Về miền trái ngọt Phong Điền
Nằm trên tuyến Lộ Vòng Cung một thời rực lửa chiến tranh, huyện Phong Điền ngày nay như một vành đai xanh ôm trọn trung tâm thành phố Cần Thơ và trở thành điểm nhấn về du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Cái tên Phong Điền có nghĩa là vùng đất trù phú, vốn có phát tích từ việc ghi nhớ nguyên quán của hai dòng họ Lê, Trần từ vùng đất Phong Điền (thuộc phủ Thừa Thiên thời nhà Nguyễn) đến đây khai khẩn lập nghiệp. Dần dà, theo bao thời gian thăng trầm những cư dân đến từ khúc ruột miền Trung đã giao thoa văn hóa với cộng đồng bản địa tạo nên bản sắc độc đáo của cư dân miệt vườn vùng sông nước miền Tây.
Ngày nay, đến với Phong Điền, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khó có thể tìm thấy ở nơi khác. Đó là nghỉ ngơi ở các homestay, resort miệt vườn (như Hieu’s Cottage resort chẳng hạn) với những căn nhà mộc mạc, dân dã ẩn mình bên kênh rạch, dưới tán những vườn cây ăn trái sai oằn, lúc lỉu xanh mát, rì rào gió... Đó là những buổi sáng đạp xe thong dong trên những con đường quê, 1 bên là sông rạch, 1 bên là những hàng rào xanh biếc điểm xuyến sắc đỏ, sắc vàng của vô số những hoa đồng cỏ nội… Đó là những buổi chiều tham gia sinh hoạt đặc thù miền Tây sông nước: chèo ghe giăng câu, hái trái, tát mương, đặt lờ bắt cá,… Đó là những buổi tối vừa đưa cay vừa nghe đờn ca tài tử hay tập hát vọng cổ…
Hieu’s Cottage resort nhìn trên cao.
Một căn nhà nghỉ trong khu Hieu’s Cottage resort.
Và sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những trãi nghiệm về ẩm thực, bởi ẩm thực là một nét đặc trưng của vùng đất này. Ngoài những món ăn tươi ngon, dân dã mang hơi hướm của một thời khẩn hoang, mở cõi như: cá lóc nướng trui, gà nướng đất sét, các loại bánh chế biến từ bột gạo… thì Phong Điền cũng không thiếu những món ăn đòi hỏi sự tinh tế, khéo tay. Bánh hỏi mặt võng ăn với thịt nướng kim tiền, heo quay của thương hiệu nổi tiếng Út Dzách là một trong nhiều điển hình về sự tinh tế trong ẩm thực của vùng đất này.
Mặt bánh mỏng tang, những sợi bột đan chéo nhau như mặt võng đầy kỳ công, cuộn với miếng thịt ướp đẫm gia vị nướng lên thơm lừng, rau vườn đủ loại xanh mướt rồi chấm nước mắm pha chế theo công thức riêng. Đưa miếng bánh lên miệng cắn một cái ngập răng thì người ta sẽ hiểu ngay quê hương là gì mà ai đi xa cũng nhớ.
Bánh hỏi mặt võng Út Dzách là một món ăn không thể bỏ qua khi đến Phong Điền.
Ngay như món cá lóc nướng trui - một món ăn quen thuộc có từ thời khẩn hoang đất phương Nam - thưởng thức tại Phong Điền cũng sẽ có hương vị đặc trưng khác. Thay vì nướng bằng rơm, cá lóc ở đây nướng bằng lá tre, lá trúc khô. Lửa nồng, than đượm khiến thịt con cá lóc chín từ bên trong chín ra lại giữ được nước ngọt, không bị khô xảm.
Ngoài ra, các loại bánh vô cùng phong phú được chế biến từ bột gạo tẻ, gạo nếp như: bánh tét, bánh ú, bánh lá mít, chè trôi nước, chè thưng, chè ỉ… do chính bàn tay khéo léo của người phụ nữ Phong Điền chế biến chắc chắn sẽ trở thành dư vị ngọt ngào đọng mãi trong ký ức của du khách phương xa “lỡ” đặt chân đến xứ sở miệt vườn trù phú này.
Cá lóc nướng trui cũng là một món ăn đặc trưng của miền Tây sông nước.
Hiện tại trên địa bàn huyện Phong Điền có trên 63 điểm đến cho du khách. Trong đó có: 30 điểm du lịch sinh thái, 12 điểm liên kết, 17 điểm di tích lịch sử văn hóa tâm linh. Đặc biệt có 03 điểm được bình chọn và công nhận điểm đến tiêu biểu của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long: Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Làng du lịch Mỹ Khánh, Lung Cột Cầu.
Tiềm năng du lịch sinh thái của Phong Điền là rất lớn. Nhưng để khai thác đúng mức, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn cảnh quan, bản sắc văn hóa riêng của đất và người nơi đây còn là một câu chuyện dài đòi hỏi sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Trao đổi với phóng viên Nhịp sống miền Tây, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Tổng Giám đốc HieuTour Co.Ltd - một nhà đầu tư đang triển khai đầu tư vào nhiều dự án du lịch sinh thái, nông nghiệp ở huyện Phong Điền chia sẻ: “Trong đầu tư, kinh doanh thì lợi nhuận là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững thì nhà đầu tư cần phải biết đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Cụ thể ở huyện Phong Điền, các làng nghề chằm nón, đóng ghe xuồng, lò rèn thủ công, chợ nổi… chính là chủ thể sống động về nét sinh hoạt, văn hóa cổ xưa của vùng đất này cần được bảo tồn. Chúng tôi nhận thức rằng việc chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với cộng đồng cư dân địa phương là yếu tố then chốt để thành công”.
Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng (Viện Kinh tế - Xã hội TP.Cần Thơ) thì: “Với vị trí trung tâm vùng ĐBSCL và sân bay quốc tế, theo qui hoạch, thành phố Cần Thơ sẽ tập trung khai thác các tuyến du lịch nội vùng ĐBSCL, quốc gia, quốc tế. Theo đó trục giao thông quan trọng trong phát triển du lịch ĐBSCL là đường hàng không, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 91, các tuyến đường thủy từ sông Hậu ngược dòng Mekong đi Phnôm Pênh và trong tương lai là tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ - An Giang - Phnôm Pênh…”.
Trong qui hoạch tổng thể phát triển du lịch TP.Cần Thơ, huyện Phong Điền là 1 trong 5 địa bàn trọng điểm với vai trò “ Du lịch sinh thái miệt vườn, đô thị du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, tham quan chợ nổi”. Chính với vai trò đó, địa bàn Phong Điền có mặt 3/8 tuyến du lịch nội thành Cần Thơ gồm 02 tuyến đường bộ và 01 tuyến đường sông.
Với lợi thế và tiềm năng của mình, nếu được chú trọng và khai thác đúng mức chắc chắn du lịch Phong Điền sẽ cất cánh trong tương lai gần.
Khi chúng tôi đang ở Hà Giang, bạn tôi chợt mở bản đồ lên xem và hỏi tôi cái hồ này nằm ở đâu, có xa không. Đó là...