Văn hóa biển trong lễ hội Cầu ngư

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú (phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) ra đời gắn với sự hình thành ngôi vạn và tín ngưỡng thờ cá ông của ngư dân nơi đây. Lễ hội thể hiện tấm lòng biết ơn của ngư dân đối với cá ông đã phù trợ, giúp đỡ họ bình an trong những lần gặp hiểm nguy trên biển, cũng như giúp ngư dân có một mùa biển bội thu.

Theo các di sản Hán Nôm còn lưu giữ ở vạn Thủy Tú thì ngôi vạn được tạo dựng vào năm Nhâm Ngọ (1762), đến nay đã gần 260 tuổi. Điểm đặc biệt là hiện vạn còn lưu giữ hàng trăm bộ xương cá ông, trong đó có bộ xương cá ông lớn nhất Việt Nam (cũng như khu vực) được phục hồi nguyên trạng và trưng bày phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tham quan của người dân địa phương, nhà khoa học và khách du lịch.

Văn hóa biển trong lễ hội Cầu ngư - 1

Dinh vạn Thủy Tú là di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi gìn giữ giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ thần Nam Hải của ngư dân Bình Thuận - Ảnh: Vietnam+

Hằng năm, tại vạn Thủy Tú sẽ diễn ra 3 kỳ lễ hội chính. Cụ thể, gồm: Lễ hội Cầu ngư đầu mùa diễn ra vào ngày 20-4 âm lịch; lễ hội Cầu ngư chính mùa từ ngày 19 đến 22-6 âm lịch (trong đó, tổ chức lễ hội Cầu ngư theo nghi thức đại lễ là quan trọng nhất, định kỳ 3 năm đáo lệ cúng chay một lần); lễ hội Cầu ngư mãn mùa diễn ra vào ngày 23-8 âm lịch.

Cầu ngư chính mùa được xem là lễ hội biểu hiện đầy đủ giá trị về bản sắc, nét đặc trưng của lễ hội văn hóa miền biển với các nghi thức lễ, thành phần tham gia thực hành nghi lễ, lễ vật dâng tế. Cầu ngư chính mùa thường diễn ra trong 3 ngày và nếu có tổ chức hát bội thì kéo dài khoảng 5 ngày. Còn lễ hội Cầu ngư đầu mùa và Cầu ngư mãn mùa được thực hiện đơn giản hơn, thành phần tham gia thực hành lễ hội ít hơn…

Ngoài các nghi thức lễ thành kính và trang nghiêm, phần hội với nhiều hoạt động thể hiện sự đặc sắc và mang đậm bản sắc văn hóa dân gian miền biển như: diễn xướng bả trạo, hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty, giới thiệu văn hóa ẩm thực biển độc đáo. Trong đó, diễn xướng bả trạo là một trong những hình thức biểu diễn nghệ thuật múa hát đặc trưng miền biển và không thể thiếu trong lễ hội này. Không chỉ mang tính chất hát múa để tế lễ, diễn xướng bả trạo còn mang ý nghĩa thể hiện tinh thần đoàn kết của ngư dân khi ra khơi bám biển, qua đó đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Tương tự, hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty giữa các vạn chài vừa tôn vinh nghề biển vừa thể hiện ý chí vượt qua khó khăn, gắn kết tình làng nghĩa xóm, chung sức đồng lòng của ngư dân cho những chuyến ra khơi bình an và bội thu.

Lễ hội cũng là nơi cố kết cộng đồng, tinh thần hòa hợp và niềm tin tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ cá ông; nơi biểu hiện mạnh mẽ với ý thức về tinh thần đoàn kết, để mọi người trong cộng đồng hướng về cội nguồn lịch sử, văn hóa truyền thống. Việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú về lâu dài không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương mà còn hướng tới đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức thu hút du khách trong và ngoài nước.

Với giá trị tiêu biểu, lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4614/QĐ-BVHTTDL ngày 20-12-2019. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, hướng tới đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thanh Trà (Báo Bình Phước)

CLIP HOT