Bếp của mạ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tình cờ nơi góc phố, bắt gặp khói lam bay lên từ mái nhà. Nhớ chái bếp quây bằng phên đất. Nhớ mùi bếp của mạ nơi ủ tuổi thơ trong ấm cúng, thơm tho.

Bếp của mạ - 1

Tranh minh họa: Nguyễn Lương Sáng

Chái bếp trong kí ức tôi là cái phần "ăn ra" bên cạnh ngôi nhà lớn, dành cho việc nấu nướng. Ở Quảng Bình quê tôi, những nhà nông có của ăn của để, chái bếp rộng, còn là nơi để cối xay lúa và cối giã gạo. Thường thì chái bếp được quây thành phên đất, bên trên lợp bằng lá rừng hoặc tranh, rạ.

Hồi học cấp 2, tôi thích nhất được ba cho trét phên đất. Đầu tiên, cha con tôi đào một cái hố, bề rộng đủ chỗ cho ít nhất 2 người đi vòng quanh đạp đất. Bề sâu thì tùy vào chỗ đất, cứ đào xuống tận nơi có lớp đất dẻo, có mạch nước càng tốt. Bùn được lấy từ ngoài ruộng về trộn với đất và nước, đạp cho đến khi thành một lớp hồ sánh, sau đó cho rơm vào, lại tiếp tục đạp cho bùn và rơm quện vào nhau, kéo lên thành dải. Dải hồ này được đắp - bện từng lớp một lên cái phên tre đã dựng sẵn, vuốt lại bằng lớp bùn mỏng, khi bùn khô là có bức tường.

Bếp của mạ - 2

Tranh minh họa: Nguyễn Lương Sáng

Sau này tôi cứ thắc mắc, sao chỉ có rơm và bùn, và những bức phên tre mà nhà vẫn đi qua bao mùa mưa nắng, bão giông! Mỗi lần cùng ba xây tường đất nơi chái bếp, tôi thích nhất là mở những ô cửa. Tôi thường lấy bùn non, vuốt thật trơn những ô cửa nhỏ xíu, nhớ những lần trong mờ ảo khói lam hiện ra gương mặt lấm lem và cái nháy mắt ra hiệu trốn đi chơi của nhỏ bạn.

Sau này, làng quê khấm khá hơn, nhà xây tường gạch - mái ngói, chái bếp cũng mái ngói - tường xây. Mạ sắm thêm cái nồi nấu bánh ú. Bánh đem ra chợ bán cùng với khoai môn, đậu đỗ, rau hành. Mạ như bao người phụ nữ khác trong làng, từ mảnh vườn bé bé, từ chái bếp nhỏ nhoi đã lo đủ áo cơm, sách vở cho con đến trường.

Ngày em trai tôi dỡ căn nhà cũ, xây nhà mới, chái bếp không còn, mạ cứ lẩn thẩn vào ra. Một lần về thăm nhà, ngày đông trở lạnh, tôi đi tìm quanh thì thấy mạ ngồi bên bếp lửa, trong cái chái em tôi dựng tạm ở cuối vườn để đựng đồ. Sau nhiều năm, mạ vẫn giữ cái kiềng ba chân, cái nồi gang nấu cơm "ngon bá cháy". Tôi ngồi xuống bên mạ, bên ông đầu rau, nghe tiếng nổ tí tách và mùi thơm của lá khô, cả một biển ký ức trào sóng dội về.

Bếp của mạ - 3

Tranh minh họa: Nguyễn Lương Sáng

"Con nhớ tắt bếp thì bắc nồi xuống, đừng để ông bà bếp phải đội nồi cả ngày nghe". Thỉnh thoảng đứng trong căn bếp của mình với bếp từ bếp ga, tôi bùi ngùi nhớ lời mạ dặn năm nào.

 Mỗi sáng mùa đông, thương mạ dậy từ 4 giờ sáng mà không hết việc, tôi ngồi bên bếp lửa vừa trông nồi vừa học bài. Khói thơm ủ vào tóc theo tôi đến trường.

Bếp của mạ không chỉ ấm mà còn dậy hương vì nhiều vị, nhiều mùi. Hương thơm của lá trong vườn nhà. Lá ổi, lá tre, lá bạch đàn, lá dương… và rơm rạ. Mỗi loại lá là một mùi hương quấn quýt trong nỗi thương, niềm nhớ.

