Phục dựng lại Lễ hội Cầu ngư ở ngôi vạn thờ 100 bộ xương cốt Cá Voi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc của ngư dân vùng biển phục vụ phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết.

Phục dựng lại Lễ hội Cầu ngư ở ngôi vạn thờ 100 bộ xương cốt Cá Voi - 1

Lễ hội Cầu Ngư truyền thống của ngư dân Phan Thiết (Bình Thuận) cầu cho "Biển yên sóng lặng, mưa thuận gió hòa, vạn sự bình an, đa ngư đắc lợi", thu hút đông đảo du khách. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn/TTXVN

Việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú về lâu dài không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương mà còn hướng tới đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức thu hút du khách trong, ngoài nước; từng bước góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Theo Đề án, từ năm 2022 trở đi, Lễ hội Cầu ngư chính mùa hàng năm sẽ diễn ra vào tháng 6 Âm lịch tại vạn Thủy Tú và các tuyến đường xung quanh khu vực vạn, cảng cá Phan Thiết, khu vực Hòn Lao, trên sông Cà Ty… Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết sẽ là đơn vị chủ trì tổ chức Lễ hội Cầu ngư.

Ở phần lễ, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết sẽ phân công các đơn vị phối hợp với Ban Quản lý di tích vạn tổ chức; trong đó  duy trì nghi lễ Nghinh Ông Sanh ngoài biển Hòn Lao về vạn theo nghi thức truyền thống vốn có - đây là nghi lễ chính, điểm nhấn  có sức thu hút người dân địa phương và du khách tham gia.

Để đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, thành phố Phan Thiết tăng cường sự phối hợp với các ngành chức năng quản lý, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ trong việc tổ chức Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú, trong đó chú trọng công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông cho người dân và du khách đến thăm quan, bái tế tại lễ hội.

Đồng thời, thời gian tới, thành phố tăng cường các hình thức tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về ý nghĩa, giá trị và nét đặc sắc của tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông và Lễ hội Cầu ngư trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các công ty lữ hành, du lịch để quảng bá và đưa Lễ hội Cầu ngư vào chương trình tour; tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, khám phá nét đặc sắc của lễ hội….

Ở Bình Thuận, tín ngưỡng thờ cúng Cá Voi (Cá Ông) và Lễ hội Cầu ngư có lịch sử hình thành, tồn tại từ lâu đời và được duy trì đến ngày nay. Trong số gần 30 ngôi lăng, vạn thờ Cá Voi hiện hữu trên địa bàn tỉnh, Thủy Tú là ngôi vạn được tạo lập sớm nhất (năm 1762). Đây cũng là nơi thờ Thủy tổ nghề biển của ngư dân Bình Thuận. Tại đây, khoảng 100 bộ xương cốt Cá Voi, trong đó có bộ xương Cá Voi lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á đang được ngư dân thờ phụng. Từ khi tạo lập đến nay, vạn Thủy Tú là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp truyền thống của người dân nhiều làng chài ở Phan Thiết; là nơi hội tụ các yếu tố văn hóa dân gian đặc trưng vùng biển, góp phần củng cố, thắt chặt mối đoàn kết, tình tương thân tương ái giữa những người dân lao động biển.

Lễ hội Cầu ngư thể hiện niềm tin, khát vọng của người dân lao động biển về mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, sự bình an và may mắn. Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú được tỉnh Bình Thuận đưa vào là một trong 5 lễ hội đặc sắc, tiêu biểu cần bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch, đã được Bô ̣Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2019.

Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú đang đứng trước nguy cơ mai một dần theo thời gian và chưa có sức hấp dẫn để thu hút nhân dân địa phương, du khách tham gia thưởng ngoạn. Những người vốn am hiểu về tập tục, tín ngưỡng và thực hành các nghi lễ trong cộng đồng đang ngày một khan hiếm. Trong phần lễ, một số nghi lễ truyền thống chính yếu, quan trọng của lễ hội không còn được duy trì theo đúng tập tục truyền thống như trước. Mặt khác, công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị, nét đặc sắc của lễ hội chưa được quan tâm đúng mức.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hồng Hiếu (TTXVN)

CLIP HOT