Ra mắt mô hình ‘Du lịch sinh thái giảm nhựa’ ở Đầm Chuồn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mô hình “Du lịch sinh thái giảm nhựa” tại Đầm Chuồn là nỗ lực để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng đến hình ảnh một điểm đến bền vững, có trách nhiệm.

Ngày 28/5, bên mặt nước phẳng lặng, thơ mộng của Đầm Chuồn, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam năm 2025 (TVA) do WWF-Na Uy tài trợ, phối hợp Sở Du lịch TP Huế và UBND xã Phú An tổ chức lễ ra mắt điểm đến sinh thái giảm nhựa tại Đầm Chuồn.

Ra mắt mô hình ‘Du lịch sinh thái giảm nhựa’ ở Đầm Chuồn - 1

Du khách tham gia tour trải nghiệm ở Đầm Chuồn.

Với sự hỗ trợ của Dự án TVA và chính quyền địa phương, 6 cơ sở du lịch dịch vụ tại Phú An đã chính thức cam kết thực hành các giải pháp giảm nhựa trong hoạt động kinh doanh. Đó là Homestay Hương Đầm Chuồn và các nhà hàng Đầm Chuồn Hương Quán, Đầm Chuồn An Phú, Chuồn Lagoon, Đầm Chuồn Hội Quán và Thủy Triều Quán.

Các cơ sở du lịch dịch vụ đã triển khai các thực hành giảm nhựa, cụ thể như chai nhựa dùng một lần được các nhà hàng, homestay thay thế bằng bình thủy tinh có thể tái sử dụng và thân thiện với môi trường; Các cơ sở kinh doanh nhà hàng triển khai sử dụng hộp đựng thực phẩm inox bền chắc và góp phần giảm túi nilon và rác nhựa.

Tại homestay, lọ sứ đựng dầu gội và sữa tắm đã được lắp đặt thay cho đồ nhựa dùng một lần trong hoạt động lưu trú. Một điểm refill nước miễn phí được bố trí để phục vụ khách du lịch, giảm thiểu tối đa chai nước nhựa trong mỗi hành trình.

Ngoài ra còn có hệ thống bảng hiệu truyền thông, thùng rác phân loại và những câu chuyện nhỏ về việc thực hành giảm nhựa, phân loại rác tại nguồn mà 6 chủ cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ đã và đang kể lại cho du khách - như một cách lan tỏa tinh thần sống xanh.

Ra mắt mô hình ‘Du lịch sinh thái giảm nhựa’ ở Đầm Chuồn - 2

6 cơ sở du lịch dịch vụ cam kết thực hành giải pháp giảm nhựa trong hoạt động kinh doanh.

Theo ông Hoàng Phước Nhật – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Huế, Đầm Chuồn từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn với cảnh quan đầm phá thơ mộng, văn hóa đặc sắc và những trải nghiệm khó quên như đổ nò, câu cá, thưởng thức ẩm thực trên nhà hàng nổi, hay ngắm bình minh, hoàng hôn trên sông nước.

“Mô hình “Du lịch sinh thái giảm nhựa” tại Đầm Chuồn không chỉ là khẩu hiệu, mà là cam kết hành động. Đây là nỗ lực để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng đến hình ảnh một điểm đến bền vững, có trách nhiệm”, ông Nhật chia sẻ.

Chia sẻ tại buổi lễ, bà Hoàng Ngọc Tường Vân - Quản lý Dự án TVA cho biết, Đầm Chuồn không chỉ là một vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp nên thơ và hệ sinh thái phong phú, mà còn là nơi cư dân địa phương sống chan hòa, gắn bó sâu sắc với từng con nước, con cá và từng nhịp đổi thay của đất trời.

“Chúng tôi tin rằng, khi cộng đồng sẵn sàng thay đổi thói quen và chung tay hành động giảm nhựa, du lịch sẽ không chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế - mà trở thành cầu nối nuôi dưỡng trách nhiệm với môi trường, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, cũng là con đường dài lâu để gìn giữ sự nguyên sơ, chân thật của vùng đất đầm phá cho các thế hệ mai sau”, bà Tường Vân cho hay.

Ra mắt mô hình ‘Du lịch sinh thái giảm nhựa’ ở Đầm Chuồn - 3

Ra mắt điểm đến du lịch sinh thái giảm nhựa Đầm Chuồn.

Trong khuôn khổ sự kiện, Trường Cao đẳng Du lịch Huế đã phối hợp với các đơn vị lữ hành tổ chức chương trình tour trải nghiệm tại Đầm Chuồn, lồng ghép các hoạt động du lịch sinh thái với thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa.

Tham gia tour này, du khách được thưởng thức cảnh sắc thanh bình của vùng đầm phá và khám phá đời sống bản địa, được nghe giới thiệu trực tiếp về những nỗ lực giảm nhựa tại 6 cơ sở kinh doanh dịch vụ địa phương đã cam kết, bao gồm homestay và các nhà hàng đặc trưng ven đầm.

Trong suốt hành trình, du khách được khuyến khích mang theo chai nước cá nhân, hạn chế tối đa việc sử dụng nước uống đóng chai nhựa cũng như các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đặc biệt, hoạt động đi thuyền tham quan đầm phá, mua sắm trong tour được thiết kế theo hướng giảm nhựa, góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường qua từng trải nghiệm.

Ra mắt mô hình ‘Du lịch sinh thái giảm nhựa’ ở Đầm Chuồn - 4

Bố trí các thùng rác phân loại ở Đầm Chuồn.

Phú An là một xã ven đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Hoạt động du lịch tại khu vực này được triển khai khá sớm nhờ những lợi thế về hệ sinh thái nước lợ, nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản truyền thống, ẩm thực, văn hóa truyền thống của người dân vùng ven đầm phá, cảnh quan thiên nhiên.

Nổi bật tại địa phương này là khu vực Đầm Chuồn, nơi tập trung nhiều nhà hàng nổi và dịch vụ du lịch cộng đồng. Du khách đến đây không chỉ được thưởng thức hải sản tươi ngon ngay giữa lòng đầm phá, mà còn có thể tham gia vào các hoạt động ngư nghiệp như chèo thuyền, đổ nò, kéo vó, đạp trìa...

Đặc biệt, khung cảnh bình minh và hoàng hôn trên Đầm Chuồn luôn là một điểm săn ảnh lý tưởng, hấp dẫn cả nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn du khách yêu thiên nhiên.

Không chỉ có thiên nhiên, Phú An còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống như hệ thống đình chùa cổ kính, các lễ hội dân gian, chợ An Truyền – nơi nổi tiếng với món ăn đặc sản bánh xèo cá kình, gắn liền với hồn cốt của làng quê đầm phá.

Với khát vọng gìn giữ hình ảnh nguyên sơ của vùng đầm phá, Đầm Chuồn đang nỗ lực trở thành một điểm đến du lịch sinh thái giảm nhựa của Huế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Hiệp

CLIP HOT