Tối nay, người Sài Gòn nhớ xem “siêu trăng”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chỉ vài tiếng nữa, khi trời sụp tối, người Sài Gòn và những vùng lân cận có thể thấy hiện tượng “siêu trăng” hay “trăng máu”.

Tối nay, người Sài Gòn nhớ xem “siêu trăng” - 1

Siêu trăng máu tháng 1.2019. Ảnh: NASA

Nguyệt thực toàn phần ngày hôm nay là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất trong năm 2021. Một phần của Việt Nam sẽ quan sát được nguyệt thực toàn phần, trong khi những khu vực còn lại hiện tượng sẽ được quan sát dưới dạng nguyệt thực một phần với tỷ lệ che phủ rất cao.

Đa số các tỉnh miền Trung theo dõi được một phần cuối của pha toàn phần, trong khi hầu hết các tỉnh phía Nam có thể theo dõi trọn vẹn pha toàn phần nếu có góc nhìn đủ rộng để thấy được chân trời phía đông.

Tại TP.HCM, mặt trăng mọc lúc 18h7, tức là trước khi pha toàn phần bắt đầu, và do đó người quan sát tại khu vực này cùng các vùng lân cận có thể theo dõi trọn vẹn pha toàn phần.

Tại khu vực miền Bắc, mặt trăng mọc lên khỏi chân trời vào thời điểm đã kết thúc pha toàn phần. Người quan sát chỉ có thể theo dõi được pha một phần của hiện tượng. Ở Hà Nội, mặt trăng mọc vào lúc 18h29 ngày 26/5. Như vậy, người quan sát có thể theo dõi gần trọn vẹn giai đoạn sau của nguyệt thực một phần từ thời điểm đó cho tới khi nó kết thúc. Vào khoảng trước 19h, pha một phần này vẫn có độ che phủ rất cao và rất đáng chú ý.

Sau đây là lịch trình chi tiết, tính theo giờ Việt Nam, ngày 26/5:

- Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 15h47

- Nguyệt thực một phần bắt đầu: 16h44

- Nguyệt thực toàn phần bắt đầu: 18h11

- Nguyệt thực cực đại: 18h18

- Nguyệt thực toàn phần kết thúc: 18h25

- Nguyệt thực một phần kết thúc: 19h52

- Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 20h49

Năm 2021 mang đến nhiều hứng khởi cho những người yêu thiên văn khi có đến 3 ‘siêu trăng’, 1 ‘trăng máu’ và 1 ‘trăng xanh’.

Năm 2021 có 3 lần diễn ra 'siêu trăng'. Siêu trăng đầu tiên xuất hiện vào ngày 27/4, được đặt tên là "Super Pink Moon" (siêu trăng hồng). Tuy nhiên, Mặt trăng không có màu hồng như tên gọi. Sở dĩ nó được gán màu hồng vì có một loài hoa màu hồng thường nở vào dịp trăng tròn tháng 4.

Một tháng sau, tức là hôm nay, ngày 26/5 sẽ đón lần siêu trăng thứ 2 trong năm và trùng hợp thời điểm diễn ra nguyệt thực toàn phần. Lúc này Mặt trăng sẽ chuyển sang màu cam đỏ trong khoảng 15 phút, được gọi là hiện tượng "trăng máu". Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng "siêu trăng máu" hiếm hoi này.

Siêu trăng cuối cùng trong năm rơi vào ngày 24/6. Lần siêu trăng này cũng không kém phần đặc biệt khi nó diễn ra chỉ sau thời điểm hạ chí 3 ngày. Không những thế, đây còn là lần trăng tròn có vị trí thấp nhất trên bầu trời trong năm nay.

Năm 2021 cũng sẽ đón 1 lần "trăng xanh". Nó thực chất không có màu xanh, mà chỉ là tên gọi cho một hiện tượng hiếm gặp. Thông thường, trăng xanh dùng để chỉ lần trăng tròn thứ 2 trong cùng 1 tháng dương lịch. Tuy nhiên, những người làm nông nghiệp còn định nghĩa trăng xanh theo mùa.

Mỗi mùa trong năm thường có 3 lần trăng tròn, nhưng đôi khi sẽ có 1 mùa có đến 4 lần trăng tròn. Khi này, lần trăng tròn thứ 3 trong mùa cũng sẽ được gọi là trăng xanh. Cả 2 loại trăng xanh kể trên đều diễn ra theo chu kỳ 7 lần/19 năm.

Lần trăng xanh trong năm 2021 là trăng xanh theo mùa, diễn ra vào ngày 228. Đây là trăng tròn thứ 3 trong mùa hè năm 2021 (từ ngày 21-6 đến 22-9).

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.N (tổng hợp)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.