4 hành trình văn hóa và du lịch khơi dậy máu phiêu lưu trong bạn
Những bộ phim tài liệu không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu về một địa điểm, giai đoạn lịch sử mà còn truyền cảm hứng để bạn khám phá những vùng đất mới, bắt đầu chuyến phiêu lưu của chính mình.
Mê Kông ký sự
Mê Kông ký sự là bộ phim tài liệu truyền hình dài 92 tập do hãng phim TFS của Đài truyền hình TP.HCM thực hiện trong vòng 3 năm: 2001-2004 qua 6 nước mà dòng Mê Kông chảy qua bao gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Đến nay dù đã qua gần 20 năm, nhưng với nhiều người, đó luôn là những thước phim tươi mới và sống động nhất về một dòng sông huyền bí. Theo dấu chân những nhà làm phim, người xem cũng muốn đặt chân khám phá những tên đất, tên đường bí ẩn: là Trung Quốc, Tây Tạng với những địa danh như Lasha, Potala, Lan Thương, Mai Lý Tuyết Sơn, Thông Thiên Lộ…
Một trong những phần hấp dẫn nhất của Mê Kông ký sự đó chính là lời bình chuyển tải rất nhiều thông tin hấp dẫn, mới mẻ giúp khán giả hình dung về thượng nguồn dòng sông thường được biết đến ở Việt Nam với tên gọi sông Cửu Long. Hóa ra trước khi hóa thành 9 nhánh sông đổ ra biển Đông nước ta, con sông đã trải qua quãng đường vượt nhiều dãy núi tuyết vĩnh cửu, ngang qua nhiều đô thị, nhiều nền văn hóa.
Đoàn làm phim ở Campuchia
“Chúng tôi sẽ phải kể với người đời rằng, những giọt nước đầu tiên của Mê Kông không phải ra đi từ nơi hạ giới, rằng để tới được vùng đất bồng lai đó phải vượt qua hàng loạt cổng trời, băng qua núi tuyết hoặc lãng đãng trong mây”. (Tập 24 Mê Kông ký sự – phần Trên lãnh thổ Trung Quốc)
“Có thể ví thượng nguồn của Mê Kông như chàng hoàng tử ở vương quốc thần tiên ở rất xa hạ giới, nơi mà dòng nước khi cuồn cuộn, lúc êm đềm, thấp thoáng như vó ngựa thần lãng đãng trong mây. Và rôi để truy tìm cái hình ảnh chập chờn ẩn hiện nơi thượng giới đó, đoàn người Mê Kông ký sự đã phải bôn ba khắp chốn đào nguyên, dọc ngang cõi phật, xuyên thủng mây trời, đạp lên tuyết trắng, cheo leo mép vực, xuống đáy khe sâu để nhận dạng dòng chảy thân yêu đã miệt mài gom nước suốt gần 5000 cây số”. (Tập 9 Mê Kông ký sự - phần Trên lãnh thổ Trung Quốc)
Trong Mê Kông ký sự, có những địa danh có cái tên rất lạ nhưng luôn thúc giục người xem một ngày nào đó phải đến khám phá bằng được, có thể kể đến như cao nguyên Thanh Hải, Tây Tạng nơi gắn với những giai thoại về Văn Thành công chúa hay cũng có khi là một đỉnh đèo heo hút: đèo Ba Nhan Khách Lạp.
Đỉnh đèo Ba Nhan Khách Lạp nằm trên quốc lộ 214 từ tỉnh Tây Ninh qua Nhật Nguyệt Sơn, qua Ôn Tuyền, Mã Đa đến Ngọc Thụ. Trong đó đỉnh đèo Ba Nhan Khách Lạp cao 5249m là độ cao nhất đoàn phim phải vượt qua. Ngay dưới chân đèo này là nơi khởi nguồn của 1 nhánh sông Hoàng Hà (đổ vào Việt Nam từ Lũng Pô, Y Tý qua cửa khẩu Hà Khẩu Lào Cai bắt nguồn của sông Hồng).
Đỉnh đèo Ba Nhan Khách Lạp cao chót vót này có nhiều điểm đặc biệt: Thứ nhất, có độ cao địa hình và độ cao vĩ tuyến cao hơn một số đỉnh núi tuyết quanh vùng. Thứ hai, đỉnh đèo là ranh giới phía bắc giữa châu Ngọc Thụ- địa phương đầu nguồn của cả Mê Kông, Hoàng Hà và Trường Giang. Thứ ba, đỉnh đèo là điểm duy nhất mà quốc lộ 214 tiếp cận với tỉnh Tứ Xuyên. Thứ tư, chếch về phía tây khoảng 10km có đỉnh cao nhất của toàn dãy Ba Nhan Khách Lạp 5266m cao hơn đỉnh đèo 17m, nơi phát nguyên 1 dãy của Hoàng Hà và 1 nhánh của Trường Giang.
Mê Kông ký sự đã đi qua hành trình gần 20 năm từ chuyến đi đầu tiên của đoàn phim. Vậy mà mỗi lần xem là mỗi lần xúc động và bồi hồi với từng tên núi tên sông được nhắc đến. Nếu bạn chưa từng xem Mê Kông ký sự, hãy xem ngay, vì bạn biết không, rồi bạn sẽ còn phải xem lại hằng năm như tôi.
