Bát canh rau vặt của ngày đầu năm mới

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mâm cơm mùng 2 đầy đủ các món ăn truyền thống ngày Tết, ngoài ra còn có bát canh rau vặt nấu tép nóng hổi. Ăn canh rau vặt với cơm trắng vào ngày Tết, khi đã bắt đầu ngán dần với các thứ thịt, nếp thật ngon miệng.

Những ngày cuối năm, heo may kéo dài trong nắng và gió. Hanh đến độ mặt đất khô cong lại. Hanh đến nỗi khiến cho bằng lăng, lộc vừng trở màu đỏ rực cả một góc trời, thi nhau trút lá. Giữa những hanh hao ấy, bỗng thèm một chút mưa rắc bụi trên phố, thèm chút hơi lửa của đêm giao thừa cha nấu bánh chưng ngày Tết, thèm cùng mẹ nấu vội bát canh rau vặt ăn với cà muối bên bếp lửa ngày đầu năm mới.

Nhớ Tết của những năm trước, hoa đào rực hồng dọc con ngõ nhỏ khiến không gian bừng sáng trong cái se sắt của hơi may còn vương. Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới rộn ràng bởi tiếng nhạc, tiếng cười nói của mọi người trong xóm. Ngày mùng 2 Tết, gia đình nhỏ của tôi về nhà mẹ. Mưa bụi không còn giăng trên con đường rực rỡ hoa và ánh đèn của những cây nêu ngày Tết.

Nhưng lạnh lắm. Lạnh đến nỗi đám trẻ con phải giấu kín mặt trong lớp mũ áo chỉ nhìn thấy đôi mắt lấp lánh niềm vui vì được đi chơi. Những năm gần đây, tiết trời tết xứ Nghệ đôi khi có cả bốn mùa trong một ngày làm người ta thấy lạ và thú vị. Buổi sáng se lạnh, trưa nắng nóng phải bỏ bớt áo khoác nhưng buổi tối thì buốt giá, ngồi hơ tay bên bếp than vẫn còn thấy lạnh sau lưng.

Bát canh rau vặt của ngày đầu năm mới - 1

Mâm cơm ngày thường.

Nhà mẹ cách 20 km, mỗi khi rảnh việc, tôi vẫn chạy về chút rồi đi. Nhưng cảm giác về nhà ngày Tết vẫn khác hơn. Về nhà trong mùi hương trầm quẩn nơi cánh mũi. Về nhà với tâm thế thiêng liêng của những ngày đầu năm mới. Về nhà với phong tục "mùng 2 Tết mẹ" của người con gái có gia đình riêng.

Vào ngày này, thường chỉ có bố mẹ tôi ở nhà thôi, còn các em và các cháu đã đi chơi hoặc đi về bên bà ngoại cả rồi. Nghe tiếng xe vào sân, bố mẹ vội vàng đứng dậy ra đón con cháu. Nhà có 3 chị em nhưng chỉ có mình tôi là con gái, lại lấy chồng xa cho nên lúc nào cũng được cha mẹ chờ trông. Nhất là ngày hôm nay. Tiếng chào hỏi râm ran cả khoảnh sân nhỏ, 2 đứa trẻ ùa vào lòng ông bà xuýt xoa: Lạnh quá, cháu ôm cho ấm tí với! Ông cười, giục: Vào nhà đi, bà để sẵn bếp than rồi đó! Ấm lắm!

Mọi người cùng ngồi xuống bên bếp lửa, trò chuyện về đêm giao thừa và ngày mùng 1 hôm qua. Ai cũng háo hức vì năm mới đã đến, vì niềm vui sum họp của gia đình. Tíu tít trò chuyện mà quên thời gian trôi qua, gần trưa rồi, mẹ tôi sợ cả nhà đói, giục soạn mâm bát, hâm lại đồ ăn đã chuẩn bị sẵn. Nhưng tôi bảo: Để con nấu bát canh rau vặt cho dễ ăn nha mẹ! Mấy ngày nay ăn nhiều thịt quá rồi ạ! Cả nhà đều cười, đồng tình: Ừ nấu canh rau vặt ăn với cà muối đi, cho khác tí.

Vườn nhà mẹ có nhiều loại rau: Rau cải, xà lách, rau mùi, rau khoai và rau dền cơm, lá hẹ... rồi rau sam, rau thì là còn sót lại từ mùa trước cũng tranh thủ nền đất ẩm mịn chen vào để vượt lên. Một dãy mồng tơi bám theo bờ rào vẫn xanh mướt mặc dù rét dữ dội. Cũng đủ rau cho một tô canh tập tàng rồi đấy. Nhưng hình như vẫn còn thiếu gì đó? Tôi nhìn khắp vườn xem có rau dền đỏ không? Nấu canh rau vặt tôi vẫn thích cho thêm rau dền đỏ và rau sam để bát canh có nhiều màu sắc.

Bát canh rau vặt của ngày đầu năm mới - 2

Vườn rau.

Mỗi loại rau trong bát canh tập tàng dường như có một tiếng nói riêng. Rau mồng tơi hơi nhớt một chút nhưng làm nên vị thanh mát, lá rau khoai có cọng xanh trắng giòn giòn, rau sam pha chút màu tím đỏ, lá hẹ mang mùi thơm nhẹ… Cây lá vườn nhà hợp lại tạo nên một bát canh có hương sắc và vị ngọt ngào. Nấu món canh này thông thường người ta hay nấu với một số thực phẩm khác như mắm tôm, ngao, hến hoặc tép biển phơi khô tùy theo mùa, hoặc có khi nấu suông.