Đốt nắm lá dương

nướng con cá lẹp

Bẻ nè lấy nẹp

kẹp con đam càng

Cời lửa cời than

ăn gian củ sắn

Tôi thường cười một mình khi nhớ lại bài đồng dao thuở bé. Ít nhất thì mình cũng đã một lần cời than, bắt được củ sắn đứa nào vùi trong tro. Mỗi sáng mùa đông, thương mạ dậy từ 4 giờ sáng mà không hết việc, tôi ngồi bên bếp lửa vừa trông nồi vừa học bài. Khói thơm ủ vào tóc theo tôi đến trường.

Bếp của mạ - 4

Tranh minh họa: Nguyễn Lương Sáng

Những năm đói cơm, bốn mùa điệp khúc "khoai khoai toàn khoai", nhưng mỗi lần nhà có giỗ là căn bếp lại no đủ và thơm rộn ràng. Mâm cỗ cúng ngoài xôi - gà, thịt luộc, cá kho, rau xào, dưa muối… còn có bún, bánh và các loại quả hái trong vườn. Ngày rằm cũng thế, xôi chè, bánh trái không thiếu thứ gì. Còn Tết thì khỏi nói, bếp thơm từ ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời cho qua 3 ngày Tết, thậm chí ra đến rằm tháng Giêng.

Sau này khi mạ già yếu, không vào bếp nấu cỗ được nữa, tôi cứ ngậm ngùi, sao một mình mạ mà có thể nấu nhiều món ngon, dậy hương đến thế. Bếp như là cõi riêng của mạ. Ở đó, mạ được tự do chế biến các món ăn theo cách của mình, được gửi gắm vào đó tình yêu thương gia đình. Bài học về tình yêu thương của chúng tôi đã bắt đầu từ gian bếp của mạ.

Sau này tôi cứ thắc mắc, sao chỉ có rơm và bùn, và những bức phên tre mà nhà vẫn đi qua bao mùa mưa nắng, bão giông! Mỗi lần cùng ba xây tường đất nơi chái bếp, tôi thích nhất là mở những ô cửa. Tôi thường lấy bùn non, vuốt thật trơn những ô cửa nhỏ xíu, nhớ những lần trong mờ ảo khói lam hiện ra gương mặt lấm lem và cái nháy mắt ra hiệu trốn đi chơi của nhỏ bạn.

Chợ phố bây giờ không thiếu hàng quê. Thỉnh thoảng, tôi lại nấu cho chồng con những món ngày xưa mạ nấu. Nhưng cố mãi mà chưa ra vị cũ, hương xưa. Bí quyết của cơm mạ nấu là đơn giản và hợp lý.

Ví như món cá. Cá biển thì mạ kho xổi, cá ruộng thì mạ dùng ném (hành tăm), nghệ… ướp rồi kho lửa liu riu cho con cá khô cong. Mạ nói muốn nấu món ngon, ngoài dùng vị thì còn phải biết dùng lửa. Món thịt kho nhừ được mạ căn chuẩn bao lâu thì rút củi, ủ than để nồi thịt cất trong chạn qua 3 ngày Tết, mỗi khi bắc lên bếp nấu lại vẫn dậy mùi thơm.

Tròn 10 năm ba tôi về với ông bà tổ tiên, tôi về quê lòng chênh chao thương nhớ. Nhớ bếp, nhớ khói, nhớ vị món ăn mạ nấu, nhớ cảnh ba dẫn các con đi chúc Tết và dáng mạ lúi húi, đun đun, nấu nấu.

Bếp của mạ - 5

Tranh minh họa: Nguyễn Lương Sáng

Tôi vẫn mơ nhà mình có cái bếp củi, để ngày đông mưa gió, ngày thương nhớ quê nhà, ngày nhớ mẹ nhớ cha, đốt ngọn lửa cho ấm lòng và cho tuổi thơ con có những ký ức thơm lành như tôi ngày trước. Nhưng nhà ở phố, biết làm sao?  

Mỗi năm hè sang, Tết về, tôi lại đưa con về quê. Chúng tôi thả chân trần lội xuống bùn đất, vơ nắm lá dương nướng con đam càng và cùng hát bài đồng dao thuở nào. Những lúc như thế, cứ mong miền thương nhớ trong tôi sẽ chảy tràn sang ngày tháng của con. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trần Hồng Hiếu

CLIP HOT