Sân khấu hát tuồng sáng đèn, nghệ sĩ như được "sống lại lần nữa"
"Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, được trở lại với nghề khiến chúng tôi như được sống lại lần nữa".
Cổng tam quan Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu), nơi diễn ra chương trình sân khấu hát tuồng (hát bội) sáng ngày 13/11
Ngày 13/11/2021, tại Di tích lịch sử văn hóa lăng Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt - Q. Bình Thạnh, sân khấu hát tuồng đã "sáng đèn" trở lại với vở diễn “Lê Công kỳ án”. Đây là sự kiện đánh đấu sự trở lại của các nghệ sĩ sau 4 tháng rời xa sân khấu vì dịch bệnh Covid-19.
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, quyền Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát tuồng TP.HCM cho biết, tại Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018, Nhà hát đã đoạt huy chương vàng cho vở diễn "Lê Công kỳ án".
Đây là vở diễn về cuộc đời và công nghiệp của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn thành Gia Định, bậc danh nhân có công an định, phát triển vùng đất Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ xưa… Sau đó, các nghệ sĩ của nhà hát đã mang vở diễn đi biểu diễn ở rất nhiều nơi và được khán giả đón nhận nhiệt tình.
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết, dịp này, để đánh dấu sự trở lại của các nghệ sĩ hát tuồng sau nhiều tháng nghỉ ở nhà vì đảm bảo an toàn phòng dịch, nhà hát đã phối hợp với Ban quản lý Di tích Lăng Lê Văn Duyệt biểu diễn lại vở "Lê Công kỳ án" (Tác giả NSƯT Hữu Danh, đạo diễn Nguyễn Hoàn, cố vấn nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu).
Các nghệ sĩ tập trung từ rất sớm, tỉ mỉ hóa trang gương mặt thể hiện tính cách nhân vật
Khán giả có thể nhìn vào diễn viên với bộ mặt hóa trang cũng như trang phục có thể nhận ra ngay tính cách nhân vật đó như thế nào
Từ rất sớm, các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát tuồng TP.HCM đã tập trung đông đủ, chuẩn bị trang điểm, tập lại các trích đoạn… đồng thời bộ phận sân khấu, âm thanh, ánh sáng hậu trường cũng ráo riết set máy, test đèn kỹ càng để đúng 9 giờ sân khấu “lên đèn”.
Nghệ sĩ ưu tú Linh Hiền chia sẻ: "Sau đợt dịch, được trở lại với nghề khiến chúng tôi như được sống lại lần nữa"
Gặp NSƯT Linh Hiền sau cánh gà, nghệ sĩ chia sẻ, 42 năm làm nghề thì đợt dịch bệnh vừa qua đã gây không ít khó khăn cho các nghệ sĩ TP.HCM, đặc biệt là anh chị em nghệ sĩ hát tuồng. Tuy nhiên, 4 tháng rời xa sân khấu và nay nghe tin được biểu diễn trở lại, các anh chị em nghệ sĩ ai nấy đều vui mừng phấn khởi.
Được trở lại với nghề thì rất mừng nhưng còn lo lắng vì dịch bệnh COVID-19 diễn tiến vẫn phức tạp nên khi được biểu diễn các anh chị em cũng cố gắng hết sức nghiêm ngặt các quy định phòng dịch: tuân thủ 5K, giãn cách an toàn, tiêm đủ 2 mũi vaccine...
NS Linh Hiền xúc động, khi không được đứng trên sân khấu thì ai cũng cảm thấy rất buồn và hụt hẫng. "Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, được trở lại với nghề khiến chúng tôi như được sống lại lần nữa. Chỉ có đứng trên sân khẩu biểu diễn mới thỏa được sự đam mê của các nghệ sĩ gắn liền với sân khấu. Hơn nữa, khi không được biểu diễn trực tiếp trên sân khấu thì nghề của mình cũng sẽ dần mất đi và nó cũng không còn giá trị đem lại niềm vui, hi vọng tươi sáng cho bà con thích xem biểu diễn bộ môn nghệ thuật này", nghệ sĩ tâm sự.
Trong nghệ thuật hát tuồng, trang điểm gương mặt khá quan trọng. Nhân vật nữ với gương mặt màu trắng thể hiện vai diễn nhu mì, trong sáng, đoan trang...
