Khám phá cao nguyên đá Hà Giang qua những sáng tác của Đỗ Bích Thúy

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bằng những chất liệu thô mộc nhất của cuộc sống, chị cho ra đời những sáng tác ám ảnh khôn nguôi về số phận con người trên rẻo cao miền cực Bắc.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, có thể nói Đỗ Bích Thúy là nhà văn xuất sắc nhất khi viết về chính mảnh đất quê hương. 

Lặng yên dưới vực sâu

Nhắc đến vùng cao, chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài - một trong những tác phẩm tiêu biểu được giảng dạy trong nhà trường, nói về số phận con người bị áp bức đã vùng lên đấu tranh giành lấy hạnh phúc, tự do cá nhân.

Khám phá cao nguyên đá Hà Giang qua những sáng tác của Đỗ Bích Thúy - 1

Đường lên Hà Giang.

Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy đưa người đọc đến với Hà Giang – miền đất địa đầu tổ quốc với những bản làng người Mông cheo leo trên những mỏm đá tai mèo, với những tập tục lâu đời như tục cướp vợ. Ở đó có câu chuyện tình yêu trái ngang cay đắng của 3 người: Vừ, Súa, Phống.

Tựa như mây và núi, như 2 thân dây leo, Vừ và Súa – 2 kẻ nghèo như sinh ra để dành cho nhau. Họ đã trở thành vợ chồng nếu như không có Phống – gã trai Mông nhà giàu, hống hách.

Súa đang ở nhà Tráng A Phống. Nhưng vì sao lúc này Súa lại ở nhà Phống? Ầy, dễ hiểu lắm. Là bị Phống cướp về. “Từ hôm nay, Súa là vợ tôi”. Tráng A Phống này, ông trời cũng chẳng sợ. Thích cái gì thì phải bằng mọi cách lấy thứ ấy về dùng. Vợ cũng thế. Phống đã thích thì dù thế nào Phống cũng sẽ cướp lấy. Không cần biết đúng sai, đấy là Phống.

Bắt đầu từ đó là những tháng ngày Súa bị “giam cầm” trong cuộc hôn nhân bất đắc dĩ với Phống, cùng tình yêu chưa bao giờ nguôi dành cho Vừ và một tâm hồn khát khao tự do. Phống cướp được thân xác Súa, nhưng không sao len được vào trái tim đã cài then chốt cửa của cô nên chỉ biết trút mọi nỗi hằn học bực bội lên thân xác vợ.

Trời cho rơi xuống đâu thì đậu ở đấy. Nắng lên thì sẽ tan ra. Tan ra và biến mất. Súa đã biến mất rồi. Bây giờ hỏi Súa không ai trả lời nữa. Trong nhà ngoài nhà, đều gọi Súa là vợ Phống.

Khám phá cao nguyên đá Hà Giang qua những sáng tác của Đỗ Bích Thúy - 2

Lặng yên dưới vực sâu có thể xem là tiểu thuyết thành công nhất của Đỗ Bích Thúy.

Bút pháp nổi bật trong tiểu thuyết này chính là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật để người đọc thấy được sự giằng xé trong nội tâm, hành động: đó là Súa dù bị chà đạp nhưng sở hữu bản năng mạnh mẽ, không chấp nhận và chịu đầu hàng số phận. Đó là Vừ, tuy có những lúc tuyệt vọng, định buông xuôi đón nhận tình cảm của Xí, nhưng cuối cùng, anh hành động theo tiếng gọi của trái tim. Đó là Phống – gã trai thô kệch, cục súc chỉ để che giấu đi sự thất bại và yếu đuối.

Năm 2017, Lặng yên dưới vực sâu được chuyển thể thành phim do chính Đỗ Bích Thúy làm biên kịch. Câu chuyện của Vừ, Súa, Phống được thể hiện sinh động và chân thực hơn bao giờ hết với bối cảnh ngay chính tại Hà Giang với những ruộng tam giác mạch ngút ngàn, những hàng sa mộc cao vút, những lễ hội, sinh hoạt đậm bản sắc địa phương từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Phó Bảng, cho đến Mèo Vạc.

Khám phá cao nguyên đá Hà Giang qua những sáng tác của Đỗ Bích Thúy - 3

Hình ảnh trong phim Lặng yên dưới vực sâu.