2 đứa trẻ kéo ông ra vườn theo mẹ, đòi hái cây này, đòi ngắt cây kia. Thỉnh thoảng lại hỏi: Đây là cây chi rứa ông? Ông trồng cây ni để làm chi? Có ăn được không ông? Chỉ trả lời thôi cũng đã đủ mệt. Thế nhưng ồn ào bên vườn rau thêm một lần nữa kéo cả nhà ra sân, hình như ai cũng muốn ở cùng với nhau nhiều hơn thì phải. Bác hàng xóm nói với qua hàng rào: Cả nhà con gái hôm nay về ăn Tết à? Trên nớ vui không cháu?… Mỗi người một câu khiến cho không khí Tết càng thêm đầm ấm.

Rau đã hái xong. Rau vườn nhà nên đem rửa sạch luôn rồi cắt nhỏ. Tôi mở tủ lạnh lấy một ít tép khô rửa cho hết cát, loại này bao giờ mẹ cũng để sẵn vì nó nấu kèm được với nhiều loại rau quả trong vườn. Chỉ cần một quả mướp, một nắm tép thì có ngay bát canh rồi.

Trong tất cả các món ăn, canh rau vặt có lẽ là món ăn chế biến đơn giản nhất. Món ăn này chỉ công phu khi chọn rau để hái mà thôi. Khi nấu tùy vào khẩu vị của từng nhà mà nêm nếm cho hợp. Tôi thường chiều theo ý bố mẹ nên phi thơm hành mỡ, bỏ tép và rau vào xào trước, cho nước vào sau. Còn nấu cho gia đình nhỏ của mình, tôi chỉ đun sôi nước lạnh lên, bỏ tép, rau và hạt nêm vào là xong.

Bát canh rau vặt của ngày đầu năm mới - 3

Rau vặt - nguyên liệu nấu canh.

Mâm cơm được dọn ra bên bếp lửa. Bọn trẻ đã chán chơi ở vườn rau, chạy sang chuồng gà, lấy gạo tấm vãi cho bầy gà con. 2 đứa sờ hết con này đến con khác mà cười nắc nẻ, có lúc còn nhấc hẳn con gà ấy lên mà xem cho kĩ. Rửa xong tay chân mặt mũi, 2 đứa trẻ sà vào mâm, mời ông bà, bố mẹ ăn cơm.

Bé chị bảo: Hôm nay nhà bà có nhiều món rứa? Ở trên nhà cháu bình thường chỉ có 3 món thôi. Ông hỏi: Vậy cháu có thích nhiều món như ri không? Cả 2 đứa trẻ gật đầu khiến cả nhà cười vang. Cu em còn nói thêm: Nhiều món ri thì cháu chỉ cần ăn mỗi thứ một ít là no thôi. Mà răng ngày tết lại nấu nhiều món rứa ông? Ông cười xòa: Thì để em về ăn nữa chi.

Mâm cơm mùng 2 đầy đủ các món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, gà luộc, canh măng hầm chân giò, chả nem; ngoài ra còn có bát canh rau vặt nấu tép nóng hổi và một bát cà muối giòn tan. Ăn canh rau vặt với cơm trắng vào ngày Tết, khi đã bắt đầu ngán dần với các thứ thịt, nếp thật ngon miệng.

Vị ngọt mát, bùi bùi mà thanh đạm lẫn trong cái chua giòn của cà muối khác hẳn với ngày thường. Vừa quen vừa lạ, cảm giác như được thưởng thức một thứ đặc sản lâu lắm mới có. Tết làm cho món ăn ngày hè trở thành món lạ giữa bao nhiêu thịt cá của lễ mừng năm mới. Bé chị nói nhỏ với mẹ: Răng mà con thấy mẹ nấu dưới ông bà khác với trên nhà ta, ngon hơn đó. Con thích nấu như ri này! Tôi mỉm cười nhìn con, thầm nghĩ: Con đã lớn rồi đấy, biết nhận xét về đồ ăn rồi.

Mùa Tết năm nay là năm đầu tiên tôi vắng mẹ. Mẹ đã về với ông bà tổ tiên khi hoa đào vẫn còn nở hồng, hoa Tết vẫn rực rỡ khắp các ngõ xóm. Tôi nhớ mẹ, thương bố chênh vênh trước thềm năm mới. Năm nay, bát canh rau vặt nấu vào ngày Tết sẽ làm mọi người nhớ mẹ nhiều hơn. Những ngày đầu năm mới, giữa những thịt cá, bánh chưng, canh rau vặt vẫn là món ăn được nhiều người ưa thích và nhớ đến khi sum họp gia đình.

Bao giờ ngoại muối dưa hành?
Bao giờ ngoại muối dưa hành?

Mùi men chua ở đó, gọi Tết về. Có lẽ, cái tên “hành của ngoại“ cũng giống “cơm nhà mẹ“ ở trong tâm tưởng tôi mỗi độ...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trần Thị Hồng Anh

CLIP HOT