Đắm chìm giữa những câu chuyện thần thoại và thiên nhiên hùng vĩ xứ Buôn Mê
Cuối cùng, tôi cũng chạm đến giấc mơ một lần được đặt chân lên vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió với cái lâng say của ché rượu cần ngất ngây, cay tê nơi đầu lưỡi, và hơn hết là nhâm nhi cái vị ngăm đắng mà thơm nồng trên mảnh đất xứ sở của cà phê.
Ôi! Ban Mê…
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là thác Dray Nur của dòng sông chảy ngược huyền thoại Sêrêpốk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 25 km. Chuyện kể rằng, ngày xưa, từ rất xưa, dòng sông Sêrêpốk chỉ một dòng chảy quanh co giữa đại ngàn xanh biếc.
Thác Dray Sáp vào mùa khô
Vào mùa mưa, thác Dray Sáp mịt mù bụi nước
Thuở ấy, có một chàng trai buôn Kuốp đem lòng yêu tha thiết người con gái bên kia sông. Nhưng do hai dòng họ có hiềm khích lâu đời nên đôi trẻ đã không thể đến với nhau. Trong đau khổ và tuyệt vọng, vào một đêm sáng trăng, đôi trai gái cùng gieo mình xuống dòng Sêrêpốk, để mong linh hồn được bên nhau mãi mãi.
Đêm đó, trời đất bỗng tối sầm, giông bão nổi lên, nước sông sục sôi, cuồn cuộn, rừng núi thét gào. Sáng hôm sau, người ta thấy sông Sêrêpốk tách thành hai dòng, chia hai ngả, chia cắt đường qua lại giữa hai dòng họ, hai buôn làng.
Hai nhánh sông ấy nay là sông Krông Ana (sông Cái) sinh ra ngọn thác Dray Nur (còn được gọi là thác Vợ), và sông Krông Nô (sông Đực) sinh ra thác Dray Sáp (còn được gọi là thác Chồng).
Cầu treo "lắc lẻo, gập gềnh" bắc ngang con suối chảy từ thác Dray Nur
Cao trên 30 m, trải rộng khoảng 150 m, nhìn từ xa thác Dray Nur như một bức tường khổng lồ với muôn vàn sợi nước tung bọt trắng xóa, đan xen và quấn quýt.
Đứng trước những vách đá sừng sững, giữa cái reo vang của con thác lan tỏa một vùng không gian rộng lớn; thanh âm dào dạt, trầm hùng, khiến mỗi người trong chúng tôi lại chợt cảm thấy mình nhỏ bé làm sao trước thiên nhiên hùng vĩ, những âu lo muộn phiền của cuộc sống bất chợt tan biến, lại mỉm cười với lòng mình thầm nhủ rằng - mọi chuyện, cuối cùng rồi cũng sẽ ổn.
Mênh mang hồ Lak
Lại một câu chuyện nữa khi hành trình chúng tôi tiếp tục ngược về hồ Lak. Truyện thần thoại của người M’Nông về cuộc chiến giữa Thần Lửa và Thần Nước, giao chiến suốt mấy mùa nương rẫy.
Hoàng hôn Hồ Lak
Sau chiến thắng của Thần Lửa đã để lại hậu quả vô cùng thảm khốc, đất đai khô hạn, tất cả các con sông, dòng suối, ao hồ không còn một giọt nước; người dân oán thán. Để chuộc lỗi cho cha mẹ kết duyên từ cuộc tình giữa Thần Lửa và người con gái M’Nông, người con trai băng vào rừng sâu, quyết tìm cho được nguồn nước cứu dân làng.
Sau bao ngày đêm trèo đèo, vượt núi; một hôm đang dừng chân tạm nghỉ bên đường, chợt thấy một chú lươn mắc kẹt trong khe đá, chàng động lòng ra tay cứu thoát. Để tạ ơn, lươn dẫn chàng tìm đến một hồ nước mênh mông.
Chàng trai vui mừng, liền trở về đưa dân làng đến; vùng đất đó là hồ Lak ngày nay (Lak theo tiếng M'nông nghĩa là nước).
