Phát hiện loài thú cổ trong hang động ở Hà Nam
Phát hiện di tích động vật, bao gồm vỏ nhuyễn thể cùng với xương, răng của các loài thú nhỏ. Chúng là nguồn thức ăn quan trọng của cư dân cổ trong quá khứ. Đặc biệt, lần đầu tiên trong di tích khảo cổ học tiền sử đã phát hiện xương của loài Chuột cộc.
Không gian khai quật khảo cổ học tại hang Đội 4.
Từ năm 2021 - 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam đã phối hợp với Viện Khảo cổ học điều tra, điền dã tại vùng núi Kim Bảng, trọng tâm hệ thống núi đá vôi thuộc vùng lõi Tam Chúc. Đối tượng khảo sát ở đây chủ yếu là các loại hình hang động, mái đá và những điểm ngoài trời có tiềm năng.
Kết quả khảo sát đã phát hiện 11 hang động, mái đá có giá trị về khảo cổ thuộc nền văn hóa Hòa Bình; Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 thuộc văn hóa Đông Sơn và các hang động, mái đá, giếng Cacxto rất có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, liên quan đến sự hình thành kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm.
Qua các lớp đào còn phát hiện di tích động vật, bao gồm vỏ nhuyễn thể cùng với xương, răng của các loài thú nhỏ. Chúng là nguồn thức ăn quan trọng của cư dân cổ trong quá khứ. Đặc biệt, lần đầu tiên trong di tích khảo cổ học tiền sử đã phát hiện xương của loài Chuột cộc.
Trong khu vực danh lam thắng cảnh Tam Chúc còn phát hiện hang cổ sinh Lôgi. Về cấu trúc và hiện trạng, hang hoàn toàn khác biệt với các di tích đã được phát hiện chứa vết tích của cư dân tiền sử. Hang có cấu tạo bốn tầng được thông với nhau bằng các khe hoặc ngách nhỏ liên thông.
Kết quả khảo sát cho thấy, xương răng động vật hóa thạch tập trung ở tầng thứ hai. Tầng thứ nhất có mặt của vỏ nhuyễn thể biển. Di cốt động vật tích tụ trên trần hang nhưng mật độ tích tụ không cao. Tuy nhiên, đây là một di tích hang cổ sinh độc đáo và duy nhất phát hiện trong đợt khảo sát cuối năm 2021 đầu năm 2022 tại đây.
Các di tích hang động cổ sinh ở Hà Nam nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung là rất hiếm gặp. Niên đại dự đoán của di tích này có thể trên 40.000 năm cách ngày nay.
Ở lòng hồ Tam Chúc hiện tại không chỉ có di tích Cồn Hến mà đã phát lộ một vài vị trí mộ thuyền với các di vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, bao gồm nhóm hiện vật đồ đá và đồ gốm. Dựa trên đặc trưng chất liệu, hoa văn và phong cách trang trí bước đầu có thể nhận định rằng đồ gốm thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn. Bên cạnh đó, quá trình phân loại nghiên cứu cho thấy một mảnh đồ gốm với cấu trúc xương và chất liệu hoàn toàn khác biệt được phát hiện cũng có thể thuộc về văn hóa Đa Bút.