Lăng Ông Bà Chiểu: Biểu tượng lịch sử của Sài Gòn - Gia Định
Gần hai thế kỷ trôi qua, Lăng Ông nằm cạnh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) luôn là một công trình di tích quan trọng và cũng là một điểm đến tâm linh thu hút nhiều du khách tại TP.HCM.
Tại khu vực giao nhau giữa bốn con đường Lê Văn Duyệt, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng, ngay cạnh chợ Bà Chiểu sầm uất là một khoảng xanh sum suê và tĩnh lặng. Đó là nơi yên giấc vĩnh hằng của vị quan nổi tiếng thanh liêm – Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn thành Gia Định khi xưa, cùng phu nhân Đỗ Thị Phẫn. Vì người xưa có tục kỵ húy, tức kiêng gọi tên thật của người có địa vị quan trọng bằng văn tự hay trong lời nói hằng ngày, nên đã mượn danh xưng “Bà Chiểu” của ngôi chợ gần bên để đặt tên cho nơi này. Từ đó, hễ nhắc đến lăng Tả quân Duyệt, người Sài Gòn lại gọi là “Lăng Ông Bà Chiểu”.
Cổng vào Lăng Ông Bà Chiểu
Năm 1989, Lăng Ông được Bộ Văn hóa (tên gọi cũ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. 33 năm sau, lễ hội Khai hạ – Cầu an, vốn thường xuyên được tổ chức tại lăng vào mỗi dịp năm mới, cũng đã được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần làm phong phú kho tàng di sản đồ sộ của thành phố.
Giai thoại về cuộc đời Tả quân Lê Văn Duyệt
Sử sách ghi nhận Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) là một trong những vị khai quốc công thần, có nhiều đóng góp to lớn cho triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng. Ông không chỉ có tài “chinh đông dẹp tây” mà còn là một vị quan thanh liêm mẫu mực, hết lòng vì dân vì nước. Bằng tài năng và sự chính trực của mình, ông đã giúp người dân có cuộc sống no ấm, đủ đầy, giao thương trong vùng phát đạt nhờ vào các chính sách ưu đãi dành cho thương nhân phương Tây và Hoa kiều mà ông đã ban hành. Dần dần, tài nghệ quản lý của ông đã góp công lớn trong việc khai phá, mở rộng, cũng như bảo vệ vùng đất phương Nam, giúp nơi này từ chỗ hoang sơ và thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc giao tranh với ngoại bang trở thành một vùng đất trù phú, yên bình.
Tuy nhiên, sau khi Tả quân Duyệt qua đời, thành Phiên An chẳng may rơi vào họa binh biến vào năm 1835. Kết cục, ông bị vua Minh Mạng khép vào trọng tội “che chở quân phỉ đảng, để gây nên bạo loạn” vì nhà vua trót tin những lời dèm pha của ngụy thần. Mộ của ông bị vua Minh Mạng cho san bằng, dựng bia đá khắc tám chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử”.
Mãi đến đời vua Thiệu Trị (năm 1841), ông mới được giải oan, bia đá được dẹp bỏ, mộ ông được đắp lại cao và rộng hơn. Năm 1848, Đông Các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn dâng sớ tâu vua Tự Đức xin phục hồi quan tước, gia ơn cho con cháu các công thần, trong đó có Tả quân Lê Văn Duyệt. Nhà vua xem sớ cảm động, truy phong cho ông và ban phẩm hàm cho con cháu Lê Tả quân, lại cho đắp phần mộ Lê Văn Duyệt ở thành Gia Định cao rộng thêm, đồng thời sửa sang miếu thờ. Khi Hội Thượng Công Quý Tế được thành lập vào năm 1914, việc cúng tế được tổ chức đều đặn hằng năm và việc trùng tu lăng mộ cũng được tiến hành nhiều lần.
Công trình biểu tượng Sài Gòn – Gia Định xưa
Lăng Ông rộng 18.500m2, ngự trên một gò đất cao. Tường bao quanh lăng dài 500m, cao 1,2m với bốn cổng hướng mặt về bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Cổng tam quan (cổng chính) đặt ở hướng Nam, quay mặt ra đường Vũ Tùng, phía trên đề ba chữ “Thượng Công Miếu” bằng Hán tự. Du khách bước qua cổng tam quan sẽ nhìn thấy một khu vườn xanh mướt với những ngọn thốt nốt vươn cao, những cành đa đại thụ tỏa bóng mát. Từ đây, di chuyển vào sâu bên trong sẽ đến khu lăng chính, gồm ba phần: nhà bia, khu vực mộ phần và miếu thờ.
Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ với tường gạch bao quanh, mái lợp ngói âm dương. Bên trong có tấm bia đá khắc văn tự chữ Hán đề “Lê công miếu bia” (nghĩa là bia dựng tại miếu thờ Lê công) do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894). Nội dung văn bia ca tụng công đức Tả quân Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.
Tiếp đến là mộ phần Lê Tả quân cùng phu nhân. Toàn bộ khu mộ được xây cất bằng một loại vữa hợp chất. Phần mộ gồm hai ngôi mộ song táng, đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dáng như một con rùa đang nằm. Trước mộ có một khoảnh sân nhỏ để làm lễ. Từ nơi nhà bia nhìn vào, mộ Tả quân Duyệt nằm phía bên phải. Bao quanh mộ là một bức tường bằng đá ong dày hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn.
Cuối cùng là khu vực “Thượng Công Linh Miếu”, đây là nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Tả quân. Bố cục của miếu bao gồm tiền điện, trung điện và chính điện. Mỗi gian điện thờ cách nhau bằng một khoảnh sân lộ thiên, gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời). Đối xứng hai bên trục nhà chính là hai dãy Đông lang và Tây lang.
Xét về tổng thể, công trình mang dấu ấn của lối kiến trúc miếu thờ nhà Nguyễn, với kiểu mái “trùng thiềm điệp ốc” (kiểu nhà kép, hai mái trên một nền) truyền thống của Việt Nam áp dụng kỹ thuật kê khung nhà bằng các lỗ mộng. Bên cạnh đó, Lăng Ông còn nổi bật với các kỹ thuật chạm khắc gỗ, đá, đặc biệt là khảm sành sứ mà đến hôm nay vẫn còn được bảo quản tốt sau nhiều đợt trùng tu, giúp toát lên vẻ đẹp cổ kính của một thời Sài Gòn – Gia Định năm nào.
Để khảm được những bức tranh tường hay các bao lam bằng nhiều mảnh sành sứ muôn hình vạn trạng một cách đầy tinh xảo đòi hỏi người thợ phải có đôi tay rất khéo léo và tài hoa. Những bức điển tích cá chép hóa rồng, lưỡng long tranh châu, phù điêu mai lan cúc trúc, chim công… lung linh, rực rỡ sẽ giúp du khách hiểu thêm về nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt Nam. Ngày 6/12/1989, Bộ Văn hóa công nhận Lăng Ông Bà Chiểu là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Ngày nay, Lăng Ông Bà Chiểu là một địa điểm thiêng liêng, gắn liền với đời sống tâm linh của người Sài Gòn. Tết Âm Lịch hằng năm, người dân thành phố lại tới đây thăm viếng, đốt nén nhang lòng thành cầu mong gia đình yên ổn, hạnh phúc và xin lá xăm vận mệnh trong năm. Đây là một nét văn hóa đẹp đẽ được người dân duy trì suốt nhiều thế hệ.
Hằng năm, cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân trên địa bàn quận Bình Thạnh lại nô nức tổ chức lễ hội Khai hạ – Cầu an tại Lăng Ông. Đây cũng là một trong ba lễ hội lớn tại TP.HCM được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa, Sở Du lịch đã và đang triển khai 8 nhóm giải pháp đồng bộ để phát triển, xúc tiến quảng bá ngành du lịch thành phố theo chiều sâu. Trong đó, xác định nhóm sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, cùng với du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch ẩm thực và du lịch mua sắm là những thế mạnh chủ lực. Thời gian tới, Sở Du lịch và Sở Văn hóa – Thể thao sẽ hợp tác chặt chẽ cùng chính quyền quận Bình Thạnh bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Khai hạ – Cầu an, cũng như tăng cường quảng bá điểm đến Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, để các di sản này luôn phát huy giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng. |
Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt lần đầu tiên diễn ra trên sông Sài Gòn, tại thương cảng đã được hình thành...