Kinh đô trà và tơ lụa tổ chức lễ hội lớn nhất trong năm
Đêm hội ''Hương trà, sắc tơ'' đã khai mạc hoành tráng tại Bảo Lộc vào tối qua, giới thiệu, quảng bá về 2 sản phẩm đặc trưng tạo nên thương hiệu cho vùng đất B’Lao.
Sân khấu hoành tráng, rực rỡ cùng không gian trang trí tràn ngập cờ, hoa tại chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ người dân địa phương và du khách
“Bảo Lộc - Hương trà, sắc tơ” là một trong những chương trình chính của Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022.
Chương trình được xây dựng theo dạng sử thi, gắn liền với nội dung tái hiện về mảnh đất, con người B’Lao xưa và Bảo Lộc ngày nay về hương đất, tình người; thủ phủ trà - tơ lụa Bảo Lộc trong suốt chặng đường hình thành và phát triển.
Thành phố Bảo Lộc cách Đà Lạt khoảng 110 km, cách Phan Thiết 100 km và cách TP.HCM khoảng 190 km, nằm giáp với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Với lợi thế trung tâm của vùng, Bảo Lộc có thể trở thành điểm trung chuyển, giao thương hàng hoá cho cả khu vực Tây Nguyên.
Bảo Lộc nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển và chịu ảnh hưởng của kiểu khí hậu nhiệt đới giới mùa. Nhiệt độ trung bình trong năm tại đây luôn mát mẻ, dễ chịu, nằm trong khoảng từ 21 đến 22 độ C. Mức nhiệt cao nhất theo ghi nhận là 27,4 độ C và thấp nhất là 16,6 độ C.
Bảo Lộc có đủ dạng địa hình: núi cao, đồi dốc và thung lũng để tạo nên khí hậu se mát quanh năm. Giữa mênh mông trập trùng Bảo Lộc ôm trọn vào lòng những đồi núi, thác nước, sông hồ... hoang sơ, tươi đẹp.
Nếu như Đà Lạt được biết đến như thành phố của rau, hoa thì Bảo Lộc được ví như thủ phủ của trà và tơ lụa Việt Nam.
Trà (còn gọi là chè) Bảo Lộc được sân khấu hóa nhằm quảng bá cho sản phẩm đặc trưng nơi đây
Đây là dịp để Bảo Lộc chào đón và giới thiệu tới du khách hương vị đặc sắc của trà B’Lao và sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc, được sản xuất từ chính con người của vùng đất Nam Tây Nguyên. Qua chương trình nghệ thuật, tin tưởng rằng thương hiệu trà B’Lao và tơ lụa Bảo Lộc gắn liền với hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện của vùng đất B'Lao sẽ tiếp tục được người dân, du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, khẳng định Bảo Lộc xứng đáng với tên gọi là “Bảo Lộc - Thủ phủ trà và tơ lụa của Việt Nam”.
Chương trình được dàn dựng, biểu diễn công phu, qua đó, làm toát lên hương đất, tình người và giới thiệu về lịch sử hình thành vùng đất B’Lao từ khi các đoàn thám hiểm của người Pháp đặt chân đến vùng đất này. Sau quá trình phát triển, năm 2010, TP Bảo Lộc được thành lập trực thuộc tỉnh Lâm Đồng. Xen kẽ là các hoạt cảnh múa, là phần trình diễn các ca khúc về vùng đất Bảo Lộc như Giấc mơ rừng xanh, Chuyện tình Đam B’ri, Bảo Lộc khúc tình ca…
Nối tiếp chương trình nghệ thuật là không gian “Hương trà, sắc tơ”, qua đó giới thiệu, quảng bá về 2 sản phẩm đặc trưng tạo nên thương hiệu cho vùng đất B’Lao. Trà là cây công nghiệp lâu năm, có chu kỳ kinh tế dài, cho sản phẩm thu hoạch quanh năm và rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Với sự phát triển cây trà cùng với sự hình thành các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tơi lụa Bảo Lộc thuộc loại tốt bậc nhất trên thị trường
Cùng với trà, sau bao thăng trầm, giờ đây, Bảo Lộc đã khẳng định là thủ phủ tơ lụa của cả nước. Hiện tại, Bảo Lộc có hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tơ lụa, với quy trình tự động hóa. Hằng năm, Bảo Lộc sản xuất hơn 1.100 tấn tơ, khoảng 5 triệu mét lụa.
Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ở nhiều thị trường trên thế giới như: Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan và đang dần tiến ra thị trường các nước châu Âu… Giá trị xuất khẩu của ngành dâu tằm, tơ lụa đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chương trình nghệ thuật còn thể hiện quá trình hội nhập, tỏa sáng của Bảo Lộc - là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Lâm Đồng và là trung tâm công nghiệp của cả tỉnh.
Trong những năm qua, kinh tế TP Bảo Lộc luôn tăng trưởng ở mức cao, với thế mạnh là các ngành công nghiệp chế biến nông sản, dệt may, tơ tằm, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản và các ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ tại Khu công nghiệp Lộc Sơn và cụm công nghiệp Lộc Phát.
Cùng với đó, trong những năm gần đây, thương mại - dịch vụ và du lịch Bảo Lộc tăng trưởng ổn định, hệ thống trung tâm thượng mại, siêu thị, chợ trung tâm… được quan tâm đầu tư xây mới và nâng cấp; các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, dịch vụ đo lường, kiểm định ... ngày càng phát triển theo hướng hiện đại.
Đời sống người dân không ngừng được nâng cao về vật chất lẫn tinh thần. Hiện tại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đang tập trung, nỗ lực xây dựng Bảo Lộc trở thành đô thị loại 2 trước năm 2025 phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Một xứ sở sương mù thứ hai của tỉnh Lâm Đồng với view săn mây cực đỉnh không khác gì Sapa hay Đà Lạt.