Lễ hội Từ Lương Xâm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL, đưa lễ hội Từ Lương Xâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Từ Lương Xâm được diễn ra trong các ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng hằng năm tại phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Lễ hội nhằm tưởng nhớ Đức Vương Ngô Quyền và chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.
Ảnh: Báo Dân tộc.
Đây là lễ hội mang giá trị lịch sử, là bức tranh tổng hợp của các giá trị văn hóa, chứa đựng gần như đầy đủ các loại hình của văn hóa phi vật thể từ ngữ văn truyền khẩu đến nghệ thuật trình diễn. Lễ hội còn là sự tổng hợp của các tập quán xã hội và tín ngưỡng, các tri thức dân gian.
Lễ hội Từ Lương Xâm được tổ chức với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng. Trong lễ hội từ Lương Xâm, hàng chục làng xã rước kiệu từ đình làng mình tới chầu. Tất cả các kiệu đều đặt ở khu đất rộng trước cửa Linh từ Lương Xâm để chấm giải. Kiệu nào nhất thì lần sau được vinh dự thay mặt cả đoàn kiệu đứng dâng lễ Thánh Vương trước long sàng.
Nghi thức tế đám Ngô Vương ở từ Lương Xâm khá đặc biệt: lễ phẩm phải có một bò, một lợn, một dê mổ tế sống (cỗ thái lao), tế xong đem số thịt đó làm cỗ ăn tại đền và chia cho dân đinh; vào những năm “phong đăng hòa cốc” ở từ Lương Xâm còn có lệ hợp tế hàng huyện, hợp tế hàng tổng.
Ảnh tư liệu.
Trong lễ hội còn có nhiều tiết mục văn nghệ, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc tái hiện lại chiến thắng Bạch Đằng, các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, đu xuân, cờ tướng, cờ người, tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền…
Du khách và người đi hội khi đến đây, sẽ được chiêm ngưỡng bản “Tiền Ngô Vương thiên tử ngọc phả lục” hiện lưu tại Từ Lương Xâm, còn ghi rõ khi kéo quân về cửa biển Bạch Đằng bố trí thế trận, Ngô Quyền sớm nhận ra vị trí chiến lược quan trọng của làng Dầm - tức làng Lương Xâm (tên cũ là Lãng Thâm) bây giờ.
Tại đây, ông đặt một đồn quân lớn là đại bản doanh chỉ huy tiền phương (còn đồn chỉ huy sở được đặt tại làng Cấm (tên chữ là Gia Viên) - khu vực trụ sở UBND thành phố Hải Phòng hiện nay), huy động nhân dân đắp thành vành kiệu, dấu vết nay vẫn còn.
Theo Quyết định, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Không chỉ được biết đến với cái tên “Thủ đô kháng chiến“ một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Tuyên Quang còn...