Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đến Kon Tum, bạn có thể dành thời gian nghỉ dưỡng ở Măng Đen hoặc leo núi Ngọc Linh hay đơn giản chỉ là dạo quanh thành phố, thưởng thức những món ăn lạ mà ngon khó cưỡng.

Nhắc đến vùng Tây Nguyên thì nổi tiếng nhất chắc chắn là Đà Lạt, có chăng thì là Đak Nông với Hồ Tà Đùng, Gia Lai với Biển Hồ, Đắk Lắk với những buôn làng, café và những thác nước. Trong số những cái tên này, Kon Tum dường như rất lạ lẫm để trở thành địa điểm du lịch. Thế nhưng, có cơ hội đến Kon Tum, chắc chắn bạn sẽ đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác.

Mảnh đất pha trộn vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa - lịch sử

Thời điểm khám phá Kon Tum tuyệt vời nhất với tôi chính là khoảng thời gian tháng 11- tháng 3 hàng năm, trời ít mưa, tiết trời se se lạnh, bước chân ra khỏi cửa là có thể thấy cả bầu trời xanh trong mát mẻ.

Dạo quanh trung tâm thành phố Kon Tum cũng đã có hàng loạt địa điểm phải ghé thăm. Đầu tiên đó chính là Nhà thờ Chính Tòa hay còn có tên gọi thân thuộc là Nhà thờ gỗ Kon Tum – địa điểm có giá trị đặc biệt về mặt tôn giáo lẫn du lịch, văn hóa.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 1

Nhà thờ gỗ Kon Tum có lịch sử trăm năm tuổi

Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na được xây dựng 1913 kéo dài đến năm 1918 mới hoàn tất. Nhà thờ gỗ Kon Tum là một kiệt tác giao thoa giữa văn hóa bản địa và phương Tây.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 2

Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 3

Mái lợp bằng ngói

Đặc biệt, theo nhiều thông tin, việc xây dựng nhà thờ gỗ không dùng đến một cây đinh nào, tất cả đều là mộng gỗ ghép lại với nhau. Dù vậy, trải qua hơn 100 năm sương gió, nắng mưa, cùng bao biến động lịch sử, công trình vẫn đứng vững cùng thời gian.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 4

Phần nhô cao của tháp chuông

Giờ đây, nhà thờ gỗ không chỉ là nơi giáo dân đến cầu nguyện, làm lễ mà còn mở cửa cho khách du lịch tham quan, chụp hình kỷ niệm, cô dâu chú rể đến chụp hình cưới.

Rời Nhà thờ gỗ, chúng tôi tiếp tục di chuyển về Nhà rông Kon Klor có chiều dài 17m, rộng 6m và chiều cao của nóc là 22m - được coi là nhà rông lớn nhất Kon Tum và Tây Nguyên nói chung.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 5

Nhà rông Kon Klor

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 6

Phần mái của nhà rông

Nhà rông Kon Klor được thiết kế theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá với những hoa văn, họa tiết sắc sảo đặc trưng của người Ba Na. 

Ngay cạnh nhà rông là cầu treo Kon Klor bắc ngang dòng sông Dak Bla xanh trong nối đôi bờ phố thị và làng mạc của người dân tộc.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 7

Cầu treo Kon Klor

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 8

Dòng sông mang nước cuồn cuộn đổ từ núi xa về phía chân cầu

Cây cầu này có màu sắc đỏ vàng bắt mắt nên cũng trở thành một điểm check in khá nổi tiếng ở Kon Tum. Cầu có chiều ngang khá nhỏ nên chỉ vừa một xe ô tô chạy – các xe hai đầu cầu phải quan sát và nhường đường, ra hiệu cho nhau khi qua cầu.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 9

Đi bộ qua cầu Kon Klor

Sau khi dạo chơi ở trung tâm, bạn có thể thuê một chiếc xe máy hướng về huyện Ngọc Hồi thăm cột mốc ngã 3 Đông Dương – biên giới 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Nơi mà trước đây tôi chỉ nghe trong các bài học Địa lý: 1 con gà gáy cả 3 nước cùng nghe.

