Afghanistan: Đau thương, chiến tranh vẫn kiêu hãnh tựa ngàn mặt trời rực rỡ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong các tiểu thuyết của Khaled Hosseini, Afghanistan hiện lên dù đau thương, chết chóc, li tán nhưng vẫn ngập tràn hi vọng và không thiếu những con người kiêu hãnh tựa ngàn mặt trời rực rỡ.

Những ngày tháng 8, cả thế giới hướng về đất nước Afghanistan trước diễn biến bất ngờ mang tính lịch sử khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul. Suốt nhiều năm dài, thế giới biết đến Afghanistan qua những bản tin với từ khóa “chiến tranh”, “khủng bố”, “ly tán”… thế nhưng vẫn còn một góc nhìn khác về đất nước này qua những tác phẩm văn chương của Khaled Hosseini.

Một Afghanistan đầy đau thương đầy những vết sẹo chất chồng theo năm tháng nhưng cũng đầy bi tráng, hào hùng và không thiếu những con người kiêu hãnh tựa ngàn mặt trời rực rỡ. Cùng đọc lại 3 tác phẩm tiêu biểu của Khaled Hosseini viết về con người, đất nước, văn hóa Afghanistan: Người đua diều, Ngàn mặt trời rực rỡ, Và rồi núi vọng.

Afghanistan: Đau thương, chiến tranh vẫn kiêu hãnh tựa ngàn mặt trời rực rỡ - 1

3 tác phẩm hay nhất của tác giả Khaled Hosseini viết về Afghanistan. Ảnh: Trần Trung Hiếu

Người đua diều

Người đua diều là tiểu thuyết đầu tay của Khaled Hosseini làm lay động trái tim độc giả toàn thế giới, bởi câu chuyện đầy tính chân thực và nhân văn mà ông chắp bút. Quyển tiểu thuyết kể lại một giai đoạn dài về đất nước Afghanistan thông qua cuộc đời Amir từ khi còn là một cậu bé cho đến lúc trưởng thành. Amir là cậu bé thuộc tầng lớp quý tộc mồ côi mẹ từ khi sinh ra.

Amir chịu ảnh hưởng lớn từ Baba – người luôn đặt nhiều kỳ vọng lên con trai mình đồng thời cũng tạo nên khoảng cách nhất định trong mối quan hệ cha con của họ. Sống với cái bóng quá lớn của Baba – người được dân Kabul nể trọng, Amir nhỏ bé dành cả tuổi thơ bên văn chương và người bạn duy nhất: Hassan. Dù tận sâu trong tâm tưởng, Amir luôn cố phủ định cái danh xưng tình bạn này với Hassan vì sự khác biệt quá lớn về dòng dõi, giai cấp, thân phận.

Afghanistan: Đau thương, chiến tranh vẫn kiêu hãnh tựa ngàn mặt trời rực rỡ - 2

Người đua diều - tác phẩm đầu tay của Khaled Hosseini

Cùng với quá trình trưởng thành của Amir bên Hassan là sự biến động của Afghanistan qua nhiều giai đoạn: chế độ quân chủ bị lật đổ, nền cộng hòa thay thế, sự can thiệp của nước ngoài, nhiều người dân Afghanistan phải sống lưu vong. Từ mối quan hệ giữa hai cậu bé, người đọc cũng hình dung được vấn đề tồn tại lâu đời ở đất nước này: sự phân biệt dòng dõi Pashtun và Hazara, người Hồi giáo dòng Sunni và Shia…

Tác phẩm lấy tên gọi là Người đua diều, bởi chính từ một cuộc đua diều mùa đông năm 13 tuổi, cuộc đời của Amir và Hassan mãi mãi đi theo những ngã rẽ khác hẳn ban đầu. Hassan vì lời nói dối của Amir mà buộc phải rời nơi cậu đã sinh ra, lớn lên và có một tình bạn gói gọn trong 2 từ “trung thành”. Đó là một cuộc chia ly trong mưa và nước mắt, của sự phản bội và tủi hổ.

Ít năm sau, Amir cũng phải nói lời tạm biệt quê nhà trong một chuyến di tản không chỉ ám ảnh với mùi xăng dầu, mà còn là mùi của thê lương, chết chóc, của sự bất lực và cay đắng. Hành trang cậu mang theo ở tuổi 18, khi rời khỏi Kabul chỉ là 2 chiếc vali, nhưng trong trái tim khi ấy là ngập tràn dối trá và hối hận. Hối hận vì đã dối trá suốt nhiều năm trời trước người bạn duy nhất của mình là Hassan.

