“Với tôi, trao cho con em mình thói quen đọc chính là trao cho trẻ một khối tài sản lớn trong tương lai”, chị Kim Thoa, CEO Tân Việt Books, chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM, trong những ngày xuân mới.
“Với tôi, trao cho con em mình thói quen đọc chính là trao cho trẻ một khối tài sản lớn trong tương lai”, chị Kim Thoa, CEO Tân Việt Books, chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM, trong những ngày xuân mới.
Được mệnh danh là “người phụ nữ của những đại siêu thị sách” và thường xuyên có những talkshow truyền cảm hứng về văn hóa đọc ở rất nhiều nơi, động lực nào giúp chị làm được nhiều như vậy?
Tôi học ngành Xuất bản và cũng được thẩm thấu giá trị của những cuốn sách. Tôi nhận thấy nếu không xây dựng thói quen đọc sách cho con em chúng ta từ nhỏ và cho chính bản thân chúng ta khi trưởng thành, thì thật là đáng tiếc. Việc đọc sách mang lại nhiều giá trị cần thiết đối với sự phát triển trí tuệ của một con người. Vì con người là chủ thể của mọi hành động, và rộng ra là chủ thể tương lai của một quốc gia. Nếu chúng ta không có kiến thức và trí tuệ thì đó là một sự lãng phí rất lớn.
Với trách nhiệm của người làm nghề Xuất bản, và mong muốn đóng góp cho lợi ích chung của cộng đồng, tôi luôn tâm niệm phải đem tình yêu sách chia sẻ đi muôn nơi.
Chị có 2 dự án do chính chị khởi xướng, là “Nhà văn hóa - Không gian văn hóa đọc cộng đồng” và “Mỗi nhà một tủ sách”, đến nay đã đạt được kết quả ra sao?
Hai dự án rất lớn này đều được bắt đầu trong năm 2022, nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng rất mừng là bước đầu, chúng tôi nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của nhiều cá nhân, tập thể, những nhà hảo tâm cùng quyên góp, hỗ trợ. Đến nay, một số mô hình “Nhà văn hóa - Không gian văn hóa đọc cộng đồng” đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Những mô hình đầu tiên ở Hưng Yên, Thái Bình đóng vai trò là những điểm mẫu, để chúng tôi nhìn ra được những hạn chế còn tồn đọng và lên kế hoạch dài hơi hơn cho hành trình lan tỏa văn hóa đọc ở những chặng tiếp theo.
Còn dự án “Mỗi nhà một tủ sách” là một dự án hướng tới đối tượng rộng hơn, đặc biệt là doanh nhân. Trong các gia đình người Việt hiện nay, đa số đều có tủ quần áo, tủ giày, thậm chí là tủ rượu, tủ cigar, nhưng có một loại tủ vẫn còn vắng bóng, đó là tủ sách. Nhiều gia đình đang quan tâm hơn tới những giá trị vật chất, còn những món đồ mang tính bồi đắp tri thức, làm giàu tâm hồn vẫn chưa được ưu tiên.
Để thực hiện dự án “Mỗi nhà một tủ sách”, chúng tôi đã có những hoạt động, chương trình kêu gọi phát động trước tiên trong cộng đồng doanh nhân. Họ là những người đã có những thành công nhất định. Chúng tôi mong rằng họ sẽ có sự đầu tư hơn cho hoạt động đọc, để trang bị cho mỗi gia đình, mỗi cơ quan một tủ sách. Đó chính là cách hiệu quả để tác động và hình thành thói quen đọc sách của người Việt.
Nhưng theo chị, đâu mới là cốt lõi làm nên sự phát triển của văn hóa đọc?
Bà Kim Thoa - CEO Tân Việt Books
Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), số lượng xuất bản phẩm bình quân đầu người trong năm qua là 4,9 bản cứng (tăng 5,4%). Nếu tính cả sách điện tử, sách nói, số liệu lên tới 5,3 bản/người/năm. Dù đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng tỷ lệ đọc sách của người Việt phân bố chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở nhóm đối tượng thành thị, trung tâm lớn. Ở vùng sâu, vùng xa, bà con còn chưa có nhiều điều kiện để đọc sách.
