14 ngày trekking lên đỉnh Thorong La tuyết trắng: 5.416m, chúng tôi đến rồi đây!
Đến độ cao 5.000m lạnh không thở được, tôi lên cơn sốt người run cầm cập cùng nỗi sợ hãi không “qua khỏi” đêm nay, không có sức qua đèo, bị trực thăng cẩu về, tốn 3.000 USD.
Mỗi khi tôi bảo sắp đi leo núi thì đám bạn cứ bảo mày thích đi hành xác. Nhà cửa yên ổn, văn phòng máy lạnh, chăn ấm nệm êm không ở đi đâu xa tít mù khơi tốn cả đống tiền lại còn mệt. Bạn nói đúng hết. Dọc đường trek ACT tôi còn gặp muôn kiểu hành xác khác: ông thì chạy bộ thục mạng, bao nhiêu khói bụi hít đủ, ông thì đạp xe qua mấy con dốc ngất ngư tuyết trắng nhìn thôi đã muốn ngất nữa là đạp, có ông lại đi một mình mặc đúng một chiếc quần ngày này qua ngày khác mề …
Trong khi chúng tôi đi bộ thì người ta chọn đạp xe
2 du khách lớn tuổi và dễ mến chúng tôi gặp dọc đường
Nhiều khi thấy họ như thế mà bản thân cứ tự hỏi: có điên không, có cô đơn không, có hối hận không? Hỏi họ hay là tự hỏi bản thân thì đúng hơn. Trong phim 7 years in Tibet mà chúng tôi xem ở một rạp chiếu phim nhỏ ở Manang, tại sao ông Heinrich cứ nhất quyết leo bằng được ngọn núi ở Ấn Độ trong khi vợ níu kéo bảo đừng đi? Tại sao ông áo xanh này cứ cố hết sức để đạp từng vòng xe nặng nề mà không xuống dắt bộ hay vác cái xe cho rồi? Tại sao ông kia không đi bộ mà cứ phải chạy làm gì cho mệt phổi mệt tim? Sao tôi cứ đòi đi ACT trong khi có thể bắt đầu với vài cung đường khác nhẹ nhàng hơn?
Mỗi người đều có muôn vàn lý do cho hành trình của bản thân
Nhiều khi chúng ta đâm đầu vào làm những thứ không giống ai, chẳng để chứng tỏ điều gì, mà đơn giản chỉ vì đam mê, vì thích. Thế mới thấy, đời này ai cũng “khổ” cả, chỉ là theo những cách khác nhau.
Lần đầu thấy tuyết rơi: chẳng giống phim chút nào!
Từ độ cao trên 3.500m đi lên cảnh quan thay đổi hết, không còn bóng dáng cây cao nào, giờ chỉ còn cây bụi thấp lè phè có quả chua chua mà người dân hái xay ra thành một thứ nước uống như sinh tố, tôi có uống thử, khá ngon.
Dọc đường trek thỉnh thoảng giữa đồng không mông quạnh bạn sẽ bắt gặp một người (thường là phụ nữ) ngồi bán vài món đồ lưu niệm, vài quả táo, nước ngọt… Dĩ nhiên giá sẽ đắt hơn nhiều lần ở thị trấn hay khu đông người. Ngoài ra thì hay gặp mấy anh nài ngựa cực kỳ ngầu và đẹp trai - tôi đoán vậy do mấy anh trùm hở có hai con mắt. Ngựa ở đây thồ hàng cho mấy đoàn leo núi, đạp xe, thồ bình ga cho mấy Tea House. Nước nóng, nước nấu ăn ở đây đun bằng gas, vì vậy mọi thứ đều phải trả tiền.
Những người nài ngựa trên đường
Một đàn yak chúng tôi gặp dọc đường
Đàn dê được nuôi ở vùng núi cao
Người phụ nữ bán hàng lưu niệm ở cổng vào một ngôi làng
Thêm một đêm ở Yak Kharka độ cao 4.100m, cả đoàn đều gặp vấn đề về mũi: nước mũi chảy liên tục như mấy em bé vùng cao, môi tím tái vì lạnh, má đỏ lựng lên và gặp nước nóng là bỏng rát. Tôi mặc áo phao, quấn trong chiếc túi ngủ dày cộm, chân dán miếng giữ nhiệt cả đêm mà vẫn trằn trọc.
Tôi đã hiểu cảm giác lo lắng của các thành viên khác trong đoàn vì rút cuộc cũng đến lượt tôi trải qua một đêm không ngủ được, nằm nghe đi nghe lại list nhạc mấy chục bài trong điện thoại và gần sáng mới chợp mắt được một chút.
