Du ký "những ngày rong ruổi bên trời Âu"
Mời các bạn đi dạo một vòng Berlin, tham quan mua sắm ở các chợ trời bán đồ cũ!
Dành cho các nhà sưu tầm
Thành phố Berlin, thủ đô và cũng là một tiểu bang của Cộng hòa Liên bang Đức, nằm ở góc Đông Bắc đất nước này, gần biên giới với Ba Lan. Berlin rộng 891km2 với gần 4 triệu dân và một mạng lưới giao thông công cộng rất tốt gồm xe điện ngầm - bên này gọi là U-Bahn, xe điện chạy trên mặt đất - gọi là Strassenbahn, xe điện chạy trên cao, gọi là S-Bahn và hệ thống xe buýt dày đặc, chạy ngày và đêm .
Ngoài ra, phải tính thêm nhiều tuyến xe lửa tỏa ra khắp bốn phương tám hướng để về vùng ngoại ô và các tỉnh, cũng như đến những nước khác ở châu Âu. Nhờ vậy nên nhiều người ở Berlin vẫn có thể di chuyển đến khắp nơi mà thật sự không cần phương tiện di chuyển riêng như xe ô tô.
Mấy tháng mùa Hè, từ tháng 6 đến tháng 9, thời tiết bên châu Âu rất dễ chịu, ban ngày có nắng ấm, chiều tối mát mẻ, hơi lạnh một tí, đi ra đường phải có cái áo khoác bên ngoài.
Mình may mắn có anh bạn - có thể gọi là thổ địa nơi đây, dành cho riêng một căn phòng nho nhỏ, xinh xắn, yên tĩnh, ngoài ban công còn có mấy chậu hoa hồng vàng, hoa hồng đỏ rất đẹp, chắc là của người đẹp nào đó đã tặng cho anh bạn vẫn còn độc thân này.
Đi du lịch ở những nước giàu của cải vật chất, chúng ta thường thấy nhà cao cửa rộng, dinh thự to lớn, trung tâm thương mại đồ sộ, đường sá xa lộ rộng mênh mông, công viên quảng trường xanh sạch đẹp, nhà hàng khách sạn hoành tráng... nên lần này mình muốn mời các bạn đi chơi một vòng cho biết những mặt khác, cũng của cùng một thành phố mà thường thường du khách vì không có thời giờ hoặc đơn giản là bị bỏ qua không thèm ngó ngàng tới: đi lượn một vòng tham quan vài khu chợ trời bán đồ cũ trên địa phận thành phố Berlin.
Từ xưa, bên Tàu đã có chuyện "tái ông thất mã" - trong cái rủi đã tiềm ẩn cái may. Lúc nước Đức bị chia cắt, thủ đô Berlin cũng chia thành hai: phần phía Đông khi đó là thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Đức - thường được viết tắc là DDR, phần phía Tây cũng có phố xá đô thị sầm uất nhưng không phải là thủ đô mà thủ đô của Cộng hòa Liên bang Đức được dời về Bonn bên dòng sông Rhein, cách Berlin hơn 600km về hướng Tây.
Ngày 3/10/1990, hai miền Đông và Tây thống nhất thành Cộng hòa Liên bang Đức và vài năm sau đó Berlin lại trở thành thủ đô như trước khi bị ngoại bang chia cắt. Đây cũng là ước nguyện của nhân dân Đức.
Lúc thống nhất nước Đức thì Đông và Tây Berlin cũng trở thành một nhưng với đặc điểm là cái gì cũng có đến... hai lần mà cái nào cũng to, tốt, đẹp và lại là chất lượng Đức - made in Germany! Cụ thể là Berlin có hai tháp truyền hình cao ngất trời, hai sở thú với nhiều thú quý hiếm trên diện tích rộng mênh mông đến hàng trăm hecta, hai phi trường quốc tế nhộn nhịp, hai đại học thuộc hạng danh giá trên thế giới, bên Tây Berlin là Freie University còn bên Đông Berlin trước đây đã tồn tại từ lâu Humboldt University, cái nào cũng danh tiếng lẫy lừng, cộng thêm vào đó là nhiều đại học khác nữa.
