du khách mua về làm quà.