Ngôi chùa cổ kính soi bóng trên dòng sông Hương mộng mơ
Chùa Thiên Mụ cổ kính soi bóng trên dòng sông Hương huyền thoại đã đi vào thơ ca từ bao đời nay, có người lữ khách nào lại nỡ bỏ qua nơi này?
Chùa Thiên Mụ là một điểm du lịch nổi tiếng, được nhiều du khách biết đến khi du lịch Huế
Chùa Thiên Mụ nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, hướng ra sông Hương thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo sử sách ghi lại, ở đây đã từng tồn tại một ngôi chùa vào năm 1553. Nhưng phải đến năm 1601 với quyết định của chúa Nguyễn Hoàng, chùa mới chính thức được xây dựng.
Thiên Mụ- nơi có sự tích ra đời gắn liền với bước chân mở đường của vị chúa Nguyễn đầu tiên xứ Đàng Trong.
Truyền thuyết kể rằng, khi Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho kế hoạch mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này.
Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên phía đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Hỏi ra mới biết, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.
Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh“. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn (núi Thiên Mụ).
Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Ông cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ Tự“ (chùa Thiên Mụ).
Cổng chùa Thiên Mụ, ngôi chùa cổ mà du khách nào đến Huế cũng muốn ghé thăm
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm bảy tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện.
Chùa Thiên Mụ được xếp vào hai mươi thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” do đích thân vua Thiệu trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa.
Năm 1844, nhân dịp mừng lễ “bát thọ“ (mừng sinh nhật thứ tám mươi) của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua.
Trước khi dịch bệnh, mỗi ngày đều có rất nhiều du khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài đến tham quan chùa
Trong chùa có tấm bia cổ, được nhiều nhà khoa học quan tâm
Bài văn bia nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp.
Phía trước chùa là dòng sông Hương huyền thoại đã đi vào thơ ca của bao thế hệ. Tại đây có nhiều thuyền du lịch đang sẵn sàng chờ đón bạn, qua dịch sẽ chở bạn đi một vòng sông Hương - núi Ngự, quà tặng vô giá của tạo hóa.
Ở Huế, chẳng có ai cảm thấy xa lạ với tiếng rao thân thuộc “Ai đậu hũ không? Đậu hũ đây” vang vọng trong những con...