10 tuyệt đỉnh lâu đài không thể bỏ qua ở Nhật Bản
Công trình kiến trúc nguy nga từng là nơi ở của các lãnh chúa, nay trở thành điểm du lịch hút khách tại xứ sở Mặt Trời mọc.
Các tòa lâu đài sừng sững không chỉ có ở những vương quốc châu Âu cổ đại mà còn có tại Nhật Bản. Ở đây, các samurai và lãnh chúa cư ngụ, biến chúng thành những công trình mang đậm dấu ấn Á Đông, để lại ấn tượng mạnh mẽ cho hàng thế hệ sau.
Lâu đài Himeji
Himeji là quần thể lâu đài nằm trên đỉnh đồi ở tỉnh Hyōgo, bao gồm 83 tòa nhà và tòa lâu đài chính. Đây là ví dụ nguyên sơ nhất về kiến trúc lâu đài truyền thống của Nhật Bản. Từ bên ngoài, nó mang một màu trắng chói, mang cấu trúc tựa như một con cò đang bay.
Chiến binh samurai Akamatsu Norimura đã xây dựng tòa nhà này vào năm 1333 như một pháo đài, cấu trúc của nó đã thay đổi ít nhiều qua các lần trùng tu, bảo dưỡng suốt hàng thế kỷ qua. Lâu đài đã tồn tại một cách thần kỳ trong Thế chiến thứ hai mà không bị hư tổn mặc cho các khu vực xung quanh bị ném bom không thương tiếc. Giống như nhiều lâu đài trong bài viết này, Himeji là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Lâu đài Matsumoto
Matsumoto là một trong những lâu đài quan trọng của Nhật Bản và được coi là một bảo vật quốc gia. Do bề ngoài có màu đen, nó đôi khi được gọi là 'Lâu đài Quạ'. Lâu đài Matsumoto nằm ở tỉnh Nagano, cách Tokyo một chuyến tàu và là một lâu đài loại hirajiro, tức là lâu đài ở vùng đất bằng, trong khi phần nhiều các lâu đài được xây trên núi đồi để đóng vai trò như một pháo đài quân sự.
Được xây dựng từ cuối thế kỷ 16, lâu đài bao gồm một loạt hào, hệ thống tường thành và cổng thành phức tạp. Lâu đài được xây trong thời kỳ Sengoku, một thời kỳ có nhiều biến động xã hội ở Nhật Bản. Vào cuối những năm 1800, nó đã được bán đấu giá với mục đích tái phát triển. Một hiệu trưởng trường trung học tại đây đã dốc hết sức để cải tạo và tiếp tục gây quỹ để thực hiện công việc.
Lâu đài Nagoya
Tọa lạc ở miền trung Nhật Bản, trong thời kỳ Edo, Nagoya thuộc khu tổ hợp lâu đài quan trọng nhất trong khu vực được gọi là Nagoyaa-juku. Lâu đài ngày nay ta thấy được xây dựng vào đầu thế kỷ 17; tuy nhiên, nguồn gốc của nó thậm chí còn xa hơn thế.
Lâu đài ban đầu được gọi là Yanagi-no-maru, tướng quân Imagawa Ujichika đã xây dựng để tặng cho con trai mình vào 1520. Ngay sau khi hoàn thành, một lãnh chúa đã chiếm giữ lâu đài và đổi tên thành lâu đài Nagoya. Trong Thế chiến thứ hai, lâu đài được sử dụng làm trụ sở quân sự và trở thành trại tù binh. Tòa nhà bị hư hỏng nặng sau các cuộc không kích của quân đội Mỹ.
Lâu đài Osaka
Lâu đài Osaka là một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Cũng như nhiều lâu đài truyền thống của Nhật Bản, Osaka được xây dựng trên một nền đá dày; cao 8 tầng và được bao quanh bởi một con hào. Lâu đài được xây dựng trên địa điểm của một ngôi đền và cung điện hoàng gia trước đây.
Vào cuối những năm 1600, một vụ cháy lớn đã xảy ra do sét đánh trúng kho chứa thuốc súng, mọi thứ bốc cháy sau một vụ nổ lớn. Dù thời gian sử dụng ngắn ngủi, nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất Nhật Bản. Cuối thế kỷ 19, tòa nhà trải qua nhiều lần đại trùng tu rồi rơi vào quên lãng. Về sau, Lâu đài Osaka được dùng làm bối cảnh trong bộ phim Godzilla Raids Again năm 1955 của Tomoyuki Tanaka.
Lâu đài Matsue
Được hoàn thành vào năm 1611, lâu đài Matsue là một trong số ít những lâu đài thời trung cổ còn sót lại mà vẫn giữ nguyên cấu trúc bằng gỗ ban đầu của nó. Lâu đài được xây dựng sau cuộc chiến tranh vĩ đại của Nhật Bản thời phong kiến, vì vậy nó chưa bao giờ chứng kiến khói lửa.