Trang phục, kỹ thuật diễn xuất, điệu bộ sinh động nhằm mô tả các hành động và trạng thái tâm lý của nhân vật
Gương mặt màu xanh thường dành cho các nhân vật mưu mô, xảo quyệt
Biểu lộ gương mặt, nhất là cái thần khi diễn xuất đôi mắt được các nghệ sĩ đặc biệt chú trọng nhằm biểu lộ đặc tả hành động của vai diễn
Các nghệ sĩ tự tay trang điểm cho vai diễn của mình
Nghệ sĩ thư giãn chuẩn bị lên sàn diễn
Dặm lại tí phấn, tô thêm tí son trước lúc diễn xuất
Làm nóng, luyện lại vài động tác, điệu bộ trong vở diễn
Theo đó, để có thể lên sân khấu biểu diễn, các nghệ sĩ phải mất hàng giờ đồng hồ cho việc hóa trang cho các nhân vật trong các vai diễn. Việc "tô màu" ngũ sắc xanh, đỏ, tím, vàng lên gương mặt thu hút rất nhiều người dân hiếu kì quây quần sau “hậu trường” để nhìn ngắm và lưu những khoảnh khắc hóa trang, chuẩn bị cho vai diễn của các diễn viên.
Các màn giao đấu đầy kịch tính luôn cuốn hút người xem
Trích đoạn Ôn Đình chém Khương Linh Tá trong vở San Hậu
Các nghệ sĩ còn biểu diễn trích đoạn "Tạ Đình Ôn chém Khương Linh Tá. Đây là một cảnh diễn kinh điển, rất hấp dẫn; diễn lại màn giao đấu giữa trung thần Khương Linh Tá với 3 anh em gian thần phản nghịch Ôn Đình.
Cốt truyện xoay quanh các nhân vật Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá, cả 2 đều là các quan trung thần tìm cách cứu thứ phi và hoàng tử khỏi sự giam hãm của nhà họ Tạ. Trên đường lánh nạn, để giúp Đổng Kim Lân, thứ phi và hoàng tử thoát nguy, Khương Linh Tá cản đường Tạ Ôn Đình và bị Ôn Đình chặt đầu. Khương Linh Tá nhặt đầu lên chắp vào cổ rồi chạy theo Đổng Kim Lân rượt đánh, khiến anh em họ Tạ kinh hồn bạt vía.
Tiếp theo, phần diễn xuất chính của buổi diễn là vở “Lê Công kỳ án”. Lấy bối cảnh tại thành Gia Định xưa, khi đó Đức Tả quân Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn (1813-1815 và 1820-1832), ông rất nghiêm minh, luôn chăm lo cuộc sống cho lê dân, ai hống hách hà hiếp dân tình, đều bị ông tra xét nghiêm trị nên được người dân đất Phương Nam hết lòng tôn kính.
Nghệ sĩ Kiều My trong vai Huệ phi, con gái tham quan Huỳnh Công Lý, người được vua Minh Mạng sủng ái
NSƯT Linh Hiền trong vai vua Minh Mạng trong vở "Lê Công kỳ án"
Nghệ sĩ Đông Hồ trong vai Tả quân Lê Văn Duyệt tự trói mình về kinh chịu tội
Các vai diễn dàn dựng công phu, truyện tích hấp dẫn đã thu hút khá đông khán giả
Chuyện rằng, một lần trên đường kinh lý, ông điều tra cha vợ của vua Minh Mạng, Phó tổng Huỳnh Công Lý dựa thế vơ vét, đốt phá chùa chiền, giết người vô cớ, dân tình oán than. Ông đã dùng thượng phương bảo kiếm tiền trảm hậu tấu, chém Huỳnh Công Lý trước sự chứng kiến của nhân dân Gia Định thành.
Nơi triều đô, vua Minh Mạng nhận được đầu của nhạc vương hết sức tức giận muốn xử trảm Lê Văn Duyệt nhưng Lê Công là một công thần có công xây dựng triều Nguyễn và mang trọng trách trấn thủ phía Nam, dân chúng yên ổn, nhân dân tin tưởng, tôn kính, lân bang nể phục. Xét thấy việc xử án của Tả quân Lê Văn Duyệt là đúng, vua đã tha tội và ban thưởng đai ngọc cho vị trung thần để thưởng công lao.
Vở “Lê Công kỳ án” cho người xem cảm phục tinh thần trung quân ái quốc, dũng cảm đối đầu với bọn tham quan với câu nói nổi tiếng của ông khi tâu với vua Minh Mạng: “Chống tham nhũng như chống mối phải từ nóc nhà mà chống xuống. Đám quan lại tham nhũng như bầy mối càng to thì đục khoét càng dữ không diệt trừ tận gốc thì nhà sập, lúc đó bệ hạ và quần thần muốn đỡ cũng đỡ không nổi đâu!”.
“Antigone“ từng được chuyển thể dưới nhiều dạng thức từ phim, opera, kịch… Nhưng đến giờ, nàng Antigone mới chính thức...