Tranh kiếng Nam Bộ qua lăng kính của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong chương trình Kính Đa Chiều, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình tiết lộ quá trình làm tranh kiếng khó nhất là công đoạn tạo mẫu, đặc biệt là mẫu tranh Hán tự đòi hỏi nghệ nhân phải lĩnh hội chữ Hán để đề lên biển hay câu đối chúc tụng.

Tranh kiếng Nam Bộ không chỉ được biết đến là vật phẩm trang trí quen thuộc trong các gia đình Nam Bộ mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng trong việc thờ tự. Ngoài ra, tranh kiếng còn được xem là nét độc đáo của văn hóa dân gian Nam Bộ. Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều mới đây, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Thanh Bình có những chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của dòng tranh này.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình được nhiều người biết đến là con gái của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Chị cũng là thạc sĩ Văn hóa học trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM và là cử nhân Xã hội học, cử nhân Tiếng Anh trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trong sự nghiệp nghiên cứu văn hóa, Huỳnh Thanh Bình đã xuất bản nhiều quyển sách như: Tranh kiếng Nam Bộ, Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo, Tranh tường Khmer Nam Bộ,…

Tranh kiếng Nam Bộ qua lăng kính của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình - 1

Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, từ nhỏ chị đã được tiếp xúc với những bức tranh kiến do cha chị – nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng sưu tập. Đến năm 2006, khi Huỳnh Thanh Bình đọc được bài viết về du họa của tác giả Lý Lực Tam trong sách về văn hóa người Hoa ở TP.HCM do Trung tâm văn hóa TP.HCM xuất bản thì chị mới bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về dòng tranh này.

Trong suốt quá trình nghiên cứu ấy, Huỳnh Thanh Bình nhận được nhiều giúp sự giúp đỡ của tác giả Lý Lực Tam cũng như tiếp xúc với nhiều nghệ nhân vẽ tranh kiếng ở vùng Chợ Lớn (TP.HCM), Lái Thiêu (Bình Dương), Chợ Mới (An Giang) và cả các nghệ nhân vẽ tranh kiếng Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng,… Những cuộc gặp gỡ này mở ra góc nhìn mới cho Huỳnh Thanh Bình về sự đa dạng và phong phú của dòng tranh kiếng, từ đề tài cho đến tạo hình.

Tranh kiếng Nam Bộ qua lăng kính của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình - 2Tranh kiếng Nam Bộ qua lăng kính của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình - 3

Nhân cuộc triển lãm tranh kiếng Nam Bộ, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Thanh Bình phát hành quyển sách Tranh kiếng Nam Bộ nhằm giới thiệu cơ bản về dòng tranh này. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, tranh kiếng bắt nguồn từ nghề du họa của người Hoa, được du nhập vào Việt Nam từ thời vua Minh Mạng Thiệu Trị và xuất hiện lần đầu ở Huế. Đến khoảng thế kỷ 20, người Hoa di dân vào vùng Chợ Lớn (TP.HCM) mang theo nghề tráng kiếng và nghệ thuật vẽ tranh kiếng.

Ban đầu, họ mở những tiệm bán kiếng tráng thủy để soi mặt, đóng tủ hoặc làm khung ảnh,… đi kèm đó là những bức tranh kiếng đại tự bằng chữ Hán hoặc thư họa để khánh chúc nhân dịp hiếu hỉ, lễ lạc, tân gia, khai trương,… Từ đó, tranh kiếng Nam Bộ bắt đầu hình thành và phát triển.

Tranh kiếng Nam Bộ qua lăng kính của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình - 4

Tranh kiếng thể hiện nét độc đáo của văn hóa dân gian Nam Bộ.

Khoảng năm 1920, tranh kiếng chuyển địa bàn về vùng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đến những năm 1940 – 1950, tranh kiếng bắt đầu lan tỏa khắp các vùng lục tỉnh Nam Kỳ, trong đó có Mỹ Tho, Gò Công (Tiền Giang), Chợ Mới (An Giang) và thâm nhập vào cả cộng đồng người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng,…

Vì Nam Bộ là vùng đất đa dân tộc sinh sống nên trong trong quá trình du họa, tranh kiếng không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa người Hoa mà còn kết hợp các yếu tố bản địa của người Kinh, người Khmer, góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa của vùng đất Nam Bộ.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình cho biết: “Do vùng đất Nam Bộ là vùng đa chủng tộc người, cộng đồng sinh sống nên tranh kiếng vào đây cũng phải đáp ứng nhu cầu thờ tự hay lễ tiết, khánh chúc. Trong đó tiêu biểu là tranh thờ tổ tiên. Đây chính là nét đặc sắc tồn tại trong tâm thức văn hóa của Việt Nam”.

Để làm tranh kiếng, nghệ nhận sử dụng bột màu trộn với dầu của cây du đồng để vẽ ngược lên mặt sau của tấm kiếng. Khi lật mặt kiếng lại thì sẽ chiêm ngưỡng một bức tranh hoàn chỉnh. Quy trình tạo ra một bức tranh kiếng bắt đầu từ việc tạo mẫu. Nghệ nhân sẽ vẽ mẫu lên giấy can, nilon trong hay bìa cứng và đặt dưới mặt sau tấm kiếng để sao chép hình họa. Những hình ảnh mẫu này, nghệ nhân có thể tự sáng tạo hoặc lấy từ tranh ảnh. Đối với những hình ảnh đơn giản hay nghệ nhân chuyên nghiệp, họ sẽ trực tiếp vẽ lên tấm kiếng. Công đoạn này được gọi là tỉa tách, riêng nghệ nhân Khmer sẽ gọi là bắc chỉ.

Sau đó, nghệ nhân mang tranh kiếng phơi khô rồi dùng cọ bẹt khổ trung để tán màu cho từng hình vẽ. Việc tán màu trong tranh kiếng cũng theo quy tắc riêng. Vật thể tiền cảnh được tán màu trước, tiếp đến là hậu cảnh. Theo truyền thống người Hoa, màu dùng để vẽ tranh kiếng là bột màu hòa cùng dầu cây du đồng. Còn ngày nay, nghệ nhân chủ yếu dùng sơn bạch tuyết hoặc sơn dầu để vẽ tranh kiếng.

Tranh kiếng Nam Bộ qua lăng kính của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình - 5

Một trong những khó khăn lớn nhất của nghệ nhân làm tranh kiếng đó là việc tạo mẫu. Các mẫu tranh không chỉ đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người mua mà còn phải đa dạng thể loại mẫu mã. Bên cạnh đó, mẫu tranh Hán tự cũng là một thách thức đối với những nghệ nhân không thông tạo chữ Hán. Mẫu tranh này buộc nghệ nhân phải lĩnh hội chữ Hán để có thể đề lên những tấm biển hay câu đối chúc tụng.

Qua cuộc trò chuyện cùng nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Thanh Bình, có thể thấy tranh kiếng không chỉ phản ánh đời sống văn hóa của người dân Nam Bộ mà còn lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc. Với sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng và nghệ thuật, tranh kiếng tạo nên một nét riêng đặc sắc cho văn hóa Nam Bộ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Vũ đạo trong hát bội với sự tham gia của host Lê Hoàng và nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 28/10 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Hân

CLIP HOT