Sản phẩm OCOP - “Sứ giả” văn hóa, du lịch của TP.HCM
Định hướng của ngành du lịch TP.HCM hiện nay là trở thành điểm đến của những lễ hội. Việc đưa sản phẩm đặc trưng của thành phố (OCOP) vào các sự kiện du lịch giúp tăng mức độ nhận diện và quảng bá cho đặc sản bản địa của thành phố, đồng thời giúp du khách có thêm những trải nghiệm đáng nhớ.
LTS: OCOP - còn được gọi là chương trình Mỗi xã một sản phẩm, được triển khai đầu tiên ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đến nay, đã có hơn 40 nước học và triển khai thành công góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn. Tại TP.HCM có 66 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Hiện thành phố đang chú trọng đưa đặc sản OCOP vào du lịch. phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn sản phẩm OCOP. Du lịch nông thôn là không gian để phát triển, tiêu thụ sản phẩm OCOP, ngược lại, sản phẩm OCOP cũng chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. OCOP tạo nên thương hiệu du lịch sẽ giúp cho cho mỗi vùng nông thôn có nét đặc trưng, thu hút riêng với khách du lịch.Tạp chí Du lịch TP.HCM xin giới thiệu đến quý độc giả loạt 4 bài viết về chủ đề này.
“Tròn mắt” với sản phẩm OCOP TP.HCM
Tham gia Lễ hội Sông nước TP.HCM đầu tháng 8, Andy Nguyễn (Việt kiều Úc) được trải nghiệm nhiều trò chơi và loại hình nghệ thuật dân gian như nhảy sạp, nặn tò he, xem đờn ca tài tử, múa rối nước. Andy thích thú với cảnh “trên bến dưới thuyền” tại khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Không gian bày bán các sản phẩm OCOP tại Lễ hội Sông nước
Không gian “trên bến” chính là các gian hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm OCOP TP.HCM như mật dừa nước Cần Giờ, bột rau má Củ Chi, mật ong kết hợp tinh bột nghệ được trồng tại Bình Chánh, cà phê nông sản kết hợp với các loại trái cây, củ quả tại Hóc Môn… khiến khách thích thú tìm hiểu.
Những ly dừa nước được du khách ưa chuộng
“Tôi được mời uống mật dừa nước, đặc sản của Cần Giờ. Họ còn có bán cả dừa nước thêm topping là cơm dừa, rất ngon và lạ miệng. Họ dùng ly giấy, quai xách làm từ một loại lá cây khô để bảo vệ môi trường”, Andy nói và khoe 3 chai mật dừa nước mua về làm quà tặng.
Bến dừa nước của công ty VIETNIPA
Không chỉ khách nước ngoài, nhiều du khách các tỉnh thành và người dân thành phố cũng bất ngờ khi biết đây là những loại nông sản được trồng, sản xuất và chế biến tại các huyện ngoại thành TP.HCM.
Bà Chu Thị Hiền Linh, du khách từ Đắk Nông, cho hay cà phê Tây Nguyên vốn đã rất nổi tiếng nhưng bà đã “phải lòng” sản phẩm OCOP 4 sao cà phê nông sản Meet More vị dừa, vị khoai môn. “Vị cà phê rất lạ khi được pha thêm các loại nông sản, hỏi ra mới biết dừa, khoai môn đều được trồng tại Hóc Môn”, bà Linh nói.
Du khách thích thú với sản phẩm cà phê vị khoai môn
Đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch là định hướng phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại TP.HCM. Sau Lễ hội Sông nước, các chủ thể sản xuất đã tiếp tục có mặt tại Festival Rừng ngập mặn Cần Giờ để quảng bá, giới thiệu đặc sản địa phương.
“Đây là những dịp quan trọng để chúng tôi quảng bá, khách du lịch rất thích chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Nhờ vậy, thời gian qua, sản phẩm và thương hiệu của chúng tôi được nhiều người biết đến hơn”, anh Phan Minh Tiến, giám đốc Công ty Phát triển Dừa nước Việt Nam VIETNIPA, nói.
Gắn những câu chuyện OCOP vào du lịch
So với các tỉnh thành khác, TP.HCM có lợi thế lớn về việc đưa các sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch. Nửa đầu năm 2023, TP.HCM đón hơn 1,9 triệu khách quốc tế, hơn 16,4 triệu lượt khách nội địa với doanh thu dẫn đầu cả nước, gần 81.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết thêm thành phố đang định vị trở thành một điểm đến của những lễ hội. Từ đầu năm đến nay, các lễ hội, chương trình, sự kiện liên tục được diễn ra vào những ngày lễ lớn, dịp cuối tuần. Giai đoạn cuối năm, sẽ tiếp tục còn nhiều sự kiện du lịch, lễ hội khác. Sở sẽ tăng cường đưa các sản phẩm OCOP mang tính bản địa vào các lễ hội này giới thiệu, quảng bá đến du khách.