Một địa điểm bán xúc xích ngon nổi tiếng ở Berlin. Lúc nào cũng có vài chục người đứng sắp hàng chờ mua
Người Đức không muốn đất nước phát triển theo kiểu chỉ tập trung ở những thành phố lớn mà đều khắp nơi, từ vùng quê xa xăm đến những vùng có nhiều khu công nghiệp. Không gian sống nhờ vậy được trải đều khắp nơi nên ở xứ này không bị cảnh chen chúc tranh giành, dẫm đạp lên nhau mà sống nghẹt thở như thường thấy ở trong mấy đô thị lớn bên những nước khác.
Luật pháp rõ ràng, chính quyền cai trị nghiêm minh, luôn lo cho dân nên không có những khu nhà ổ chuột. Mỗi quận, huyện đều có một khu phố đi bộ gồm những trung tâm thương mại và dịch vụ nên người dân không nhất thiết phải dạo phố mua sắm ở trung tâm thành phố, để phải bị cảnh chật chội rồi chen lấn xô đẩy nhau như dân Sài Gòn phải vô khu vực Nguyễn Huệ - Đồng Khởi hoặc dân Hà Nội phải khổ sở khi dạo phố cổ Hà Nội chung quanh Hồ Hoàn Kiếm.
Vậy nên Berlin cũng có nhiều chợ trời bán đồ cũ. Lớn nhất và nổi tiếng nhất là chợ trời trên đại lộ 17 Juni, ngay bên cạnh trạm xe điện trên cao S-Bahn Tiergarten, họp mỗi cuối tuần vào thứ bảy và Chủ nhật từ sáng sớm đến quá buổi trưa. Chợ trải rộng vài chục thước và dài nhiều trăm thước theo lề đường, bán đủ các thứ đồ đã dùng rồi. Nhiều kiểu bàn ghế tủ giường tuổi đời hơn cả trăm nhưng được sửa chữa qua bàn tay điêu luyện nên được nhiều người ưa chuộng và giá không hề rẻ!
Chợ này nằm ở vị trí rất thuận tiện và lớn, nhiều du khách ghé chơi nên được xem như đông và vui nhưng bị dân "đi chợ trời chuyên nghiệp" chê vì giá tương đối cao! Đặc biệt, ở chợ này có dành riêng một đoạn dài cả trăm thước cho các quầy bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do chính các nghệ nhân sáng tác.
Tiếp đến là chợ trời Schoeneberg, gần trạm xe điện ngầm U-Bahn Bayerischer Platz, họp vào sáng Chủ nhật ngay trên mặt sân rộng trước trụ sở Hội đồng Nhân dân quận Schoeneberg. Nơi đây hàng hóa xem ra bình dân và đa dạng, người mua người bán cũng... đa quốc tịch và giá cả cũng hấp dẫn.
Smartphone của mình đã cũ vài năm tuổi, ốp lưng bằng nhựa đã bị rách nát mà đi tìm mua ốp lưng mới khó quá, tới đây tình cờ thấy có cái ốp lưng vừa với smartphone thế là mua ngay với giá 3 euro, không rẻ nhưng cần có để bảo vệ cho smartphone khỏi bể vỡ hay hư nếu chẳng may bị va chạm rơi rớt!
Cũng tại đây, trên bao lơn của tòa nhà trụ sở Hội đồng Nhân dân quận Schoeneberg, vào buổi trưa ngày 26/6/1963 trong không khí căng thẳng của cuộc chiến tranh lạnh, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã đọc bài diễn văn để trấn an cư dân thành phố này và có nói được một câu tiếng Đức, đã đi vào lịch sử: “Ich bin ein Berliner” (Tôi là một người Berlin).
Cách chợ trời Schoeneberg chỉ ba trạm xe điện ngầm là chợ trời Fehrbelliner Platz, cũng họp sáng Chủ nhật và dưới tán lá của nhiều cây phong bóng cả cây già. Ở khu công viên rộng lớn cạnh chợ có một cà phê nhà hàng xinh xắn với bàn ghế ngoài sân vườn, khách ghé qua ăn sáng rồi đi dạo chợ hoặc lượn vài vòng chợ rồi vào đây giải khát.
