Đằng vân lên Thiên Cấm Sơn ngắm mây trời
Ở độ cao trên 700m, tứ bề trùng điệp núi non, Thiên Cấm Sơn thuộc dãy Thất Sơn huyền bí, thấp thoáng ẩn hiện trong mù mây.
Theo nhà văn Sơn Nam, vùng đất linh thiêng này còn ẩn chứa nhiều điều kì thú; từ các bài thuốc nam trị bệnh của các vị đạo sĩ ẩn tu trong những am cốc khuất xa cõi phàm đến các thầy pháp luyện bùa, luyện phép trừ tà đâu đó tít mãi nơi thâm sơn cùng cốc.
Cánh đồng mơn man trải dài dưới dãy Thất Sơn
Đằng vân lên núi
Năm nay lũ đẹt, mùa nước nổi An Giang vào tháng 9 chỉ mới xăm xắp nước; dưới chân dãy Thất Sơn hùng vĩ, cánh đồng Tà Pạ xanh ươm, điểm thêm hàng thốt nốt xào xạc trong gió.
Vùng Bảy Núi gần 40 ngọn núi lớn nhỏ, trong đó 7 ngọn núi cao nhất gồm: Núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn).
Thiên Cẩm Sơn – núi Cấm, ngọn núi cao nhất trong dãy Thất sơn (705m), có tuyến cáp treo núi Cấm vắt ngang qua sườn núi dẫn lên hồ Thủy Liêm. Từ chân núi, dãy cabin lừ lừ bò lên đỉnh, trông xa như con trăn khổng lồ đang trườn mình.
Độ cao tăng dần, cảnh vật trải dài một màu xanh của đồng ruộng đến ngút ngàn; lẫn trong mù mây các đỉnh núi trong dãy Thất Sơn nhấp nhô ẩn hiện, khi xa khi gần.
"Đằng vân” qua Hồ Thanh Long
Trước khi xuống cáp treo, nơi lưng chừng núi, chúng tôi đã gần như lạc vào cõi thiên thai khi được “đằng vân” là đà bay qua hồ Thanh Long ẩn hiện trong mù mây.
"Quá xá đã, trải nghiệm đứng trong cabin cửa kính trong suốt, là đà băng qua mặt hồ xanh biếc màu lam ngọc lấp loáng bên dưới, thu vào tầm mắt núi mây muôn trùng, đẹp còn hơn tranh vẽ, cảm giác ấy thật thơ mộng, thật tuyệt", Phạm Nguyễn, phóng viên báo Dân Trí trầm trồ mãi.
Xuyên vào mù mây lên đỉnh Thiên Cấm Sơn
Choáng ngợp bởi cảnh sơn thủy hữu tình, long vân giao hội, xém tí nữa chúng tôi quên mất mình đã “đáp” xuống điểm cuối của nhà ga cáp treo - nơi hội tụ quần thể tâm linh của khu du lịch núi Cấm.
Vãng cảnh chùa Phật Lớn
Cầu đá bắc qua hồ Thủy Liêm dẫn lối lên tượng Phật Di Lặc
Dưới cầu, hàng ngàn chú cá chép quẩy mình tranh ăn
Chiêm bái pho tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam
Tại đây, du khách tiếp tục vãng cảnh chùa Vạn Linh, chùa Phật lớn, dạo bước bên hồ Thủy Liêm v.v.. Nhưng “đằng vân” vượt núi chỉ để chui vào lòng pho tượng phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam hay tham quan, chiêm bái chùa chiền thì chưa được gọi là đã chinh phục nóc nhà miền Tây trên đỉnh Thiên Cấm Sơn.
Chinh phục Đỉnh trời
Nằm trên độ cao 716m so với mặt nước biển, Đỉnh trời - Vồ Bồ Hong là điểm cao nhất trong vô số các đồi, gò cao trên núi Cấm.
Đường lên Đỉnh trời – Vồ Bồ Hong
Để lên được “Đỉnh trời” phải băng qua “Cổng trời”, đó là con dốc cao vòi vọi cùng những bậc cấp dài dằng dặc dẫn lên điểm cao nhất của núi Cấm. Lối lên nằm ngay khúc quanh, bất ngờ hiện ra bên dưới mái che của dãy quán ven đường.
Bạn yên tâm, luôn có đội ngũ các bác “nài” xe ôm túc trực để đưa đón khách. Nói không ngoa, không nhờ các “tài thổ địa” thì đoàn chúng tôi khó có thể chinh phục được Đỉnh trời – Vồ Bồ Hong, nơi được ví như nóc nhà của miền Tây này.
Đi bộ thêm một đoạn nữa để lên Đỉnh trời
Trên đỉnh Vồ, nơi đặt bệ thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế uy nghiêm, ngan ngát khói hương. Đến được nơi này, chúng tôi tưởng như mình đã chạm tới chốn bồng lai tiên cảnh. Ngoài ra, trên vồ còn có các điện thờ Diêu Trì Thánh Mẫu, Cửu Huyền trăm họ… Khung cảnh mờ mờ ảo ảo, bảng lảng trong sương giăng, linh thiêng trầm mặc.
Dọc lối lên, bà con bày bán các lễ vật, nhang đèn cúng kiếng hai bên đường
Vồ Bồ Hong khi ẩn khi hiện, mờ mờ ảo ảo tựa chốn bồng lai
Mù mây giăng khắp trên Đỉnh trời
Hít hơi dài khoan khoái, từ giã Vồ Bồ Hong, chúng tôi trở xuống với lối đi hẹp hàng trăm bậc cấp đắp trên con dốc dựng đứng. Xuống điểm tập kết, các bác “nài” lại tiếp tục con đường độc đạo, dốc đứng ban nãy.
Lúc đi lên đã khủng, đường trở xuống, con dốc cắm đầu còn khiếp gấp nhiều lần, nhất là qua những đoạn cua khúc khuỷu và trơn trượt.
"Nhưng đó đã một trãi nghiệm cực kì thú vị sánh ngang trò Tàu lượn siêu tốc chứ chả chơi", phóng viên Nguyễn Nam – báo Du lịch đã phải thốt lên như vậy khi anh dẫn đầu “đoàn đua” phi xuống đích đến đầu tiên.
Điểm đến không thể bỏ qua tại Đền thờ vua Gia Long và giếng tiên…
Lần nữa các bác tài xe ôm tiếp tục “nài” chúng tôi băng qua cung đèo quanh co xuống núi Cấm; con đường khá rộng rãi và thoáng đãng. Lưng chừng đèo có các điểm dừng có thể thoải mái nhìn ngắm lần nữa cảnh “núi ấp ôm mây, mây vờn núi” hoặc dừng lại ven đường để ngoạn cảnh, chụp hình.
Cả một vùng núi thiêng - tiên cảnh núi Cấm rộng lớn, nếu thong thả thời gian, bạn nên trecking mới thú, vừa vận động thể dục vừa nhẩn nha ngoạn cảnh hoặc cắm trại dưới tán lá rừng thì còn gì bằng.
Chuyện gì xảy đến khi "Nài" té văng ra khỏi dàn bừa, đôi bò phía sau hùng hục lao tới
Hẹn bạn đọc chặng tiếp theo, hành trình đến Đấu trường đua bò, đi xem cặp chiến kê tỉ thí nhau trên bàn... Cuối cùng, ghé thăm Làng lụa Lãnh Mỹ A danh bất hư truyền và thưởng thức món lạ, ngon tuyệt cú mèo vùng Bảy Núi - Thất Sơn huyền bí nhé...
(Còn tiếp)