Nước trên đường đóng băng vì nhiệt độ quá thấp
Chúng tôi giờ đã hiểu câu hát “Đến cả việc hít thở cũng làm ta lao lực” của Đen Vâu dù tôi cá rằng lúc sáng tác bài này anh ấy chưa đi Nepal. Còn nhớ lúc bắt đầu chuyến đi này chúng tôi đã chờ mong gặp tuyết rơi thế nào, như là một điều may mắn lắm mới gặp. Ai ngờ sáng nay tuyết rơi thật.
Tuyết rơi từ những đỉnh núi cao trắng xóa
Tôi mặc ba lớp áo, giữ nhiệt trong cùng, áo len rồi đến áo khoác mà vẫn lạnh. Cái tay thì khỏi nói, lạnh buốt dù đã đeo bao tay dày, đến mức cuối ngày bàn tay tôi sưng vù vì lạnh và vì máu dồn xuống tay. Nước mũi thì vẫn chảy ròng ròng nhiều đến mức phải dừng lại mua một cuộn giấy vệ sinh chia cho mỗi người một ít, bỏ túi áo để tha hồ lau mũi. Mũi ai cũng đỏ lựng như quả cà chua, lem luốc như mấy em bé ở Sa Pa.
Lúc đầu còn rất hào hứng khi thấy tuyết rơi
Ngoảnh nhìn lại sau lưng mấy ngọn núi xám xịt, trời sầm sập tối, không một tia nắng nào. Tuyết đã rơi trên những ngọn núi xa, và nó đang tiến lại rất gần con đường chúng tôi đang đi. Mấy trụ nước bên đường đóng băng cứng đơ. Bông tuyết bay dày đặc trong gió, đậu trên cành cây, trên áo. Cảnh vật ảm đạm giống như ai đó đã cướp mất của chúng tôi bầu trời xanh vời vợi, cướp luôn những tia nắng ấm áp rực rỡ chói chang. Sao không ai nói cho tôi biết tuyết rơi là cảnh vật xấu thế này?
Càng lên cao thế này, Tea House càng ít và càng đông, càng mắc. Tea House ở Phedi trưa hôm đó không còn bàn nào trống. Trekker lạnh quá kéo nhau vào sưởi ấm, chơi bài giết thời gian. Mấy đoàn tiết kiệm tiền sẽ ngủ ở đây chứ không lên High Camp. Tôi nhìn ra ngoài trời, tuyết rơi trắng xóa, cảnh tượng ảm đạm buồn dễ sợ. Buồn và sợ. Vì lúc mở cửa ra ngoài đi vệ sinh, tôi thấy nước trong toilet đã đóng băng, phải gõ gõ lớp băng mới múc được nước. Lúc ấy, cảm giác nhớ sao là nhớ Sài Gòn ấm áp và thèm được về nhà thật nhanh. Rồi tự hỏi mấy cảnh tuyết rơi ngôn tình lãng mạn như phim đâu hết rồi? Sao chỉ còn lại sự lạnh lẽo và buồn tẻ bao trùm lên tất cả?
Khung cảnh đìu hiu và u ám ngày tuyết rơi
Sau bữa cơm trưa rệu rã và phải tự động viên bản thân ráng ăn cho có sức, cả đoàn lại vác balo lao ra ngoài mưa tuyết. Chúng tôi phải vượt một đoạn dốc dựng đứng hình zic zac mấy chục tầng để tiến lên High Camp. Ở độ cao này, lượng oxy trong không khí vốn đã cực kỳ thấp, mỗi người phải hít thở liên tục, chân vẫn phải bước đi lầm lũi dưới mưa tuyết.
Đoàn người lặng lẽ bước đi trong mưa tuyết
Thorong La High Camp nằm ngay dưới chân đèo Thorong La, ở độ cao 5.000 mét này thì không còn cái cây bụi nào cả, đầy đá và tuyết trắng xóa. Mấy dãy nhà cũng xây bằng đá lạnh ngắt. Nghĩ đến cảnh đêm nay sẽ ở đây mà tôi không khỏi rùng mình. Thật là nhớ những đóa hoa xinh đẹp và những ngôi nhà rực rỡ sắc màu ở Tal.
