Bánh ít… tình nhiều
Chiều 30 Tết, xen lẫn đâu đây vài tiếng pháo đang nổ lép bép từ đầu làng đến cuối ngõ là âm thanh giã bột gạo nếp vang lên chuẩn bị cho món bánh ít đêm giao thừa.
Chiếc bánh nhỏ nhắn, ít ỏi cả về lá chuối gói, nhân bánh và cả nắm bột dùng để làm bánh. Sau khi bóc đi cái lớp vỏ lá chuối bên ngoài, miếng bánh còn lại chỉ nhỉnh hơn quả cau nho nhỏ, cho nên người quê tôi mới quen gọi là bánh ít.
Món bánh ít của mẹ.
Không biết ở những vùng quê sản xuất nông nghiệp khác, người ta có thường làm cái thứ bánh xinh xắn này không, chứ ở vùng quê lúa huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình của chúng tôi, từ giỗ chạp, ngày rằm, đặc biệt nhất là Tết Nguyên đán, gần như nhà nào cũng xay vài chục lon gạo nếp để làm bột gói bánh ít, trước đặt lên bàn thờ thắp hương tổ tiên ông bà, sau hạ xuống để cho cháu con cùng nhau quây quần và thưởng thức.
Trong ký ức tuổi thơ, tôi còn nhớ như in, lúc đó vì nhà rất nghèo, ít khi mua được mấy lạng thịt lợn nửa mỡ nửa nạc, cho nên mỗi lần gói bánh ít, mẹ tôi thường lấy một vài nắm lạc giã nhỏ, phi thêm hành mỡ để làm nhân bánh.
Bánh ít tôm thịt (ảnh minh họa).
Chỉ hết sức đơn như thế thôi, nhưng nhờ vị dẻo thơm của bột gạo nếp quyện cùng với vị béo của lạc phi hành mỡ thơm phức, lại được gói ghém, bao bọc trong miếng lá chuối nhỏ còn khá non, khi nấu chín cả nồi bánh bung tỏa ra một thứ hương vị hết sức thân thuộc của bãi bồi, vườn cây…
Cho nên bánh ít bao giờ cũng hấp dẫn đối với chúng tôi. Nhiều hôm anh em tôi vẫn ăn bánh ít no bụng và không còn muốn ăn thêm gì nữa. Nếu bánh ít còn dư, mẹ vẫn thường để dành, hôm sau nấu cơm, mẹ cho lên nồi hấp lại, thế là chúng tôi lại có bánh để ăn lai rai suốt cả tuần.
"Số cô chẳng giàu thì nghèo/Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà". Mặc dù còn nghèo, để chuẩn bị cho "mùa" làm bánh ít đón Tết, từ cách đó mấy tháng, mẹ tôi đã "thửa" trước mấy nhà hàng xóm vài cân thịt ba chỉ để dành làm nhân gói bánh.
Ngay từ buổi chiều 30 Tết, ở làng chúng tôi, dường như nhà nào cũng tất bật chuẩn bị các công đoạn để gói bánh ít đón đêm giao thừa. Từ đầu làng đến cuối ngõ, xen lẫn vài tiếng pháo tép đang nổ lép bép của ai đó vừa đốt, là âm thanh giã bột gạo nếp vang lên "cắc cắc", "bụp bụp"… nghe thật vui tai.
Gói bánh ít không quá khó, nhưng nó đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo của bàn tay người đã làm ra chiếc bánh. Bánh ít, nhưng tình nhiều. Tên gọi khiêm tốn: "ít" có nghĩa là "nho nhỏ", "không lớn", "không nhiều", nhưng bánh ít quê tôi lại hàm chứa nhiều điều về cái tâm, cái tình của đất và của những con người một nắng hai sương, suốt đời gắn bó với ruộng đồng, làm nên một trong những "thương hiệu" về năng suất lúa cao nhất nhì cả nước, một thời đã từng được ví von là: "Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện".
Bột gạo nếp dùng để gói bánh thì đã được mẹ ngâm nước sẵn từ mấy tiếng đồng hồ trước cho mềm, chiều 30 Tết chỉ cần để vào trong cối giã nhuyễn, sau đó nhào nặn một vài lượt cho dẻo lên là được. Còn lá chuối để gói bánh thì ở quê tôi nhà nào cũng trồng sẵn cả.
Hấp bánh ít (ảnh minh họa).
