Về Tuyên Quang đầu năm, háo hức dự lễ hội Lồng Tông, lễ Cầu mùa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Không chỉ được biết đến với cái tên "Thủ đô kháng chiến" một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Tuyên Quang còn là nơi cư trú của 22 dân tộc anh em cùng sự phong phú, đa dạng về văn hoá. Do đó, đầu năm về xứ Tuyên hòa mình vào các lễ hội luôn là một trải nghiệm thú vị.

Đầu năm đi xem hội như một thói quen "khó bỏ" với nhiều người, có lẽ cũng vì vậy mà tháng Giêng hàng năm luôn là thời điểm diễn ra các lễ hội trên khắp mọi miền đất nước. Đi hội không chỉ là dịp gặp gỡ, kết bạn mà còn là cách mà người ta hiểu hơn về một vùng đất.

Về Tuyên Quang đầu năm, háo hức dự lễ hội Lồng Tông, lễ Cầu mùa - 1

Đấu vật, trò chơi dân gian tại lễ hội đình Thọ Vực (Sơn Dương, Tuyên Quang).

Với một địa phương có tới 22 dân tộc anh em cùng chung sống như Tuyên Quang thì lễ hội đầu xuân giống như một bảo tàng động tái hiện lại những nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc thông qua các nghi lễ và trò chơi dân gian được gìn giữ.

Đầu xuân đi lễ hội Cầu mùa ở Tân Trào, lễ hội đình Thọ Vực (Sơn Dương), lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình hay lễ hội đình làng Giếng Tanh (TP.Tuyên Quang)... đều xuất hiện các trò chơi, trò diễn dân gian mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng sâu sắc.

Về Tuyên Quang đầu năm, háo hức dự lễ hội Lồng Tông, lễ Cầu mùa - 2

Trò chơi leo cầu vồng tại lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). 

Trong các lễ hội ở Tuyên Quang, những trò chơi, trò diễn mang tính chất cộng đồng với sự tham gia của nhiều người, cả nam và nữ như kéo co, ném còn, đánh pam, đánh yến, bịt mắt bắt vịt... được nhiều người ưa thích tán thưởng.

Mỗi trò chơi, màn diễn xướng trong các lễ hội ở xứ Tuyên thường mang nhiều màu sắc, mang những nét văn hóa riêng độc đáo đã khiến du khách tham quan đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Ở lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào (Sơn Dương) người ta sẽ thả trạch vào chum sành để người chơi bắt bằng tay không. Đó thực sự là một thử thách đối với người lần đầu tham gia hoặc không phải là những cư dân nông nghiệp bởi con trạch vốn thân mềm và rất trơn. Qua đây, người ta như muốn ước mong về một cuộc sống no đủ, bình dị.

Hay trò leo cầu vồng, sẽ phải là một đôi nam nữ cùng tham gia. Cái khó ở chỗ 2 người chơi sẽ phải nắm tay nhau để cùng di chuyển trên một thân tre được bắc thành cầu, để đi hết được cây cầu ấy đòi hỏi có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Sâu xa của trò chơi dân gian này thể hiện sự gắn kết, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn.

Đến với lễ hội Lồng Tông hay còn gọi là lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày ở huyện Chiêm Hoá và Lâm Bình người ta sẽ thấy những hình ảnh từ xa xưa được tái hiện khi mà cuộc sống của đồng bào gắn chặt với thiên nhiên qua nghi thức diễn xướng xuống đồng.

Về Tuyên Quang đầu năm, háo hức dự lễ hội Lồng Tông, lễ Cầu mùa - 3

Diễn xướng xuống đồng trong lễ hội Lồng Tông của người Tày tại huyện Chiêm Hoá và Lâm Bình (Tuyên Quang). 

Về cơ bản nghi thức xuống đồng giống với lễ tịch điền của vua Lê Đại Hành được tổ chức ở Hà Nam. Ở lễ hội Lồng Tông của Tuyên Quang nghi thức này được tổ chức đơn giản, không cầu kỳ trên một mảnh ruộng nước. Đó cũng là phản ánh cuộc sống đời thường gắn với con trâu, cái cày của đồng bào và cũng là ước mong về một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt.

Rồi có những trò chơi dân gian tái hiện lại cảnh cha ông ta đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ bờ cõi hay lấy sức người chinh phục thiên nhiên... không chỉ mang tính chất giải trí mà còn thể hiện tính giáo dục rất cao khi nhắc nhở thế hệ ngày nay về một giai đoạn gian khó để giữ lấy cuộc sống bình yên.

Hơn 2 năm qua, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp nhiều lễ hội ở Tuyên Quang đã tạm dừng tổ chức hoặc thu nhỏ quy mô. Những trò chơi, diễn xướng dân gian có sự tham gia của nhiều người cũng vì thế mà phải tạm lược bỏ, nhưng người ta tin rằng rồi dịch bệnh sẽ qua đi để đầu năm lại được đi xem hội.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phong Quang (Báo Lao Động)

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.