Chúng tôi đến được Thorong La High Camp ở độ cao 5000m
Tôi có cảm giác cơ thể rã ra từng mảnh. Mọi người rủ nhau chụp hình tuyết nhưng tôi về phòng đây. Chui vào chăn quấn kín người run bần bật, tôi cứ nằm thế thiếp đi mơ màng đến lúc mấy anh gọi sang phòng bếp ăn cơm. Với tôi ngày hôm đó, căn phòng ăn thật băng giá lạnh lẽo. Lạnh tới mức Ganesh phải phát cho tôi cái túi chườm nóng để ôm vào bụng. Menu nhìn đi nhìn lại vẫn là mấy món ăn riết ngán tới cổ. Đĩa mì spaghetti cá ngừ nóng sốt nhưng tôi không cảm nhận được chút mùi vị gì.
Chúng tôi được lệnh ăn xong giải tán ngủ sớm vì sáng sớm mai là thời khắc quan trọng nhất của cả chuyến đi: qua đèo Thorongla 5.416m, phải thức dậy từ 4 giờ sáng. Lần đầu tiên cả nhóm không buồn uống trà hay tám chuyện nữa. Tôi về phòng và lên cơn sốt người run cầm cập, cảm giác lạnh từ trong ruột lạnh ra. Và sợ hãi, sợ mình sẽ không “qua khỏi” đêm nay, không hết sốt, không ngủ được, sáng không có sức qua đèo, bị trực thăng cẩu về, tốn 3.000 USD. Tôi tưởng tượng và sợ đủ thứ trong lúc nằm trong mấy lớp chăn dày như cái kén. May mà còn có miếng dán giữ nhiệt, may mà có viên thuốc Panadol thần thánh may mà có cái túi chườm nóng.
May quá tôi thiếp đi giữa bộn bề lo lắng giữa căn phòng tối om lạnh ngắt, bên ngoài gió núi thổi tuyết bay vù vù. Cuộc đời mình rồi cũng có ngày ở cái nơi heo hút tĩnh lặng cách xa văn minh thế này ư?
5.416 mét - chúng tôi đến rồi đây!
4 giờ 30 chúng tôi xốc balo ra nhà ăn ngồi đợi sẵn. Lại là nỗi sợ phải gọi đồ ăn sáng. Lại uống vội vài viên thuốc. Cả đoàn nhìn nhau rồi động viên “Thôi nốt hôm nay nữa, qua đèo là xuống núi rồi, không phải leo trèo nữa”. Nhà ăn sáng sớm đông nghẹt khách, có nhiều đoàn đã xuất phát từ sớm. Nếu không muốn gặp gió to, mọi người đều phải qua đỉnh đèo trước 10 giờ sáng - Ganesh nói thế.
Jeten đi đầu, Ganesh đi chốt, chúng tôi nối nhau đi khúc giữa. Xung quanh tối mù mịt, phải bật đèn đi dò dẫm. Tiếng bước chân trên tuyết lạo xạo. Tiếng thở nặng nhọc. Tiếng xì mũi, ho hắng. Ngoài ra thì thứ duy nhất tôi cảm nhận được là cái chân lạnh như đóng băng. Sao tôi có thể quên là cái chân mình là nơi sợ lạnh nhất cơ thể? Thế mà vẫn chỉ mang một đôi vớ rồi đi giày. Cũng không thể nào rút tay ra khỏi túi áo mà bấm điện thoại quay phim được.
Lạnh muốn đóng băng nhưng vẫn phải uống nước
Tôi gần như là người đi cuối trong đoàn, cố bước từng bước thật nhỏ, thật chậm. Đôi tay bọc trong 2 lớp găng dày nhưng tôi có thể cảm nhận được lúc này từng ngón tay tôi đang sưng phù vì lạnh, mấy cái nhẫn chắc đang thít chặt khớp tay. Tôi liên tục phà hơi qua miệng, mong xua tan đi chút lạnh lẽo cho khuôn mặt sắp đóng băng của mình. Trong lúc đó thì đôi chân đang ra sức chống lại lệnh của đại não: dừng lại, bọn tao muốn nghỉ, chân tôi lên tiếng.
Đoàn người chậm rãi vượt đèo
Nhưng có một điều tôi vẫn tin chúng tôi may mắn đó là sáng hôm ấy tuyết không rơi, bầu trời xám xịt của ngày hôm qua biến mất hoàn toàn, trả lại bầu trời xanh ngắt. Tôi nhìn thấy nắng vàng lấp lóa trên đỉnh núi tuyết xa. Chỉ cần thế là vui rồi, vui như Tết! Nghe lời Ganesh vẫn phải uống nước đều đặn mà chai nước nhét ở balo, lấy ra nó đóng đá như bỏ tủ lạnh. Cũng phải lắc lắc ra mà uống thôi.