Ở một quận khác thuộc hàng khá giả ở Berlin, dân chúng có thu nhập cao - quận Steglitz, chợ được tổ chức ở công viên đầu phố đi bộ, trước mặt trụ sở hành chính quận này, Rathaus Steglitz. Đây là điểm giao nhau của những tuyến giao thông công cộng như xe điện ngầm, xe điện trên cao, xe buýt nên rất nhộn nhịp. Và vì chợ trời này nằm ngay phố đi bộ nên khách được "nhất cử lưỡng tiện": dạo chợ trời xong còn được đi chơi tiếp ở phố đi bộ.
Đi hết khu chợ này, anh bạn mua được cái điện trở nho nhỏ hình lò xo, công suất 500W, có thể thả vào ly chừng 400ml để nấu nước sôi pha trà, cà phê hoặc nấu... mì ăn liền và giá chỉ 1 euro. Biết mình cần những vật dụng nhỏ gọn như vậy cho những cuộc vạn lý độc hành nên bạn liền tặng cho mình, kỷ niệm chợ trời Berlin.
Chợ trời ở sân trước mặt tòa nhà hành chánh quận Schoeneberg
Tất cả những chợ trời đồ cũ này đều được quản lý chặt chẽ, thu lệ phí các quầy hàng theo diện tích mét vuông, giữ gìn trật tự vệ sinh rất chu đáo. Những xe, quầy bán đồ ăn uống cho khách đi chợ với giá cả hợp lý, không bao giờ bị gặp chuyện chặt chém.
Còn một chợ nữa rất đặc biệt, cũng xin được kể luôn: chợ Thái Park nằm gần trạm xe điện ngầm U-Bahn Konstanzer Strasse. Chợ không chỉ có vào cuối tuần mà được họp hằng ngày vào mùa Hè. Chợ này nằm trên sân cỏ của công viên tên là Preussen Park - Công viên Phổ. Ban đầu, có nhiều gia đình chồng Đức vợ Thái rủ rê nhau tụ tập trên sân cỏ của công viên này vào suốt những chiều mùa Hè nắng đẹp sau giờ làm việc nên dân gian đặt tên là Thái Park - công viên của người Thái Lan.
Người Thái Lan cũng giống như người Việt Nam ta, mỗi lần tụ tập nhau là thế nào cũng có ăn uống lai rai, trẻ em thì chạy nhảy, lành mạnh thì chơi thể thao, còn nói về tệ đoan thì cũng thấy có rượu chè và... cờ bạc sát phạt ghê lắm.
Dần dà chợ không còn là nơi những gia đình Thái - Đức gặp gỡ để picnic nữa mà còn có cộng đồng người Việt Nam, Lào, Campuchia và cả người Brazil tham gia vào cuộc vui. Và nơi đây thật sự đã thành cái chợ buôn bán đầy đủ những món ăn uống với thực đơn rất là phong phú hấp dẫn.
Điểm đáng khen là mặc dù chợ này hoàn toàn bất hợp pháp nhưng "ban quản trị tự phát" chỉ lấy lệ phí tượng trưng, rồi đến chiều tối lúc tan chợ luôn luôn dọn dẹp vệ sinh rất đàng hoàng sạch sẽ nên vẫn được cảnh sát cũng như chính quyền địa phương thông cảm nhắm mắt làm ngơ, xem như tạo sân chơi cho bà con người ngoại quốc đang sinh sống tại Berlin.
Berlin còn nhiều chợ trời đồ cũ họp vào mỗi sáng Chủ nhật ở những quận khác nữa. Đây là một nét văn hóa trong cách trao đổi hàng hóa đã qua sử dụng bằng giá rẻ, với nhiều người khác lại là thú vui tao nhã.
(Việt kiều Đức)
Thiên nhiên ngoạn mục, văn hóa giàu truyền thống và những công dân nồng hậu và luôn chào đón không phải là những điều...