Phát triển văn hóa đọc là một vấn đề lớn, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được. Nhưng theo tôi, cốt lõi của văn hóa đọc nằm ở nhận thức của mỗi người. Khi ý thức được sự cần thiết của việc đọc sách, chắc chắn chúng ta sẽ ưu tiên và đầu tư cho việc đọc. Ngược lại, nếu không nhận thức được tầm quan trọng của sách, thì người ta khó bỏ tiền ra mua, cho dù giá tiền của một cuốn sách là rất nhỏ.
Là “thuyền trưởng” của một đơn vị xuất bản, chị mong muốn đóng góp như thế nào cho sự phát triển của toàn ngành?
Tháng 11/2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Cần phải đưa văn hóa phát triển ngang hàng với kinh tế - xã hội”. Đây là câu nói khiến những người làm xuất bản như chúng tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi. Bản thân tôi là người rất tâm niệm với điều này, nên tôi luôn sắp xếp thời gian giữa việc kinh doanh của đơn vị mình để có những buổi talkshow chia sẻ, truyền cảm hứng về văn hóa đọc cho cộng đồng.
Các buổi talkshow của tôi diễn ra cả trên hình thức online và offline, hướng tới mọi đối tượng, với mục đích tất cả mọi người đều dần hiểu được giá trị của việc đọc. Đặc biệt đối tượng chính mà tôi hướng tới là các bậc phụ huynh có con em nhỏ tuổi, vì tôi muốn cha mẹ sẽ là người nhận thức được vai trò của sách, sau đó định hình và xây dựng cho con em mình thói quen đọc từ khi còn nhỏ. Với tôi, trao cho con em mình thói quen đọc chính là trao cho trẻ một khối tài sản lớn trong tương lai.
Cốt lõi của một quốc gia chính là con người. Sự thành bại của một dân tộc cũng do con người quyết định. Văn hóa đọc chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến trí tuệ của con người, bởi nó tác động đến nhận thức, tư duy, giải pháp và sự sáng tạo của con người. Vì vậy, có thể nói phát triển văn hóa đọc là phát triển nguồn lực của quốc gia.
Thời gian gần đây, thị trường xuất hiện nhưng hộp quà sách rất đặc biệt của Tân Việt Books. Chị nghĩ việc này sẽ giúp định hình xu hướng tặng quà và thay đổi thói quen đọc như thế nào?
Xuất phát từ giá trị của việc đọc, chúng tôi nảy ra ý tưởng biến sách thành món quà ý nghĩa trong các dịp đặc biệt, như Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, Trung thu… Gần đây nhất, Tân Việt Books ra mắt bạn đọc những hộp quà Gieo mầm tri thức rất đẹp về hình thức và ấn tượng về nội dung. Tôi tin rằng những hộp quà tri thức này sẽ mang lại ấn tượng thú vị cho người được nhận và cả người tặng. Mong mọi người dần chú ý hơn để thay thế những món quà vật chất bằng những món quà tri thức, tinh thần, cùng nuôi dưỡng thói quen đọc sách trong cộng đồng.
Xin cảm ơn chị!
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Bắc Bộ nghèo, tuổi thơ ít có điều kiện tiếp xúc với sách nên khi trưởng thành, chị Kim Thoa luôn muốn gắn bó với sách, để bù đắp lại tuổi thơ thiếu thốn của mình. Vị “thuyền trưởng” chèo lái chuỗi hệ thống nhà sách lớn nhất miền Bắc luôn khẳng định, những gì mình có được ngày hôm nay là do được đọc nhiều sách, được tiếp cận với những bộ óc vĩ đại, để từ đó rút ra cho bản thân những bài học quý giá. Ngay từ khi thành lập Tân Việt Books, ước muốn của chị Kim Thoa là có thể mang sách đi muôn nơi, để văn hóa đọc chạm tới mọi cánh cửa của gia đình Việt. |
Hình ảnh từ những em bé đến những cụ già ngồi miệt mài đọc sách ở khắp các thôn xóm luôn hiển hiện trong trí tưởng...