Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thay vì đi đường thẳng, chúng tôi đã quyết định đến Đắk Nông theo một con đường hoàn toàn mới lạ: xuyên rừng Bù Gia Mập.

Những năm trở lại đây, Đắk Nông được nhắc tới như là một cao nguyên mới nổi, một Tây Nguyên đích thực còn giữ được nguyên nét ban sơ. Sau khi quốc lộ 14 (QL14) hoàn thành cải tạo, chúng tôi càng có lý do để khám phá hết vùng đất đồi núi này. Mùa này, những cơn mưa bắt đầu vãn hơn, bên những con đường đất đỏ là hoa vàng dã quỳ đang xanh rì ươm nụ, là những đồi nông sản đang vào mùa thu hoạch.

“Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa”

Chuyến đi được chúng tôi lên kế hoạch cho một chuyến đi tự túc bằng xe máy 3 ngày 2 đêm. Đi Đắk Nông nhanh nhất vẫn là QL14 thẳng tắp, từ Sài Gòn ngang qua thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) khoảng hơn bốn tiếng là tới Gia Nghĩa (Đak Nông). Tuy nhiên nhược điểm của con đường này cũng như tất cả các tuyến quốc lộ huyết mạch khác là cảnh quan hai bên đường khá nhàm chán với các đô thị xen kẽ, lượng xe tải, xe ô tô lưu thông rất nhiều.

Sau một hồi nghiên cứu bản đồ và các thông tin trên các diễn đàn du lịch, chúng tôi quyết định sẽ đến Đak Nông theo một con đường hoàn toàn mới lạ: xuyên rừng Bù Gia Mập. Con đường này vừa dài hơn, xa hơn, vất vả hơn đi QL14, nhưng nghe đến chữ “rừng” ai nấy đều háo hức. Thật đúng là như thơ Nguyễn Bính viết: Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa!

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 1

Bản đồ đường xuyên rừng Bù Gia Mập nối Bình Phước và Đak Nông

5h sáng ở ngã tư Hàng Xanh, 5 người trên 3 chiếc xe máy, chúng tôi khởi hành kèm theo đồ ăn đầy ắp. Dù không phải đi rừng mấy ngày như Tà Năng – Phan Dũng, nhưng cung đường sắp đi sẽ có những đoạn đường không nhà cửa, không người dân. Dù sao có đồ ăn cũng tự tin để khám phá hết các cung đường mà không cần phải suy nghĩ. 1 thùng xốp chứa nước ngọt, nước suối các thể loại, mỗi xe đùm đuề theo mì gói, kimchi, chén đũa, củi lửa, thậm chí bạn tôi còn mang theo cả một chiếc nồi. Nhìn kho lương thực mang theo, chúng tôi cứ ngỡ sắp đi bụi cả tuần chứ không phải 3 ngày như kế hoạch.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 2

Núi Bà Rá – Bình Phước cao 736m

Tới ngã tư Đồng Xoài (Bình Phước), thay vì tiếp tục đi thẳng QL14, chúng tôi chọn cách đi ngang qua vườn quốc gia Bù Gia Mập. Bản đồ trên điện thoại chỉ hướng Phước Long, con đường thênh thang vắng vẻ bạt ngàn cao su chào đón. Vườn quốc gia Bù Gia Bập nằm phần lớn ở Bình Phước và cái tên của nó cũng là tên một huyện của tỉnh, với hệ động thực vật phong phú cùng nhiều nét hoang sơ.

Con đường vào Vườn quốc gia đi ngang qua thủy điện Thác Mơ một thời chúng tôi phải học trong Atlat địa lý để thi đại học. Từ xa có thể nhìn thấy đỉnh núi Bà Rá, một trong những ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ, xếp sau núi Bà Đen và núi Chứa Chan.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 3

Cổng vào Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Chợ Bù Gia Mập là nơi cuối cùng của con đường chúng tôi còn thấy bóng người. Con đường xuyên qua VQG Bù Gia Mập nhỏ dần và chẳng còn người đi. Muốn đi xuyên qua con đường này chúng tôi phải vào trạm kiểm lâm khai báo CMND, biển số xe, rồi sau đó cứ chạy vèo vèo trong cung đường mát rượi. Sau cơn mưa, vài cây tre đổ ngã ngáng đường nhưng cũng không hề hấn. Chúng tôi đi dưới những tán cây giữa mùa hè mà lạnh ngắt, vài tiếng ve còn sót lại bên tai.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 4

Dừng xe xuất trình giấy tờ, khai báo với kiểm lâm

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 5

Vườn quốc gia Bù Gia Mập vắng vẻ hoang sơ

Đường DT741 mới bây giờ được nâng cấp mở rộng, xuyên rừng Bù Gia Mập – Bình Phước nối với huyện Tuy Đức – Đak Nông, dài khoảng 32km. Đoạn đầu qua 2 trạm kiểm lâm là đường trải nhựa, bề ngang con đường tầm 2m, di chuyển rất dễ dàng. Chúng tôi chạy chầm chậm nối đuôi nhau, thưởng thức cảnh vật bên đường, thầm nghĩ thật đúng đắn khi chọn con đường xuyên rừng này để đi, thay vì quốc lộ 14 chán ngắt.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 6