Con đường từ TP Kon Tum ra ngã 3 Đông Dương rất đẹp, đường rộng thẳng tắp đi giữa những khu vườn trồng mía, xa xa trước mặt là núi, trên đầu là nền trời xanh thăm thẳm. Trên đường ra cột mốc, chúng tôi đã đi nhầm sang đoạn đường rất khó đi. Có hai cô chú đang bán quán trong nhà chạy ra đường vẫy gọi rất to nói là chúng tôi đi sai đường rồi quay lại đi.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 10

Dừng lại check in cửa khẩu Bờ Y rồi đi tiếp

Không giống như Mộc Bài hay các cửa khẩu khác mà tôi từng ghé thăm, ở Bờ Y, bạn có thể đi qua cửa khẩu không cần trình giấy tờ, nếu muốn xuất cảnh mới cần làm. Đi qua cửa khẩu khoảng 300m quẹo trái vào đường bê tông chừng 15km qua những con đường nhỏ vòng vèo chính là đường lên cột mốc.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 11

Những con đường vòng vèo dẫn lên cột mốc

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 12

Biển chỉ đường báo hiệu đã tới nơi

Giữa trưa nắng, chúng tôi chạm tay vào cột mốc biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, đứng ở đây nghe gió thổi mạnh và tận hưởng cái bao la của đất trời.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 13

Chụp hình kỷ niệm với cột mốc

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 14

Bảng thông tin cột mốc

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 15

Khung cảnh bao la từ cột mốc nhìn về hướng Việt Nam

Đến Kon Tum nếu thong thả thời gian bạn có thể dành thời gian nghỉ dưỡng ở Măng Đen - vùng đất được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên. Hoặc nếu mê núi rừng, bạn có thể leo núi Ngọc Linh - đỉnh núi cao nhất khu vực phía Nam tính từ dãy Bạch Mã đổ vào.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 16

Măng Đen - Đà Lạt thứ 2 của Tây Nguyên

Ẩm thực nhiều món lạ mà ngon

Lần thứ 3 lên Kon Tum tôi mới được ăn xôi măng cá theo review của vlogger Khoai Lang Thang. Tên sao thì món ăn vậy: xôi + măng kho + cá nục kho. Dằm thêm quả ớt cay xè nữa, trời lạnh vừa ăn vừa xuýt xoa. Bí quyết món ăn nói đơn giản cũng kì thực đơn giản: chỉ là cá nục kho. Nhưng kho sao cho không tanh, mùi thơm, vị đậm đà, màu bắt mắt thì lại cần đến cái gọi là bí kíp gia truyền.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 17

Một phần xôi măng cá

Quán không biển hiệu không bàn ghế sang chảnh, chỉ là mấy chiếc ghế nhựa con con quây quanh chiếc bàn, vậy mà bán hơn 40 năm trên vỉa hè gần Chợ Kon Tum. Cô bán hàng tay thoăn thoắt, hỏi yêu cầu của khách rồi múc cháo đơm xôi. Vậy mà hút hàng từ người già tới trẻ nhỏ. Ở Kon Tum chỉ có một quán xôi măng cá duy nhất, hỏi người dân dù là chú xe ôm hay lái taxi ai cũng biết.

Món ăn ấn tượng thứ hai của tôi ở Kon Tum là gỏi lá. Món này rất lạ nha, thành phần gồm có 3 thứ chính: mâm lá + nhân cuốn + nước chấm.

Mâm lá đầy đủ và khá nhiều dù cả nhóm đi ăn chỉ dám gọi 1 phần ăn thử cho biết mùi vị. Một số loại lá chỉ có ở vùng đất Tây Nguyên mới có như lá trâm, ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá bứa, từ đại bi… hay các loại lá dễ tìm hơn như chùm ruột, ngũ gia bì, lá sung, lá ổi, lá xoài, đinh lăng, càng cua, tía tô, lá mơ, lá cải… khoảng mấy chục loại lá tất cả.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 18

Nhân cuốn thì có: bì heo, thịt heo, tôm

Nước chấm đặc biệt của riêng món gỏi lá Kon Tum được làm từ gạo nếp cho lên men đem ủ với tôm khô, thịt ba chỉ rồi xay nhuyễn với mẻ, sa tế cùng các gia vị khác.

Để ăn món này bạn chọn các loại rau, mỗi loại 1 vài cọng, cuốn thành cái phễu, rồi gắp nhân vào, cho thêm quả ớt, hột tiêu, muối hột, cuối cùng là chan nước chấm lên trên, há miệng thật to và nhai nhồm nhoàm. Nhớ nhe, đừng có ỏn ẻn mà cắn mấy phát nhỏ nhỏ, há miệng thật to, nhai hết 1 lần nó mới đã.

Cảm nhận của tôi là món này khá lạ miệng do sự kết hợp của nhiều loại lá, đáng để thử. Tôi ghé thăm nhà một người bạn ở Kon Tum được bạn đãi thêm vài món đặc sản địa phương là bún riêu và lòng xào nghệ - cả hai món đều nấu theo cách địa phương rất ngon.

Phải lòng Kon Tum – miền đất cực bắc Tây Nguyên - 19

Bún riêu và lòng xào nghệ

Tạm biệt Kon Tum! Hẹn một ngày không xa sẽ quay lại Kon Tum, đi ra ngoại thành khám phá những bản làng, nhưng vùng đất và món ăn mới.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần

CLIP HOT