Bóng của cây sồi

Ở đây có rất nhiều sồi. Sồi mọc khỏe khoắn và kiêu hãnh từ rừng đại ngàn trở ra cho đến sát với những nương đồi trồng lúa và sắn. Ông và bố đều nói rằng, mỗi cây sồi tượng trưng cho một người đàn ông trong làng. Khi một đứa bé trai ra đời, nếu nó cất tiếng khóc to cả làng nghe thấy, ông nội sẽ đến bên cạnh và nói: Mày là một cây sồi khỏe.

Khám phá cao nguyên đá Hà Giang qua những sáng tác của Đỗ Bích Thúy - 4

Bóng của cây sồi – tiểu thuyết đầu tay của Đỗ Bích Thúy.

Bóng của cây sồi là tiểu thuyết đầu tay của Đỗ Bích Thúy, lấy bối cảnh là thôn Lao Chải – một địa danh có thật ở Hà Giang để kể câu chuyện về những con người nơi đây. Đó là Phù, là Mai, là Kim và những uẩn khúc, những xoay vần trong cuộc sống của người Dao, người Tày ở Lao Chải.

Người Dao là con chim xanh, gặp quả thì ăn, gặp nước thì uống. Bay hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Người Dao đi mãi, đến cánh rừng bên trên Lao Chải này, định dừng lại, chặt cây làm nương rẫy mới thì có người lên ngăn lại, không cho chặt, ấy là người Tày sống dưới thung lũng.

Bút pháp tả cảnh xen lẫn với kể chuyện của Đỗ Bích Thúy vẫn cuốn hút như thế, giúp người đọc hình dung rõ ràng một Lao Chải bình yên, thơ mộng nơi cao nguyên đá.

Đứng từ Lao Chải nhìn sang bên kia sông Lô chỉ thấy mênh mông đồi tiếp đối, núi tiếp núi và lau trắng như mây. Lau mọc dày từ bờ sông, sát mép nước lên đến đỉnh núi, Người Dao Lùng Áng ở đằng sau dãy nũi ấy, họ làm nương ở sườn núi bên kia nên bao nhiêu năm nay vạt lau vẫn còn nguyên. Buổi chiều mặt trời chiếu sau lưng Lao Chải thì cũng cùng lúc chiếu thẳng vào triền núi. Ánh mặt trời cuối ngày chiếu vào lau trắng khiến cả vạt đồi vừa dài vừa rộng chuyển thành màu đỏ tía.

Ở bản làng bình yên ấy có câu chuyện của trưởng thôn Nông Văn Phù và một đám cưới khiến cả làng bàn tán xôn xao. Bởi “trong số mười cô gái đẹp nhất Lao Chải Phù không chọn ai lại đi chọn Mai, con gái ông Huyện lái đò. Mai đứng cạnh Phù như mây đen đậu cạnh mặt trăng”. Đến cả bản thân Mai sau này còn nhiều lúc không dám tin là cô đã làm vợ Phù vì “thỉnh thoảng đi làm về bùn lấm lên đến váy, gặp Phù đi đâu về bằng xe đạp, cái cặp da buộc đằng sau, mai vẫn dắt trâu đứng sát vào vệ đường, quay mặt đi để khỏi phải chào, cũng không để Phù nhận ra mình là ai”.

Một cuộc hôn nhân mang theo nhiều kỳ vọng nhưng lại không bắt nguồn bằng tình yêu, cuối cùng đã mang đến rất nhiều thất vọng, nhiều vết thương lòng cho cả Mai và Phù. Trong khi Phù vẫn đau đáu về người con gái tên Kim – người đã làm trái tim anh rung động nhưng bản thân anh không đủ mạnh mẽ để vượt qua những lời dèm pha, những ràng buộc của luân thường đạo lý gia đình.

Một lý giải mà ngay đầu tác phẩm Đỗ Bích Thúy đã ám chỉ bằng lối miêu tả tinh tế “Đã nhiều năm trôi qua, cây sồi này già rồi chết, rồi khô xác không còn một mảnh vỏ, đến cả những sợi rễ vững chãi ăn sâu xuống lòng đất ẩm ướt cũng đã đứt thành nhiều đoạn, nhưng cái bóng của nó thì không ai xoá đi được. Ngay cả anh, người đàn ông duy nhất còn lại của dòng họ, cũng không đi qua được nó, không vượt qua được cái ranh giới mà bóng cây sồi đã in xuống vùng thung lũng rộng không đầy một sải chim bay này”.

