Tối mai, Việt Nam quan sát được hiện tượng 'trăng máu' kỳ thú

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất trong năm 2021 này sẽ diễn ra vào tối ngày 26/5. Một phần của Việt Nam sẽ quan sát được nguyệt thực toàn phần, trong khi những khu vực còn lại hiện tượng sẽ được quan sát dưới dạng nguyệt thực một phần với tỷ lệ che phủ rất cao.

Tối mai, Việt Nam quan sát được hiện tượng 'trăng máu' kỳ thú - 1

Ảnh: VACA

Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi mặt trời , trái đất và mặt trăng nằm thẳng hàng (hoặc gần như thằng hàng) với trái đất nằm giữa.

Vào thời điểm này, mặt trăng đi vào vùng bóng tối phía sau trái đất và chỉ nhận được một phần ánh sáng từ mặt trời so với khi nó không đi vào khu vực này. Vì lý do này, một phần hoặc toàn bộ mặt trăng sẽ tối hơn bình thường và có màu đỏ thấm.

Nguyệt thực là một hiện tượng không quá hiếm (gần như năm nào cũng có ít nhất một lần có nguyệt thực một phần, toàn phần hoặc nửa tối) và rất dễ quan sát, ngay cả khi không có dụng cụ nào hỗ trợ. Mặc dù vậy, đây vẫn luôn là một hiện tượng quang học thú vị và thu hút được sự chú ý của nhiều người.

Theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, riêng với lần nguyệt thực sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 này, nhiều nơi ở Việt Nam sẽ theo dõi được một phần pha toàn phần của nguyệt thực.

Do đó, đây thực sự là hiện tượng đáng chú ý, vì mặc dù nguyệt thực không hiếm, nhưng việc quan sát được pha toàn phần vẫn là một điều khá đặc biệt đối với người yêu thích thiên văn.

Hiện tượng sẽ diễn ra cuối tháng 5 này là nguyệt thực kéo dài tổng cộng hơn 3 giờ tính từ thời điểm bắt đầu cho tới thời điểm kết thúc pha một phần. Nếu tính cả pha nửa tối thì tổng thời gian của hiện tượng lên tới hơn 5 giờ.

Tuy nhiên, vì trong giai đoạn đầu của nguyệt thực tại Việt Nam chúng ta, mặt trăng còn chưa mọc khỏi chân trời. Vì vậy, người quan sát ở Việt Nam chỉ có thể theo dõi được giai đoạn sau của hiện tượng này.

Sau đây là lịch trình chi tiết, tính theo giờ Việt Nam, ngày 26/5:

- Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 15h47

- Nguyệt thực một phần bắt đầu: 16h44

- Nguyệt thực toàn phần bắt đầu: 18h11

- Nguyệt thực cực đại: 18h18

- Nguyệt thực toàn phần kết thúc: 18h25

- Nguyệt thực một phần kết thúc: 19h52

- Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 20h49

Theo anh Sơn, tại khu vực miền Bắc, mặt trăng mọc lên khỏi chân trời vào thời điểm đã kết thúc pha toàn phần. Người quan sát chỉ có thể theo dõi được pha một phần của hiện tượng. Chẳng hạn, ở Hà Nội, mặt trăng mọc vào lúc 18h29 ngày 26/5.

Như vậy, người quan sát có thể theo dõi gần trọn vẹn giai đoạn sau của nguyệt thực một phần từ thời điểm đó cho tới khi nó kết thúc. Vào khoảng trước 19h, pha một phần này vẫn có độ che phủ rất cao và rất đáng chú ý.

Tối mai, Việt Nam quan sát được hiện tượng 'trăng máu' kỳ thú - 2

Học sinh tham quan kính thiên văn tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Ảnh: N.Q

Tại khu vực miền Trung và miền Nam, đa số các tỉnh miền Trung theo dõi được một phần cuối của pha toàn phần, trong khi hầu hết các tỉnh phía Nam sẽ có thể theo dõi trọn vẹn pha toàn phần nếu có góc nhìn đủ rộng để thấy được chân trời phía đông.

Chẳng hạn, tại TP.HCM, mặt trăng mọc lúc 18h7 , tức là trước khi pha toàn phần bắt đầu, và do đó người quan sát tại khu vực này cùng các vùng lân cận có thể theo dõi trọn vẹn pha toàn phần.

Mặc dù ở nhiều khu vực có thể nhìn thấy pha toàn phần, nhưng vào thời điểm đó, mặt trăng ở rất thấp nên sẽ khó quan sát đối với những nơi có tầm nhìn về phía đông bị cản trở. Vị trí quan sát thuận lợi nhất để theo dõi giai đoạn này là những nơi có tầm nhìn rộng về phía đông khu vực không có nhà chắn phía trước, nóc hoặc cửa số các nhà cao tầng, bờ biển , ...

Anh Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết, nguyệt thực hoàn toàn vô hại đối với mắt của bạn, do đó bạn có thể nhìn trực tiếp vào nó. Bạn cũng không cần phải có những dụng cụ chuyên dụng như kính thiên văn hay ống nhòm để quan sát hiện tượng này, mặc dù nếu có thì bạn sẽ có một cái nhìn thú vị hơn khá nhiều.

Về cơ bản, có hai điều cần lưu ý đối với việc quan sát như sau, đó là thời tiết luôn quan trọng. Nếu trời có mưa, giông hoặc mây mù thì bạn không thể quan sát hiện tượng. Do đó, bạn cần một bầu trời ít mây. Nói chung , chỉ cần bạn nhìn thấy mặt trăng và nó tiếp tục không lẫn vào sau một đám mây nào đó thì tức là bạn quan sát được nguyệt thực.

Bạn hãy chọn nơi quan sát sao có thể nhìn bầu trời phía đông với góc nhìn càng rộng càng tốt, tránh bị ánh sáng nhân tạo (đèn đường, đèn của các tòa nhà) chiếu thẳng vào mắt từ phía trên.

Được biết, hiện tượng nguyệt thực một phần khác mà người quan sát ở Việt Nam có thể quan sát được sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, hiện tượng tháng 5 này đáng chú hơn bởi độ che phủ rõ rệt của nó.

Nguyệt thực đỏ hay còn gọi là mặt trăng máu là hiện tượng tự nhiên xảy ra do ánh sáng nảy ra từ bề mặt Mặt trăng bị khúc xạ khi xuyên qua khí quyển trái đất và biến Mặt trăng thành màu đỏ rực. Tuy nhiên, từ trước đến nay nó bị phủ lên mình một tấm màn kỳ bí với nhiều sắc thái mờ ảo bởi các tín ngưỡng khác nhau trên khắp các vùng miền.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Như Ngọc

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.