Những thớt voi lặc lè cõng du khách băng ngang Hồ Lak
Mặt hồ xanh trong, khí hậu mát mẻ quanh năm; trông xa, hồ Lak uốn khúc như một dải lụa mềm quyến rũ. Mùa này, nước hồ lên cao và trong vắt tạo ra một khoảng không gian rộng lớn.
Hoàng hôn muộn, mênh mang mặ hồ, vài con thuyền độc mộc rẽ sóng, lặc lè lúa nương, lúa nước. Buôn làng sinh sống ven hồ ấm no, thanh bình với những nếp nhà sàn, nhà dài mênh mang trong khói lam chiều ngạt ngào hương gạo mới.
Đêm về, chúng tôi hòa nhịp cùng âm vang cồng chiêng, cùng người những con trai, con gái M’Nông dập dìu điệu múa bên ánh lửa bập bùng, cùng chếnh choáng trong men rượu cần ngất ngây.
Du dương điệu khèn
Trước khi nói lời chia tay với cái nắng, cái gió và nỗi nhớ không mang tên của miền đất đỏ Ban Mê, chúng tôi ghé thăm Bảo Tàng Đắc Lắk - bảo tàng lớn nhất ở Tây Nguyên với trên 1.000 hiện vật và hình ảnh.
Kiến trúc bảo tàng cách điệu từ những ngôi nhà sàn đặc trưng Tây Nguyên
Bảo tàng xây dựng hai tầng theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Tây Nguyên và được tổ chức thành ba không gian trưng bày chính gồm: đa dạng sinh học, văn hóa dân tộc và lịch sử.
Đi dọc hành lang tầng 2 của Bảo tàng, ngắm nhìn những tranh ảnh, hiện vật về cuộc sống văn hóa của người dân tộc, chợt bắt gặp một người nghệ sỹ già đang chăm chú bên những nhạc cụ truyền thống của tộc người Ê Đê.
Người nghệ sĩ của núi rừng du dương điệu khèn mê hoặc lòng người
Ông tự hào nói với chúng tôi bằng cái giọng Kinh khàn khàn, rằng ông là người Êđê gốc, nói rồi ông lại cầm cây khèn thổi cho chúng tôi nghe thêm một điệu rất mượt.
Nhìn ông, tôi chợt nhớ lại cô bé người Ba Na với ánh mắt biết cười làm say lòng mấy anh trai trong đoàn tại làng cà phê ngày hôm qua. Lại bỗng dưng dấy lên một tình cảm nồng ấm và gần gũi với những con người thuần phác và đáng yêu này đến lạ.
Trước khi chia tay, ông có vẻ bùi ngùi, cứ vuốt ve mãi cây khèn của mình, nhìn chúng tôi lưu luyến, nhắc đi nhắc lại lời một bạn trẻ khi tán dương điệu nhạc được thưởng thức qua tài năng của ông, “Rất độc đáo… rất độc đáo các con ơi.”
Người con gái Ba Na với ánh mắt biết cười
Xe tiếp tục lăn bánh đưa chúng tôi trên con đường trở về với phồn hoa của đất Sài Thành, vẫn vang trong không trung: “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, tiếng hát của mọi người trong đoàn hòa cùng lời nhạc của chàng cao bồi giữa Thủ Đô - Nguyễn Cường:
“Em cao nguyên huyền thoại, em cao nguyên cỏ dại
Một cao nguyên ở trong tôi vừa thật gần vừa xa xôi…”
Tôi có nói với người nghệ sỹ già ấy lời hẹn gặp lại, một lời hẹn gặp lại đơn thuần vì tôi thực sự cảm mến con người ông, cũng như cảm mến mảnh đất Ban Mê dữ dội mà quyến rũ này.
Dòng đời nhiều đổi thay, có thể khi trở lại, mảnh đất Ban Mê mà tôi từng biết hẳn sẽ nhiều thay đổi, cũng như người nghệ sỹ già quý trọng sẽ không còn mãi ở chốn này, nhưng tôi sẽ trở lại, tôi biết, nhất định thế!
Đến Kon Tum, bạn có thể dành thời gian nghỉ dưỡng ở Măng Đen hoặc leo núi Ngọc Linh hay đơn giản chỉ là dạo quanh thành...