Đi dưới tán cây rừng xanh mát

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 7

Cánh rừng già bát ngát

Thế nhưng, chuyến đi nào cũng có bất ngờ chờ đón: đoạn đường nhựa kéo dài chẳng bao lâu thì tới đường đất. Đó là đoạn qua khỏi Trạm kiểm lâm số 2 – cũng là ranh giới với Đak Nông. Từ đây chúng tôi chính thức tiến vào địa phận rừng VQG Bù Gia Mập thuộc tỉnh Đak Nông với những thay đổi rõ rệt.

Con đường đất đầy sỏi đá thay cho con đường trải nhựa, hai bên đường cây cối rậm rạp che kín trên đầu. Nước mưa xói mòn biến con đường thành những rãnh sâu, màu đất đỏ quạch dưới bánh xe. May sao gặp đúng ngày trời nắng trong xanh. Con đường này chỉ cần một cơn mưa rừng sẽ trơn trượt khủng khiếp và những chiếc xe tay ga sẽ vật vã nhích từng đoạn, nghĩ tới thôi đã thấy sợ.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 8

Con đường đất đỏ dần hiện ra

Đang chạy chầm chậm vững tay lái thì bỗng xe đi trước tôi thắng gấp làm chúng tôi đồng loạt dừng lại. Bạn tôi quay lại nói thì thầm “Có khỉ bên đường”. Chúng tôi dừng xe, tấp vào sát đường rồi lắng lái nghe, căng mắt nhìn thì thấy đúng thật, tít trên những ngọn cây rừng cao là bóng dáng bầy khỉ.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 9

Dừng lại bên đường xem khỉ

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 10

Con đường vắng không bóng người

Lúc này đã quá trưa, chúng tôi đang ở giữa rừng không một bóng nhà dân, càng không có bóng người qua đường. Cả nhóm quyết định sẽ ăn trưa giữa rừng với đồ ăn chuẩn bị sẵn từ sáng. Khởi hành từ 5h sáng và dừng nghỉ nhiều lần, không tin nổi chúng tôi đã đi đoạn đường 200km bằng xe máy.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 11

Bữa trưa giữa rừng

Bữa trưa dã chiến bên đường hóa ra rất đủ đầy: bún ăn với chả. Nước mắm chúng tôi mua sẵn 1 chai mang theo, tỉ mỉ ngồi bằm ớt, tỏi, vắt chanh vào cho đúng vị như ở quán.

Ngồi ăn ven đường, dưới tán rừng mát rượi không một tiếng động cơ xe làm tôi nhớ lại nhiều lần lang thang ở miền núi phía Bắc, cũng phải ăn trưa giữa núi rừng. Có khi là miếng bánh mì dai nhách, khi chỉ vài quả táo rồi ngụm nước. Người ngoài có lẽ sẽ bảo khổ sở, nhưng cứ bước vào hành trình, trải nghiệm từng chút một sẽ thấy thật đáng giá, thật nhiều kỉ niệm.

Nghỉ ngơi một chút, chúng tôi lại lên đường, đích đến là thị xã Gia Nghĩa còn cách gần 100km. Vài áng mây đen trước mặt làm chúng tôi không dám chần chừ, nếu mắc kẹt ở con đường này cùng cơn mưa thì khả năng cao chúng tôi sẽ phải căng bạt mà ngủ giữa rừng.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 12

Chúng tôi lại lên đường

Rừng rậm dần biến mất, con đường đất dần rộng ra. Chúng tôi bắt đầu nhìn thấy thông xanh reo vi vu, những con dốc dài miên man. Vượt qua mấy con đồi dựng đứng không thể dốc hơn, tôi nói với bạn ngồi sau đừng nhoài người lên trước không thì sẽ bị lật xe.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 13

Những con dốc dài miên man

Chúng tôi đã đi khỏi địa phận Vườn quốc gia Bù Gia Mập, bên đường bắt đầu có nhà dân thưa thớt. Con đường chúng tôi đang đi có tên gọi Đường tuần tra biên giới. Bên tay trái là nước bạn Campuchia, tay phải là xã Quảng Trực – huyện Đak Nông của Việt Nam.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 14

Đường tuần tra biên giới

Những trảng cỏ nơi biên giới chạy dài hút tầm mắt. Buổi chiều biên giới luôn pha một nét buồn hoang hoải, có lẽ vì đặc trưng địa hình vắng người qua lại, phần vì đường xa. Chúng tôi ngồi dưới gốc cây cô đơn giữa trảng cỏ nghỉ ngơi, chọn một tấm hình đăng lên facebook.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 15