Quán trà ấm áp lưng chừng đèo
Lưng chừng đèo có một quán trà, chẳng cần biết đẹp xấu, chúng tôi chui vào ngay tìm chút ấm áp. Cứ ôm chén nước trong tay cho ấm, tôi sì sụp húp, chẳng muốn rời khỏi cái lán ấm áp này.
Tôi chưa từng đi đâu xa một mình, leo núi lại càng không, nên vĩnh viễn vẫn chưa hiểu được thế nào là nỗi cô đơn đến mức có tâm sự mà không thể chia sẻ. Nhưng tôi hiểu niềm vui của việc có bạn đồng hành, và nếu đó là người thân thiết của mình, thì việc đó ý nghĩa như thế nào. Khi con đường trước mắt vẫn cứ là những đoạn dốc lên cao nối nhau sau một khúc cua, phía trước tôi, phía sau tôi vẫn là bạn bè, anh em để cùng nhau nghỉ uống nước, động viên nhau, và chụp cho nhau những bức ảnh tàn tạ nhưng quý giá dù chân tay không còn muốn cử động. Tất cả chúng tôi đều hiểu rõ, khung cảnh này khó mà gặp lại.
Đỉnh đèo Thorongla cao 5.416m trên dãy Himalaya
9 giờ 15 phút ngày 17/11/2019, chúng tôi đặt chân đến đỉnh đèo Thorong La cao 5.416m trên hãy Himalaya, đủ bảy người. Cả nhóm đứng ôm nhau xúc động, còn Ganesh và các chú porter cười nhẹ nhõm, mãn nguyện kiểu: may quá, cũng hộ tống được cái đoàn bết bát này lên đỉnh núi. Bầu trời hôm ấy rất xanh, tuyết rất trắng, nước mũi tôi thì vẫn chảy lòng thòng. Thế nhưng vẫn đủ sức lôi cây son trong túi ra làm một chút “sắc môi em hồng” rồi cùng nhau chụp hình không mệt mỏi.
Chụp hình kỷ niệm cùng các chú porter của đoàn.
Anh trong đoàn bảo tưởng đỉnh đèo thế nào, hoá ra có dăm ba cái cờ và cái bảng gỗ ghi thông tin ngắn gọn độ cao 5.416 mét. Không có cái khách sạn nào, cái viewpoint nào, không bán thứ gì, nhưng cũng là điểm không phải ai cũng đặt chân đến được. Trên mặt mỗi đứa ngoài niềm vui còn viết hai chữ: tự hào. Mọi vất vả đã ở lại phía sau, tạm biệt những tô mì cá hồi dở nhách, những đêm mất ngủ, những ngày lạnh không thở được.
Tôi nhớ đến show Twogether xem trên Netflix gần đây. Hai diễn viên nổi tiếng là Lee Seung Gi và Lưu Dĩ Hào được giao một nhiệm vụ ở Nepal là chụp được được bức ảnh dãy Annapurna vào một ngày nhiều mây, khi mọi người dân ở đó đều bảo rằng “không thể nào”. Thế mà cuối cùng thần may mắn lại mỉm cười với họ. Dãy núi Annapurna đã hiện ra sau những đám mây chỉ vài phút rồi biến mất. Hai chàng trai đã reo hò rồi đứng ngây ra ngắm núi.
Chúng tôi, phần nào chia sẻ được cảm giác ấy, khi nhiều người cho rằng đi đến độ cao 5.416m là một điều nằm ngoài tầm với, khi chứng say độ cao và cái lạnh âm độ dọc đường lần lượt hạ gục từng thành viên. Những ngày ở Nepal, bài hát tôi nghe nhiều nhất chắc là Tám chữ có của Lê Cát Trọng Lý. “Có chuyến đi dài hơn đất trời, mà không thể đến nơi”, có điều, chuyến đi của chúng tôi thì đã đến được nơi muốn đến. Chúng tôi đã chiến thắng mọi nỗi sợ hãi, tận hưởng mọi cảnh đẹp suốt hành trình và lưu giữ chuyến đi này trong tâm trí như một phần gia tài quý giá của tuổi trẻ.
Sẽ luôn nhớ về Nepal như một dấu ấn trong đời
Bản thân tôi lại có thể viết thêm một chương mới vào nhật ký những chuyến đi: cô gái từng chỉ biết đến núi Bà Đen, Chứa Chan nay đã đặt chân đến độ cao 5416m trên dãy Himalaya rồi nhé!
Sau nhiều ngày suy nghĩ, Huyền ghi tên mình vào nhóm 7 người cùng nhau đi Nepal. Cô gái xưa nay chỉ leo sơ sơ mấy ngọn núi thấp...