Afghanistan: Đau thương, chiến tranh vẫn kiêu hãnh tựa ngàn mặt trời rực rỡ - 3

Hình ảnh Amir và Hassan trong phim Người đua diều - chuyển thể từ tác phẩm của Khaled Hosseini

Nhưng đó chưa phải là tất cả của câu chuyện, khi nhiều năm sau, Amir quyết định quay trở về Afganistan và biết được những sự thật, những bất ngờ khủng khiếp hơn sau màn sương mờ của quá khứ.

Vượt lên mọi sự thật, mọi lời nói dối, cả tác phẩm Người đua diều sẽ mang đến cho người đọc những hi vọng, sự chữa lành đúng như điều mà tác giả cũng như mọi người dân Afghanistan mong muốn sau nhiều thập kỷ chính biến: “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại”.

Ngàn mặt trời rực rỡ

Trong 3 tác phẩm tiêu biểu của Khaled Hosseini, tôi đọc Ngàn mặt trời rực rỡ đầu tiên. Và đó cũng là tác phẩm để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất, cảm động nhất, lắng đọng nhất.

Ngàn mặt trời rực rỡ là tiểu thuyết thứ hai phát hành năm 2007 của Khaled Hosseini. Quyển sách cuốn hút tôi ngay từ những trang đầu tiên, và nó hồi hộp đến mức tôi không dám lật trang cuối cùng để xem kết thúc ra sao, dù rất tò mò cho số phận các nhân vật.

Afghanistan: Đau thương, chiến tranh vẫn kiêu hãnh tựa ngàn mặt trời rực rỡ - 4

Ngàn mặt trời rực rỡ - tác phẩm đủ mọi cung bậc cảm xúc chạm đến trái tim người đọc

Lấy bối cảnh đất nước Afghanistan trong thời kì lực lượng Hồi giáo cực đoan nổi dậy, đẩy đất nước này lâm vào cảnh nội chiến, sự can thiệp của nước ngoài và sự quay lưng của Mỹ, câu chuyện về cô gái Mariam – một harami – một đứa con hoang vô thừa nhận.

Cuộc đời của Mariam có lẽ là một điển hình của những người phụ nữ ở Afghanistan: không được đi học, không được tự quyết định tương lai, không có tiếng nói. Trong một vài khoảnh khắc, có lẽ nhiều người cũng nghĩ như tôi, nghĩ rằng Rasheed có chút trân trọng Mariam, dù ông ta có lớn hơn cô gần 30 tuổi, có bụng phệ và lưng gù một chút. Nhưng nếu như vậy, hẳn đây đã là một câu chuyện ngôn tình.

Mariam mang thai 6 hay 7 lần cô cũng không nhớ, chỉ biết rằng, cuối cùng đã không có đứa trẻ nào được sinh ra. Rasheed cũng không cần diễn một màn kịch nào với cô nữa. 19 năm trôi qua trong chiến tranh, loạn lạc, những đứa trẻ gia nhập quân đội, những đứa trẻ khác được sinh ra, trong đó có Laila – một số phận thật khác với Mariam. Cô gái ấy có gia đình, có tương lai, có bạn bè, có cả một tình yêu thật đẹp. Sau bao nhiêu biến cố, cuối cùng Laila và Mariam lại gắn kết với nhau bởi sợi dây số phận, trong một tình huống mà một trong 2 người chưa bao giờ nghĩ tới: đều trở thành vợ của Rasheed.

So với Người đua diều, độc giả nhận thấy rõ sự tiến bộ và nổi trội của tác giả ở tiểu thuyết thứ hai này. Đặc biệt là giọng văn, cách kể chuyện cuốn hút đối với những sự kiện lịch sử, thời sự mà chúng ta đã từng nghe hằng ngày về Afghanistan. Cách tạo hình các nhân vật đa dạng, phong phú, có nét hóm hỉnh, lạc quan, nhưng cũng đầy rẫy sự bi ai trước những mất mát. Đó là khi diễn tả nỗi đau của Mariam khi mất đứa bé.

“Cô nhớ mẹ Nana đã từng nói rằng mỗi bông tuyết là một tiếng thở dài nặng nhọc của một người đàn bà phiền muộn đâu đó trên thế gian này. Rằng tất cả những tiếng thở dài đó bay lên trời cao, tụ thành mây rồi vỡ ra thành các đốm nhỏ li ti lặng lẽ rơi xuống con người phía dưới. Như một sự nhắc nhớ rằng những người đàn bà như chúng ta đau khổ biết bao”.