Trảng cỏ bên đường

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 16

Ngồi dưới gốc cây cô đơn giữa trảng cỏ nghỉ ngơi

Đi trên con đường huyền thoại trong lịch sử

Từ đây chạy theo tuyến đường Tuần tra biên giới QL14C thêm hơn 30km là gặp QL14. Tôi có dịp nghe nhiều “lão làng” trong giới “bụi đường” từng nhắc về tuyến đường 14C huyền thoại, một nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Trong đó, địa danh Bu Prăng có vai trò là điểm kết nối nhánh đường Bu Prăng – Lộc Ninh, khu vực tập kết lực lượng từ miền Bắc vào (1965 – 1975). Sở dĩ gọi là đường 14C là để phân biệt với tuyến Quốc lộ 14 huyết mạch.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 17

Di tích lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh, hình google maps

Khoảng 10 năm trước trong giới “phượt”, những ai từng một lần chạy xe máy xuyên con đường 14C được xếp vào dạng lão luyện. Bởi lẽ con đường ngày ấy rất khó đi, may mắn thì được ngủ nhờ nhà dân, xui thì cắm lều ngủ rừng cũng là chuyện thường.

Muốn đi cung này, tay lái phải vững, xe phải ngon lành, chưa kể còn thủ sẵn bình xăng, bộ đồ nghề vá xe sẵn sàng hành nghề bất cứ khi nào, nồi niêu dã chiến sẵn sang ăn bờ ngủ bụi. Quan trọng hơn cả là phải chuẩn bị sẵn lộ trình, giấy tờ cá nhân khi đi qua các đồn biên phòng, có khi bị mời quay về giữa đường vì không có mục đích rõ ràng.

Theo Wikipedia, Quốc lộ 14C có chiều dài 566 km là tuyến giao thông cấp quốc gia nối các tỉnh Tây Nguyên dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Điểm đầu tại ngã tư Plei Cần (giao với QL40), huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum và kết thúc ở huyện Hớn Quản - Bình Phước.

Đây là tuyến đường quan trọng chạy dọc biên giới kết hợp với các đường ngang khác tạo thành hệ thống đường khu vực biên giới, một mặt đảm bảo giữ vững an ninh tổ quốc mặt khác nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực đường biên.

Cuối con đường tuần tra biên giới đoạn gần giao với QL14 hiện tại, đường láng mịn, cảnh hai bên đường là những đồi trồng tiêu đẹp như trồng cây cảnh, những rẫy khoai lang đang mùa thu hoạch. Vùng đất đai màu mỡ này được rất đông người dân chọn làm nơi làm kinh tế mới. Khoai lang Tuy Đức là đặc sản nổi tiếng của Đắk Nông, khoai ở đây chủ yếu là xuất khẩu nên củ to vừa bằng ngón chân cái thì thu hoạch để đạt được độ ngon. Tôi bứt khẩu trang ra để hít thở một khoảng không khí quá trong lành.

Ra đến ngã 3 Thuận Hạnh, chúng tôi rẽ phải, chạy tiếp về Gia Nghĩa chỉ còn 20km nữa nên cũng không vội vàng gì, còn có dự định ngang qua khu đồi thông bên đường ở Đak Song chỗ người ta hay dừng nghỉ chân café võng sẽ ghé mua sầu riêng ăn. Ai ngờ, người tính không bao giờ bằng trời tính, cơn mưa chiều xối xả đổ xuống, dập tắt mọi hi vọng. Trời sụp tối đen như mực trong khi mới có gần 6h, tự nhủ may quá đã thoát khỏi rừng, ra được quốc lộ.

Xuyên rừng Bù Gia Mập đến hồ Tà Đùng: Đi dưới cánh rừng già - 18

Cầu vồng sau cơn mưa báo hiệu những điều tốt đẹp

Chúng tôi đứng trú mưa ở một quán ven đường cho đến khi mưa không nặng hạt nữa mà chỉ rả rích nên quyết định chạy xe tiếp. QL14 khúc này hai bên là thông dày đặc, đường tối sâu hun hút.

Thỉnh thoảng một cái xe khách đi ngược chiều pha đèn chói lóa. Chúng tôi chạy bám theo xe nhau đi chậm cho đến khi thấy được ánh đèn đô thị. Cả nhóm đi thuê phòng khách sạn, tắm rửa nước nóng gột sạch bụi đường. Một ngày dài vượt 300km đường mọi loại địa hình, muôn vàn thử thách cũng ở lại phía sau. Tự thưởng một bữa thịt nướng ấm áp và chờ đón chuyến đi picnic ngày hôm sau ở hồ Tà Đùng – nơi được mệnh danh là vịnh Hạ Long của miền nam.

(Còn tiếp)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần

CLIP HOT