Hành trình xuyên Siberia
Tuyến tàu hỏa xuyên Siberia (Trans-Siberian Railway) là một trong những hành trình du lịch bằng tàu nổi tiếng nhất thế giới. Tổng chiều dài toàn tuyến của Trans-Siberian là 9.289km nối giữa Moscow và Vladivostok, khiến đây là một trong những tuyến đường sắt dài nhất thế giới. Nếu di chuyển không ngừng nghỉ, hành trình xuyên Siberia ở Nga sẽ mất 146 tiếng, tức là hơn 6 ngày 6 đêm.
Hành trình xuyên Siberia là một phim tài liệu xuất sắc về tuyến tàu hòa xuyên Siberia
Trong bộ phim tài liệu Hành trình xuyên Siberia, người xem theo chân diễn viên, nhà hoạt động xã hội Joanna Lumley đến thăm nhiều thắng cảnh nổi tiếng, nghe nhiều câu chuyện thú vị từ người dân bản xứ tại Trung Quốc, Mông Cổ và Nga trên tuyến đường sắt dài nhất thế giới.
Người dẫn truyện Joanna Lumley
Với lối dẫn chuyện dí dỏm, hài hước cùng khả năng ứng biến tinh tế, Joanna đưa người xem đi qua những vùng đất mơ ước của nhiều tín đồ xê dịch. Đó là thảo nguyên Mông Cổ bát ngát với món trà bơ, lối sống du mục hoang dã. Đó là bức tượng Thành Cát Tư Hãn oai vệ giữa đất trời. Là Baikal - hồ nước ngọt cổ xưa nhất, sâu nhất, lớn nhất hành tinh, chiếm 20% trữ lượng nước ngọt không đóng băng của Trái đất…
Khám phá con đường tơ lụa
Trong phim tài liệu này, nhân vật dẫn truyện vẫn là Joanna Lumley, nhưng lần này cung đường hoàn toàn khác: con đường tơ lụa từ Venice mơ màng tới Kyrgizstan.
Joanna choàng khăn lụa bên ngoài một lâu đài ở Iran
Chuyến đi dài 11.200km của Joanna men theo lộ trình của con đường tơ lụa huyền thoại. Từ khám phá truyền thống dệt vải cổ xưa hay chiêm ngưỡng kiến trúc đáng kinh ngạc của tòa tháp Flame Towers biểu trưng của đất nước dầu mỏ Azerbaijan. Từ những thành trì sa mạc tráng lệ của Trung Á hay những dấu tích huy hoàng từ nền văn minh đã mất của Iran.
Lộ trình tái hiện con đường tơ lụa của Joanna
Điểm cuối hành trình, Joanna đến thăm miền viễn tây của Uzbekistan nơi 640km xung quanh đều là sa mạc và đất nước Kyrgizstan dưới chân dãy Thiên Sơn tuyết trắng và được theo chân một gia đình có truyền thống lâu đời huấn luyện đại bàng đi săn.
Joanna thăm một gia đình có truyền thống huấn luyện đại bàng đi săn.
Điểm khác biệt của hành trình trên con đường tơ lụa của Joanna là di chuyển bằng rất nhiều phương tiện từ tàu, lạc đà, ô tô… Hình ảnh bộ phim được đầu tư với những cảnh toàn diễn tả sự bát ngát, mênh mông tráng lệ của những đỉnh núi, những hồ nước đến từng cảnh cận khắc họa các chi tiết chạm khắc tinh tế trong kiến trúc, xây dựng.
Bộ phim tài liệu giúp người xem phần nào hình dung được con đường mà năm xưa các thương nhân đã từng di chuyển từ đông sang tây, nối liền những nền văn minh trên thế giới. Đáng tiếc vì nhiều lý do, hành trình của Joanna và đoàn làm phim không thể đi trọn cung đường này và đành kết thúc trong tiếc nuối ở biên giới giữa Kyrgizstan và Trung Quốc.
Những khách sạn tuyệt vời
Phim tài liệu này chắc chắn sẽ thôi thúc bạn nỗ lực kiếm tiền để có cơ hội trải nghiệm các khách sạn 5 sao độc lạ trên khắp thế giới. Theo chân 2 người dẫn truyện, người xem sẽ cùng khám phá những khách sạn đẳng cấp và độc đáo nhất thế giới về nhiều mặt từ vị trí, kiến trúc đến các dịch vụ đi kèm.
Khách sạn Giraffe Manor ở Kenya nơi bạn thoải mái ăn sáng cùng lũ hươu.
Đó có khi là một khách sạn tọa lạc giữa một khu rừng nhiệt đới ở Ecuador cách biệt hoàn toàn với cuộc sống hiện đại, một khách sạn nằm giữa một hòn đảo ở Thái Bình Dương hay khách sạn nơi bạn có thể thưởng thức bữa sáng cùng với hươu cao cổ.
Bên cạnh những góc quay đẹp giới thiệu khách sạn, loạt phim này cũng lý giải về quá trình xây dựng những công trình không tưởng này, cùng với cách điều hành, quản lý và cả số tiền du khách phải bỏ ra để có trải nghiệm tại đây.
Khách sạn Mashpi Lodge nằm giữa một khu rừng rậm nhiệt đới ở Ecuador.
Mùa giãn cách khiến đôi chân khó có thể xê dịch nhưng không sao, ở nhà chúng ta có thể dạo quanh và khám phá thế giới...