Nhan đề Ngàn mặt trời rực rỡ là dành cho Kabul – thành phố từng đổ nát trong nhiều năm trời chìm trong bom đạn và nhiều chế độ kiểm soát, thành phố đã từng là nỗi đau của Tariq, Laila, của Mariam, của cha mẹ, anh em họ, là nỗi ám ảnh của những đứa trẻ con của họ, Aizzan và Zalmai. Nhưng rồi ngay cả khi họ đã đến một nơi tốt hơn, yên bình hơn thì trái tim họ vẫn dành cho Kabul – nơi họ đã sinh ra và lớn lên.

“Không ai có thể đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng. Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng”.

Và rồi núi vọng

Khaled Hosseini sinh năm 1965 tại Kabul, Afghanistan. Ông và gia đình rời Kabul sang Paris năm 1976. Năm 1980, gia đình Hosseini được chính phủ Mỹ bảo hộ, họ sang California và định cư tại đó đến nay. Hiện tại ông vừa là một dược sĩ, kiêm nhà văn, đồng thời tham gia nhiều hoạt động cứu trợ nhân đạo cho quê hương.

Chính vì vậy, xuyên suốt các tác phẩm của Hosseini, người đọc đều thấy dấu ấn từ những trải nghiệm của chính ông, những câu chuyện rất đời, rất thật.

Và rồi núi vọng là quyển tiểu thuyết thứ 3 của Hosseini ra mắt năm 2013, vẫn lấy gia đình làm chủ đề trung tâm. Nhưng ở quyển tiểu thuyết này, người đọc khó mà tập trung vào một hoặc 2 nhân vật chính như các tác phẩm trước, thay vào đó sẽ là một bức tranh với nhiều mảnh ghép, nhiều số phận con người.

Đó là người cha Saboor nghèo khổ đã quyết định bán cô con gái Pari cho một gia đình giàu có ở Kabul. Nghèo đói đã đẩy ông đến trước lựa chọn khó khăn nhất cuộc đời mình cùng một chuyến đi dài lê thê và ám ảnh từ ngôi làng đến Kabul, mang theo đứa con gái. Nó ám ảnh người đọc hệt như cảnh chị Dậu phải bán con trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố.

Từ Kabul, số phận cô em gái Pari và người anh trai Abdullah cùng ông bố đã rẽ đi theo những hướng khác nhau, bị vòng xe cuộc đời xoay chuyển không sao ngờ được. Pari bị xô đẩy đến Pháp sống cuộc đời đủ đầy nhưng luôn có hoảng trống vô tận trong lòng. Abdullah bằng cách nào đó đã đến Mỹ với câu hỏi của cả cuộc đời: em gái đang ở đâu?

"Tôi từng hình dung chúng tôi là hai chiếc lá, bị gió thổi bay cách nhau hàng cây số nhưng lại liên kết với nhau bởi những rễ sâu xoắn xuýt của cái cây mà từ đó chúng tôi cùng rụng xuống".

Hậu quả của chiến tranh không chỉ là những mạng người, mà còn là những cuộc ly tán suốt nhiều thập kỷ, là nỗi đau không thể hàn gắn của biết bao gia đình mỗi người một phương. Qua một cái chớp mắt, một lần quay lưng, một tiếng súng… họ phải tìm nhau mấy chục năm. Khi tìm thấy rồi, có khi lại chẳng còn là hình ảnh đã ôm ấp bao nhiêu năm trời: một mái đầu đã điểm bạc, đôi chân không còn đứng vững, ngay cả trí nhớ cũng chẳng còn minh mẫn.

Afghanistan: Đau thương, chiến tranh vẫn kiêu hãnh tựa ngàn mặt trời rực rỡ - 5

Và rồi núi vọng - mảnh ghép của nhiều câu chuyện đời chân thực và đầy ám ảnh

Trong Và rồi núi vọng, đó còn là câu chuyện của anh em Timur, Idris từ Mỹ trở về Afghanistan mang theo những mục đích riêng hay Markos vòng quanh thế giới để tìm bản ngã, chuyện gia đình Parwana trôi dạt theo cuộc di cư tị nạn ở Pakistan… Họ là những tảng băng trôi nổi, vô định giữa mênh mông cuộc đời, tưởng như chẳng hề liên quan đến nhau. Nhưng rồi lại vô tình “chạm” nhau ở những lúc ít ai ngờ đến nhất, tạo ra những biến cố, những bất ngờ.

Nếu bạn cũng như tôi, từng “mù mờ” về đất nước Afghanistan, từng chỉ biết đến nơi này qua những bài báo, bản tin chiến sự, hãy tìm đọc 3 tác phẩm của Khaled Hosseini để có cái nhìn chân thực về vẻ đẹp và nỗi đau của vùng đất Trung Đông, nơi cuộc sống yên bình vẫn chưa trở lại.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần

CLIP HOT