Ngoài ra, Sở Du lịch TP.HCM đã đưa các sản phẩm OCOP của thành phố như bột rau má uống liền, mật dừa nước, yến sào, xoài cát Cần Giờ,… giới thiệu với du khách trong và ngoài nước tại sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động đón nhận “Nghệ thuật Xòe Thái” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO trao tặng tại tỉnh Yên Bái.
Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và nhiều khu vực, nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng có nội dung hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, như đưa sản phẩm OCOP vào các điểm du lịch, tour tuyến du lịch và làm quà tặng dành cho du khách. Đây là cơ hội để vừa quảng bá sản phẩm OCOP cho các chủ thể sản xuất vừa hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn tại các huyện nông thôn mới ở TP.HCM.
Với vai trò là đơn vị tìm kiếm, xếp hạng các sản phẩm OCOP trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TP.HCM đánh giá rất cao việc đưa sản phẩm OCOP vào du lịch, bên cạnh các chương trình xúc tiến thương mại của ngành nông nghiệp và công thương.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, TP.HCM hiện có 66 sản phẩm OCOP như bơ đậu phộng, bột rau má, trái cây sấy (huyện Củ Chi), mật dừa nước, khô cá dứa, xoài cát, tổ yến chưng (huyện Cần Giờ), mật ong rừng, rượu sâm đinh lăng (huyện Bình Chánh), cà phê nông sản, mắm tôm chua (huyện Hóc Môn)… Đây đều là sản phẩm mang đặc trưng riêng của TP.HCM, du khách sẽ rất thích trong xu hướng du lịch nông thôn hiện nay. Ngoài quảng bá, bày bán, ông Hiệp cho rằng du khách còn có thể trực tiếp tham quan và trải nghiệm quy trình sản xuất đối với sản phẩm OCOP của thành phố.
“Sản phẩm OCOP không chỉ là sản vật địa phương mà còn chứa đựng văn hóa vùng miền. Vì thế, sản phẩm OCOP không chỉ giúp địa phương phát triển kinh tế về mặt sản xuất kinh doanh mà còn phát triển về du lịch”, ông Hiệp đánh giá.
Theo TS. Phan Thụy Kiều, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, phát triển du lịch sinh thái gắn với OCOP là hướng đi tốt. Hiện huyện Cần Giờ đang chuẩn bị triển khai đề án này. “Trước mắt cần phải cải thiện chất lượng khu du lịch sinh thái theo chuẩn của Tổng cục Du lịch và nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP. Về dài hạn, các tuyến du lịch mới sẽ được hình thành, kết hợp tham gia trải nghiệm sản xuất các sản phẩm OCOP”, bà Kiều cho biết.
TS. Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, cho rằng làm du lịch sinh thái gắn với hoạt động nông nghiệp, việc tuân thủ quy luật mùa vụ là rất quan trọng. Vì vậy, cần thực hiện các khảo sát, nghiên cứu nhu cầu từ các nhóm khách hàng và hoạt động sản xuất bản địa, từ đó, xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm OCOP phù hợp.
Theo chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch Phan Yến Ly, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, là điểm đến thân thiện, năng động của du khách trong và ngoài nước, thành phố có nhiều điều kiện, tiềm năng để xây dựng các sản phẩm du lịch OCOP, kể cả OCOP 5 sao.
Việc quảng bá và khuyến khích sử dụng 66 sản phẩm OCOP của TP.HCM trong các tour du lịch để làm quà đặc sản tặng cho du khách, hay bán các sản phẩm OCOP trong các điểm du lịch đang được quan tâm vì chính các sản phẩm OCOP này sẽ góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa của nơi mà du khách đang tham quan một cách sinh động nhất.
"Hơn nữa, TP.HCM hoàn toàn có thể phát huy thế mạnh về điểm du lịch Ocop tại các huyện đạt nông thôn mới như Hóc Môn với các vườn rau hữu cơ; Củ Chi với mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao, các vườn trái cây xum xuê; Bình Chánh với làng nghề se nhang Lê Minh Xuân, làng nghề trồng mai Bình Lợi;…", bà Phan Yến Ly khẳng định.
Bài 2: ‘Sao’ OCOP khơi dậy tiềm năng vùng ngoại ô TP.HCM
Đến nay, cả nước đã có gần 80 sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng được xác định là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở...