Hoạ sĩ trẻ kể chuyện gà, vịt, ruộng đồng qua tranh vẽ
Gửi gắm cả niềm tâm tư vào tranh vẽ, hoạ sĩ Phan Vũ Tuấn đã cho người xem một “tấm vé hoài niệm” tìm về làng quê yên bình mà đôi khi đã bị lãng quên đâu đó.
Phan Vũ Tuấn (quê Hà Tĩnh) tốt nghiệp Hội hoạ - Đại học Nghệ thuật Huế, anh hiện là hoạ sĩ tự do và theo đuổi con đường sáng tác với chất liệu màu nước. Những tác phẩm của Vũ Tuấn được lấy cảm hứng từ miền quê, nơi anh sinh ra và lớn lên.
Nếu từng đọc tập tản văn “Bên sông Ô Lâu” của tác giả Phi Tân (Chibooks và NXB Lao động ấn hành), độc giả sẽ khó mà rời mắt khỏi bộ tranh minh hoạ về làng quê xứ Huế được đầu tư công phu của Phan Vũ Tuấn.
Hoạ sĩ trẻ 9X Phan Vũ Tuấn
Tranh của anh với những nét vẽ trong veo, gần gũi mà cũng rất đời. Mới đây, Vũ Tuấn vừa trình làng bộ tranh “Chuyện quê” trên một diễn đàn nổi tiếng về hội hoạ và được đông đảo người yêu tranh, giới mộ điệu ngợi khen.
“Chuyện quê” qua tranh của Tuấn là hình ảnh rất đỗi quen thuộc như con trâu đằm mình giữa cánh đồng hoang, bụi tre già trong làng, những chiều quê yên ả hay tàu lá chuối vàng úa rụng ngổn ngang dưới thềm… Hình ảnh đời thực được hoạ sĩ trẻ ký gởi vào tranh, bởi lẽ đó mà qua tranh của Tuấn, người xem như nhìn thấy quê nhà mình trong đó.
“Dưới bóng cây” trong tranh của Tuấn là những hình ảnh rất đỗi quen thuộc. Đó có thể là đàn gà, vịt lang thang kiếm ăn dưới tán cây, những cây chuối đang thì trổ bông…
Không đề
Chủ đề xuyên suốt mà hoạ sẽ trẻ lựa chọn để khai thác trong tác phẩm của mình là những góc nhìn về nông thôn, quê hương làng mạc. Đối tượng mà Tuấn chọn để đưa vào trong các tác phẩm là thiên nhiên, môi trường và động vật.
“Có lẽ sinh ra từ nông thôn nên đây là nguồn cảm hứng bất tận để mình đưa vào hội hoạ. Mình nghĩ cái đẹp là thứ gần gũi nhất xung quanh, nó đi vào tuổi thơ, ký ức và là cái mang cho mình nhiều lòng trắc ẩn nhất”, Tuấn bộc bạch.
Rặng tre làng
Buổi sáng trong lành ở làng quê, thanh bình ngắm cây cỏ, đàn chim bay lượn.
Khoảng trời
Bộ tranh "Chuyện quê" là các tác phẩm được Vũ Tuấn sáng tác tại studio, mỗi một tác phẩm là một câu chuyện của một quá trình từ lúc lên ý tưởng, phác thảo, lang thang va chạm thực tế để tìm tư liệu và cuối cùng là chắt lọc, tạo hình đến khi ra tác phẩm hoàn thiện.
Lập xuân
Là một hoạ sĩ trẻ, trong quá trình làm việc sáng tác, Tuấn luôn xem việc thực hành nghệ thuật là vừa làm và học. "Mình rất thích Andrew Wyeth - một hoạ sĩ người Mỹ lừng danh. Mình thích những khoảng "lặng" trong tranh của ông ấy. Ở đây mình học hỏi được và hình thành cho mình lối tạo hình về những khoảng trống - cái sự "lặng" trong tranh”, Tuấn chia sẻ.
Đồng chiều
Cánh đồng hoang
Quan điểm trong nghệ thuật của Tuấn cũng khá đơn giản, "mình cứ vẽ những thứ mình hiểu nhất, va chạm nhất thì cái đấy sẽ là của mình".
Đường chân trời
Bão đông
Trong hội hoạ muôn hình muôn vẻ, để tạo cho bản thân một dấu ấn riêng là cả một hành trình dài, Tuấn vẫn luôn xuyên suốt với nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, môi trường, động vật nông thôn. Chẳng hạn, đang theo đuổi chất liệu chính trong sáng tác là màu nước nhưng Tuấn chọn một lối tạo hình khác, không giới hạn việc vẽ chất liệu nào là phải thế này, thế kia,... nói đúng hơn là anh đang dùng chất liệu để vẽ, và nó chỉ là phương tiện để mình thể hiện.
Tuấn gọi tên cho các tác phẩm này là “Những khoảng trắng”. Đây cũng chính là nét riêng trong sáng tác hội hoạ của anh.
Nhiều người đồng nghiệp, hay giới thưởng lãm vẫn hay có những cảm nhận cho tranh của Tuấn, đó là tranh mình có chút buồn, rất mộc, và rất bình yên... “Mình nghĩ bản thân của một tác phẩm hội hoạ ngoài những chất xám mà người hoạ sĩ thả vào đó thì hơn thế nữa là những cảm nhận của người thưởng lãm”, Tuấn chia sẻ
Những con số được ghi nhận theo một biểu đồ đi lên có thể coi là những viên gạch đầu tiên xây lên Con đường Việt...