Nó được đặt biệt danh là 'lâu đài chim choi choi' do cấu trúc và màu sắc của nó gợi nhớ đến loài chim này. Đây là một trong những lâu đài cổ nhất ở Nhật Bản và là lâu đài duy nhất còn lại ở vùng Sanin. Trong suốt 234 năm trị vì kéo dài hơn mười thế hệ, Naomasa Matsudaira và các hậu duệ của ông đã cai trị nơi này.
Lâu đài Hirosaki
Gia tộc Tsugaru đã xây dựng lâu đài vào đầu những năm 1600 sau khi huy động đủ tiền của từ các đồng minh quân sự. Dù hoành tráng, nó vẫn bị phá hủy khi một tia sét đánh trúng kho chứa thuốc súng chỉ khoảng 15 năm sau khi xây dựng. 200 năm sau, nó được xây dựng lại.
Ngày nay, công viên xung quanh là một trong những điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng nhất cả nước Nhật. Công viên có 2.600 cây hoa anh đào, được trồng trong khuôn viên từ năm 1903. Lâu đài Hirosaki cũng là nơi diễn ra Lễ hội đèn lồng tuyết của lâu đài Hirosaki hàng năm, thu hút hàng trăm ngàn du khách.
Lâu đài Hikone
Hikone là tòa lâu đài tọa lạc ở tỉnh Shiga. Đây được coi là công trình lịch sử quan trọng nhất trong toàn bộ khu vực và được xây dựng theo lệnh của con trai vị lãnh chúa trị vì vùng.
Trong thời kỳ Minh Trị cuối những năm 1800, nhiều lâu đài nhận lệnh buộc phải phá hủy. Song, lâu đài Hikone đã được tha theo yêu cầu của chính Nhật Hoàng. Nhiều đặc điểm của lâu đài thực sự được coi là tài sản văn hóa của Nhật Bản. Chúng bao gồm tính ổn định với ba tháp pháo khác nhau được kết hợp hài hòa. Ngoài Matsue được nhắc ở đầu bài viết, Hikone cũng là một trong những lâu đài còn nguyên vẹn cấu trúc ban đầu.
Lâu đài Shimabara
Bạn sẽ tìm thấy lâu đài Shimabara ở tỉnh Nagasaki. Đây là một lâu đài loại hirajiro nằm gần Núi Unzen và Vịnh Ariake. Shimabara nổi tiếng với những con hào vây quanh, sâu tới 15 m và rộng 50 m.
Theo dòng lịch sử, Shimabara đã nuôi dưỡng một chế độ áp bức, hành quyết người dân và tăng tô thuế đáng kể để có tiền bảo dưỡng lâu đài. Cuối những năm 1800, một phần của lâu đài đã được biến thành sân trường và phần lớn nó trở thành đất nông nghiệp. Lâu đài hiện là một bảo tàng với các triển lãm về văn hóa địa phương và Cuộc nổi dậy Shimabara trong thời phong kiến.
Lâu đài Shuri
Tòa lâu đài Shuri màu đỏ thẫm rực rỡ nằm ở Okinawa và từng được sử dụng làm cung điện cho Vương quốc Ryūkyū. Lâu đài là một điểm dừng chân quan trọng trong mạng lưới hàng hải Đông Á của Nhật Bản. Có niên đại từ năm 1429, đây là lâu đài lớn nhất trên đảo, dù nó không phải là lâu đài mạnh nhất về mặt quân sự hoặc kinh tế.
Lâu đài có lịch sử hoạt động kinh tế lâu đời và qua nhiều lần đổi chủ. Thời kỳ đầu, nhà Minh đã gửi nhiều gia đình người Hoa đến đây sinh sống với mục đích kinh doanh. Năm 1853, giám đốc điều hành khét tiếng Matthew Perry cũng đã đến thăm nơi đây. Hoa Kỳ đã chiếm đóng khu đất này trong gần 30 năm sau Thế chiến thứ hai.
Lâu đài Okayama
Là một trong nhiều lâu đài nằm ở tỉnh Okayama, tòa lâu đài cùng tên được xây dựng vào năm 1597 sau gần 20 năm xây dựng. Chủ nhân của nó bị bắt chỉ ba năm sau và chết ngay mà không có người thừa kế. Vào thời hoàng kim, mái của ngôi nhà chính bao gồm ngói mạ vàng và những con cá vàng.
Tháp chính của Lâu đài Okayama đã bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai. Trong những năm 1960, lâu đài đã được trùng tu và nội thất của nó hiện có máy lạnh và thậm chí là thang máy. Những con cá vàng đã được trả về đúng chỗ, nơi đây trở thành khu bảo tồn miễn phí vé vào cổng.
Người Nhật Bản luôn quan niệm việc đem theo những tấm bùa Omamori sẽ mang đến sự may mắn và được thần linh che chở....