Bên cạnh câu chuyện tình yêu của tuyến nhân vật chính, Bóng của cây sồi còn khắc họa một Lao Chải trên con đường thoát khỏi những ràng buộc của lề thói cũ: các tập tục lạc hậu, thuốc phiện, các quan niệm cổ hủ để làm quen với ánh sáng văn minh, với cuộc sống mang màu sắc mới. Trên con đường đó, họ được nhiều và cũng đánh mất đi nhiều điều trân quý, đổi lấy những bài học khắc cốt ghi tâm.

Tiếng đàn môi sau bờ rào đá

Tiếng đàn môi sau bờ rào đá chỉ là một trong số nhiều truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thủy. Nhưng tác phẩm này trở nên nổi tiếng hơn cả bởi nó đã được chuyển thể thành bộ phim Chuyện của Pao, đạo diễn Ngô Quang Hải.

Hiếm có một tác phẩm nào mà nhân vật có nhiều cuộc đời như Tiếng đàn môi sau bờ rào đá. Trong truyện ngắn, nhân vật chính là cô gái tên May, sống cùng một gia đình phức tạp. Mẹ Già – người thương yêu nuôi nấng cô và cậu em trai tên Trài không phải mẹ ruột. Mẹ ruột cô là bà Hoa – người phụ nữ thường bỏ nhà đi buôn biền biệt, có khi đi mấy năm trời. Vậy mà đã có thời gian, bố May, bà Hoa, Mẹ Già cùng sống chung dưới một mái nhà, mỗi người đều theo đuổi những suy nghĩ riêng.

Khi chuyển thể thành phim, đạo diễn và biên kịch thêm thắt nhiều chi tiết hơn về sự “mất tích” của Mẹ Già, về hành trình của cô gái tên Pao (May trong truyện ngắn) đi tìm mẹ và cả những nhận thức, rung động của Pao trong tình yêu, trong âm thanh du dương của tiếng đàn môi sau bờ rào đá đêm mùa xuân trong veo.

Khám phá cao nguyên đá Hà Giang qua những sáng tác của Đỗ Bích Thúy - 5

Bờ rào đá của ngôi nhà trong bộ phim Chuyện của Pao.

Còn thực tế, theo chia sẻ của nhà văn Đỗ Bích Thúy trên một bài phỏng vấn, chị nói nguyên mẫu của Pao hay May là một cô gái tên Thương – người bạn thuở ấu thơ của chị. Thế nhưng cuộc đời Thương và bà Mao – nguyên mẫu nhân vật Mẹ Già trong truyện và phim lại không được “thơ” như thế. Bà Hoa phải nuôi 5 người con riêng của chồng, trong đó có Thương. Ngay cả cuộc sống của Thương cũng nhiều vất vả khiến Đỗ Bích Thúy phải thốt lên rằng nếu gặp Thương của bây giờ, chắc chị khó lòng viết được truyện.

Nhưng có lẽ cũng như chính Đỗ Bích Thúy đã từng chia sẻ “Hầu như nhân vật nữ nào của tôi cũng có một số phận, một gương mặt buồn bã và họ cứ phải chật vật, vất vả mãi để đi tìm những mảnh sáng hiếm hoi cho cuộc đời mình”. Đó là Súa trong Lặng yên dưới vực sâu, là Mai, là Kim trong Bóng của cây sồi, là Mẹ Già trong Tiếng đàn môi sau bờ rào đá – mỗi cuộc đời, mỗi câu chuyện đều giúp người đọc hiểu hơn, trân trọng hơn những người phụ nữ vùng cao dám yêu, dám sống và đấu tranh vì hạnh phúc.

Và từ đây, trên con đường khám phá cao nguyên đá Hà Giang của nhiều lữ khách, bên nương tam giác mạch, bên chén rượu ngô, bên những tán hoa đào mùa xuân, tôi tin rằng còn có thêm cả những trang viết chân thực, mộc mạc của Đỗ Bích Thúy.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trần Huyền

CLIP HOT