Dừng chân bên cây cầu lịch sử ở Quảng Trị

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trên mảnh đất Quảng Trị, cây cầu Hiền Lương đã trở thành một phần của lịch sử, ranh giới chia cắt hai miền Bắc - Nam trong một thời gian dài.

Nằm trên Quốc lộ 1A cũ, có một con sông và một cây cầu đã ghi vào lịch sử. Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) là nơi hơn 60 năm trước Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, chọn vĩ tuyến 17 làm mốc giới tuyến tạm chia cắt hai miền Nam - Bắc của nước ta.

Dừng chân bên cây cầu lịch sử ở Quảng Trị - 1

Cuộc chiến tranh giành độc lập thống nhất non sông đi đến sự căng thẳng cực độ khi Mỹ nhảy vào cuộc chiến. Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trở thành nỗi nhớ của nhân dân hai miền Nam - Bắc.

Khi non sông đã nối liền một dải, nơi đây đã trở thành chứng tích lịch sử ghi dấu về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta để giành lại độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Dừng chân bên cây cầu lịch sử ở Quảng Trị - 2

Cầu được Pháp xây dựng vào năm 1952, dài 178 mét, có 7 nhịp, trụ bằng bê tông cốt thép, thân cầu bằng thép, mặt cầu lát ván gỗ thông. 

Cầu Hiền Lương có 2 màu chủ đạo là xanh và vàng, chia cắt bởi vạch phân chia ranh giới màu trắng. Nửa cầu màu xanh là chủ quyền ranh giới của miền Bắc, nửa cầu màu vàng là ranh giới của miền Nam theo Hiệp định Giơ-ne-vơ kí kết vào năm 1954.

Dừng chân bên cây cầu lịch sử ở Quảng Trị - 3

Cột cờ ở phía Bắc hiện nay là hình mẫu mô phỏng những cột cờ mà chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựng trước đây. Cột cờ cao 28 mét, được làm bằng 6 đoạn thép ống liên kết với nhau, trên đỉnh gắn lá cờ sao vàng năm cánh. Thân cột cờ có gắn các thanh thép hình chữ nhật để làm thang, cột cờ còn được lắp hệ thống dây cáp, ròng rọc và bộ phận tời tạo thuận tiện khi treo cờ. Đế cột cờ hình tròn, có trang trí hình ảnh mô tả về lịch sử cách mạng.

Dừng chân bên cây cầu lịch sử ở Quảng Trị - 4

Khi đứng trên cầu, phóng tầm mắt xa về phía Nam, du khách nhìn thấy tượng đài Khát vọng thống nhất với hình người mẹ cùng con hướng mắt về miền Bắc. Tượng đài mô tả hình ảnh người vợ và người con ở bờ Nam đang ngóng chồng và những người thân yêu ở bờ Bắc qua dòng sông chia cắt. Phía sau là cụm tượng làm nền, mô tả hình ảnh những chiếc lá dừa nước. 

Hướng về phía Bắc, du khách thấy nhà trưng bày "Vĩ tuyến 17 và Khát vọng thống nhất" là nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ.

Dừng chân bên cây cầu lịch sử ở Quảng Trị - 5

Khi đến đây, du khách như được sống lại một phần của kí ức lịch sử, được nghe về những câu chuyện kháng chiến kiến quốc, những nỗi đau mất người thân mà chiến tranh để lại. Du khách như được lắng đọng, nhớ đến một thời bi tráng của dân tộc ta.

Dừng chân bên cây cầu lịch sử ở Quảng Trị - 6

Dừng chân bên cây cầu lịch sử ở Quảng Trị - 7

Khoảng 8 năm trước, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Dừng chân bên cây cầu lịch sử ở Quảng Trị - 8

Thời gian dần trôi, đất nước thống nhất, hai bên bờ sông Bến Hải giờ đây đã phủ màu xanh của ruộng lúa, thu hút đông đảo du khách đến đây tham quan, tìm hiểu.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Vân

CLIP HOT