BẾP NHÀ MÌNH NGÀY TẾT: 'Một cuộc thi đẫm Tết'
Giải thưởng lớn nhất chính là chúng ta đã kể được những câu chuyện về Tết, từ căn bếp nhà mình. Những căn bếp trở thành trung tâm đời sống, thành ký ức, thành kỷ niệm, thành nơi để trở về, để nhớ mỗi khi đi xa...
Cuộc thi “Bếp nhà mình ngày Tết” ngay sau khi thông báo phát động tới ngày khóa bài đã nhận được hơn 500 bài dự thi, trong đó có 68 bài đã qua sơ khảo, được chọn đăng lần lượt trên Tạp chí Du lịch TP.HCM online.
Ban giám khảo gồm: Nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng - Trưởng ban cùng 2 thành viên là nhà báo Vĩnh Quyên, chuyên gia ẩm thực Hà thành, nguyên phó Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội và nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà, TBT Tạp chí Du lịch TP.HCM đã làm việc xuyên Tết, đọc, thẩm định, trao đổi và chọn ra những tác phẩm để trao giải.
Theo nhà thơ Văn Công Hùng, ban giám khảo đã hết sức khó khăn khi lựa chọn các tác phẩm vào từng vòng, bởi bài nào cũng xứng đáng, cũng có những chi tiết, câu chuyện hết sức thú vị.
Chúng ta gặp không khí Tết từ những món ăn, từ căn bếp, từ ngôi nhà, từ nỗi nhớ, từ ký ức, từ hiện tại, từ đơn giản đến khó tin tới cầu kỳ tỉa tót của những món ăn, những bữa ăn. Chúng ta cũng gặp những người bà, người mẹ, người ông, người cha... đã biến căn bếp Tết thành những lâu đài cổ tích cho con cháu. Chúng ta gặp quá khứ, hiện tại và cả khát vọng tương lai. Chúng ta thấy bếp và Tết hết sức gần gũi, thân thương, là nơi gắn kết gia đình, thế hệ, gắn quá khứ với hiện tại, ký ức với tức thời.
Chúng ta gặp Tết và những món ăn hết sức thú vị từ Bắc tới Trung tới Nam, từ vùng núi tới vùng biển, từ đô thị tới nông thôn. Có những mâm cỗ Tết gắn với lịch sử dân tộc như mâm cỗ Tết Nam Bộ giữa lòng Hà Nội và cả những cái Tết Bắc giữa phương Nam. Có những ngày khốn khó với món ăn giờ có nghĩ cũng không ra như món xào bí mật trong bếp ngày Tết của mẹ hóa ra là món... xác đậu nành, tất nhiên là còn rất nhiều món truyền thống như các loại bánh mứt, thịt đông, thịt kho hột vịt, khổ qua, bánh chưng, bánh tét...
Trên tất cả, chúng ta được thưởng thức những tình cảm hết sức xúc động, chân thật của các tác giả với bếp, với Tết. Chúng ta thấy được vai trò của bếp trong đời sống con người nói chung, người Việt nói riêng, đặc biệt là bếp Tết. Nó quy tụ, nó dồn tỏa, nó là sự tài hoa, là sự tinh tế, sự lạc quan và lan tỏa tình yêu, tình thương. Nó gắn quện tình người, nó đậm đà bản sắc Việt.
“Trong cái guồng quay chóng mặt của đời sống chúng ta hôm nay, rất nhiều người Việt vẫn nâng niu quý trọng, vẫn dành những góc sâu thẳm nhất, thương yêu nhất, cho bếp Tết, tức là cho gia đình, cho những nét văn hóa truyền thống đã được trao truyền gìn giữ qua nhiều thế hệ”, Trưởng Ban giám khảo nhận xét.
Cũng theo nhà thơ Văn Công Hùng, ban giám khảo đã rất tiếc vì không thể chọn nhiều hơn các bài viết hay, mỗi bài hay mỗi kiểu, vào giải. Những thành viên ban giám khảo, những người được giao nhiệm vụ cầm cân nảy mực đều hết sức lúng túng khó khăn khi chọn ra những tác phẩm trội hơn, hợp lý hơn... để trao giải.
"Và dẫu đã hết sức cố gắng, hết sức công tâm, nhưng chắc chắn kết quả được thông báo hôm nay cũng vẫn không thể tránh khỏi điều này điều kia. Nếu có quyền, chúng tôi sẽ mời khoảng một nửa tác phẩm dự thi vào giải. Nhưng, giải lớn nhất của chúng ta chính là, chúng ta đã kể được những câu chuyện về Tết, từ căn bếp nhà mình. Những căn bếp trở thành trung tâm đời sống, thành ký ức, thành kỷ niệm, thành nơi để trở về, để nhớ mỗi khi đi xa...”, nhà thơ Văn Công Hùng bày tỏ.
Lễ trao giải "Bếp nhà mình ngày Tết" dự kiến diễn ra vào ngày 20/2/2023 tại trụ sở Tạp chí Du lịch TP.HCM, số 3 Công trường Quốc tế, Quận 3, TP.HCM. Sự kiện chào đón quý bạn đọc của Tạp chí Du lịch TP.HCM, nhất là các bạn đã gửi bài đến cuộc thi. Cảm ơn các bạn đã nhiệt tình hưởng ứng để cuộc thi thành công tốt đẹp.
KẾT QUẢ CUỘC THI BẾP NHÀ MÌNH NGÀY TẾT Giải đặc biệt: Không có Giải nhất (1 giải): Đã nghe hương cốm tan vào gió xuân Tác giả: Trần Văn Thiên Giải nhì (1 giải): Mứt dừa Tết sợi thương sợi nhớ Tác giả: Trần Huyền Trang Giải Ba (3 giải): 1. Mâm cơm Tết Nam Bộ giữa Hà Nội Tác giả: Đặng Diệu Hà 2. Nồi thịt kho tàu của bố tôi Tác giả: Trần Thị Ngọc Trâm 3. Món xào bí mật trong căn bếp nhỏ ngày Tết của mẹ Tác giả: Lê Thị Kim Sơn Giải khuyến khích (3 giải): Tác giả: Bạch Diệp Tác giả: Nguyễn Thị Thắm 3. Nhớ mãi chiều 29 Tết thuở ấu thơ Tác giả: Nguyễn Thanh Thuỷ Giải Bếp chay: Nhớ nội, nhớ mâm cơm chay ngày Tết Tác giả: Lê Đức Bảo Giải bài viết được yêu thích: Bếp xưa của mẹ Tác giả: Bùi Trung Dũng |
Sau gần 2 tháng tổ chức, cuộc thi “BẾP NHÀ MÌNH NGÀY TẾT” đã đi đến chặng đường cuối cùng với 20 bài viết lọt...