Lá chuối sau khi cắt nhỏ bằng 2 bàn tay, rửa sạch, được mẹ đưa đi phơi nắng độ khoảng vài chục phút, rồi cho vào nồi nước sôi luộc qua cho mềm, để trong quá trình gói bánh không bị rách nát. Trước khi gói bánh, mẹ dùng một ít dầu thoa đều lên mặt lá, nhằm làm cho miếng bánh dễ bóc và có vị béo ngậy, hấp dẫn hơn khi ăn.
Khi bột gạo nếp đã dẻo, mẹ lấy tay nắm từng nắm nhỏ chỉ nhỉn bằng quả cau vừa lớn, vo tròn lại sắp sẵn ra nông, nia, đợi để tra nhân vào và gói lá chuối. Thịt lợn ba chỉ, hạt lạc nhân, đậu xanh đãi sạch vỏ sau khi đã giã nhuyễn, là được mẹ phi hành mỡ xào lên cho chín, nêm vừa mắm muối để nguội và dùng làm nhân gói bánh. Sau khi hoàn thành xong các công đoạn này là mẹ đã có thể cho phép chúng tôi phụ giúp mẹ công đoạn gói bánh.
Mấy anh em tôi chỉ cần dùng mấy nắm bột đã được mẹ vo tròn như quả cau, dùng ngón tay cái ép cho hơi mỏng, bỏ một ít nhân vào chính giữa, sau đó vo tròn và dùng lá chuối gói kín lại là đã hoàn thành công đoạn gói bánh.
Theo kinh nghiệm mà mẹ truyền lại, muốn gói bánh ít cho ngon, không bị thấm nước trong quá trình đun nấu, người ta thường gói bánh theo hình tứ giác, các cạnh của lá chuối sẽ đan cài vào nhau, trong quá trình nấu chín, nước không thể thấm vào trong ruột bánh được.
Bánh sau khi đã gói xong, mẹ sẽ lấy một ít lá chuối lót dưới nồi, rồi xếp bánh lên trên để nấu chín. Lá chuối làm cho bánh không chạm đáy nồi và tránh không bị cháy sém, không bị thấm nước. Khác với việc đun nấu bánh chưng, bánh giầy thường mất khá lâu, việc nấu bánh ít thời gian thường rất ngắn, chỉ khoảng 30 phút là có thể bánh đã chín tới rồi.
Cùng với các thứ lễ vật khác, mâm bánh ít là tình cảm, là tấm lòng tri ân sâu sắc mà bao thế hệ cháu con làm nghề nông ở quê tôi muốn gửi đến tổ tiên, ông bà và cả đất trời trong giờ phút giao thừa thiêng liêng mà ấm áp.
Khác với việc thưởng thức bánh chưng, bánh giầy, khi ăn bánh ít, người ta không cần ăn kèm với củ kiệu, củ hành muối. Vì nếu ăn kèm với các loại dưa muối, bánh ít sẽ mất dần vị thơm ngon của nó.
Giờ đây, khi anh em tôi đã lớn, "sơn hào hải vị" đã từng thưởng thức, nhưng cứ mỗi dịp giỗ chạp, nhất là ngày Tết Nguyên đán hàng năm, chúng tôi lại tập trung về nhà của mẹ ở quê, để được thưởng thức món bán ít do chính tay mẹ gói. Tuy chỉ được ăn một món bánh quê dân dã, bình thường trong những dịp như thế, nhưng không chỉ mấy anh em tôi mà cả mấy chàng rể, nàng dâu của mẹ đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đều rất thích cái bánh ít của quê tôi.
Cũng không còn như lúc chúng tôi còn nhỏ, bây giờ muốn có bột để gói bánh ít, mẹ tôi không cần phải thức khuya dậy sớm để hì hục dùng cối giã nhuyễn gạo nếp nữa. Mẹ chỉ cần lấy mấy lon gạo nếp đưa ra dịch vụ máy nghiền bên nhà hàng xóm, độ khoảng 15 phút là cả nhà chúng tôi đã có bột để gói bánh chuẩn bị chào đón giao thừa.
Nếu muốn một lần được thưởng thức món bánh ít của quê tôi, Tết này xin mời bạn hãy ghé vùng thăm quê lúa Quảng Ninh!
Từ 28 Tết, trong căn bếp nám đầy bồ hóng, mẹ nấu món thịt đông mát mịn, nồi măng khô ninh móng giò, từng sợi vàng...