Những vườn hoa xuyến chi mơ màng đợi người lữ khách
Xuyến chi, giống như tên khai sinh để đi học. Ở nhà, xuyến chi có nhiều tên như đơn buốt, đơn kim, quỷ châm, song nha lông…Dân gian gọi là cúc dại. Có nơi gọi là cứt lợn. Gọi vậy vì xuyên chi là thức ăn của nhà họ Trư. Chỗ nào có phân heo, chỗ có có xuyến chi. Xin đừng nhầm với hoa ngũ sắc, còn gọi là trâm ổi, thơm ổi.
Xuyến chi, tên khoa học là Bidens Pilosa, thân bụi, cao từ 0,3 - 1m. Hoa hình đầu 5 cánh màu trắng; phía trên có tràng hoa hình ống màu vàng, lưỡng tính, như "nhụy vàng" của hoa tự. Quả dạng bế, có 2 móc ngọn, dùng phát tán qua động vật và con người (bám vào vải).
Cánh đồng hoa xuyến chi
Được xem là hoa của đồng quê, xuyên chi có mặt khắp nơi. Nơi nào có đất trống, chỗ đó có xuyến chi. Từ ruộng hoang, rẫy dại, tới bờ mương, bờ kè. Từ bờ đê đến mấy mô đất khô cằn. Xuyến chi giản dị, thầm lặng góp mặt, gần gũi và chân mộc như lũ trẻ quê hồn nhiên giữa đồng ruộng. Gần gũi, bình thường tới mức ít ai để ý.
Mãi tới khi dùng loại mật ong xuyến chi, tôi mới có dịp tìm hiểu thêm về loại cúc dại dân dã này. Xuyến chi không bao giờ mọc riêng lẻ. Luôn rủ nhau từng nhóm và kết đàn lan rộng, quanh năm tươi tốt. Hoa xuyến chi là nguồn nguyên liệu cho những đàn ong cần mẫn chế tác thành loại mật thơm ngọt, loại thực phẩm chức năng bổ dưỡng dâng đời.
Hoa xuyến chi là kết tinh huyền tích tình yêu chung thủy, nồng nàn, bi thương. Dù có vài dị bản nhưng chung biểu tượng thay lời muốn nói là “mãi mãi bên nhau”. Xuyến chi như cô gái chân quê mộc mạc, đằm thắm, càng nhìn lâu càng thấy quyến rũ, toát lên nhiều nét duyên thầm ấn tượng, đầy bất ngờ.
Khác với nhiều loài, xuyến chi có phần ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng và mong manh của những cô gái nông thôn Việt Nam nhưng có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. Ở môi trường nào cũng có thể sinh sôi và phát triển, không cần chăm sóc và bất kể thời tiết. Chỉ khác nhau ở màu xanh và sắc hoa. Hương xuyến chi rất nhẹ, chỉ người tinh tế lắm mới cảm nhận được.
Khác với nhiều loài, xuyến chi có phần ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng và mong manh của những cô gái nông thôn Việt.
Xuyến chi là loại rau thuốc đa dụng, có thể luộc, xào, làm gỏi, nấu canh…tùy thích, với hương vị riêng. Mọc tự nhiên, không ai chăm sóc nên rau xuyến chi không đâu bán. Thích, cứ mang rổ ra vườn mà hái. Rau có vị hăng, trước khi chế biến, nhớ trụng qua nước sôi. Hoa phơi khô, hãm uống là trà giải nhiệt miễn phí.
Cây xuyến chi vị đắng, nhạt, hơi cay và tính mát, có tác dụng thanh nhiệt cơ thể, giải độc, sát trùng các vết thương, chống viêm… Xuyến chi có nhiều hoạt chất kháng độc. Flavoness và polyynes trong xuyến chi có tác dụng kiềm chế khối u ung thư phát triển. Cytopoloyne và polyynes làm giảm các biến chứng tiểu đường.
Cây được dùng điều trị các bệnh như viêm họng, sưng họng phát sốt, viêm ruột, tiêu chảy, kiết lỵ hay các bệnh ngoài da như dị ứng, mày đay, ngứa… Dân gian dùng xuyến chi đắp trực tiếp vào vết côn trùng cắn, rắn cắn để chống viêm. Tinh dầu trong lá cây xuyến chi là hợp chất chống oxy hóa mạnh, có tác kháng khuẩn, kháng nấm.
Du khách chụp ảnh bên cánh đồng hoa xuyến chi.
Tháng 3, đi một vòng Tây Nguyên, tôi ngỡ ngàng khi phát hiện ra xuyến chi là cây diệt cỏ hữu hiệu. Xuyến chi quanh năm tươi tốt, hết lớp này đến lớp khác, mọc thành thảm và không cho loài cỏ dại nào chen chân. Họ bụi, thân xốp nên dễ nhổ bỏ. Chỉ cần phát quang, thân xuyến chi vùi vào đất thành phân bón hữu cơ, quay vòng, khép kín.
Giá trị của xuyến chi chưa được tận dụng, hầu như đang bị quên lãng. Càng ngạc nhiên vì xuyến chi chỉ cấm cửa các loại cỏ dại, không hề xâm hại các cây trồng hữu ích. Ngũ cốc vừa thu hoạch, cỏ chưa kịp mọc, xuyến chi đã trải thảm xanh, bông trắng. Khi cần, xuyến chi lại nhường không gian sống cho cây trồng khác, tự biến mình thành dưỡng chất, làm giàu thêm đất, làm tốt thêm cây.
Tây Nguyên những tháng mùa hè, chỗ nào cũng có những vạt xuyến chi mơ màng đợi khách. Mặc ai bao lâu vô tình, hời hợt; xuyến chi không hề trách cứ; vẫn thủy chung, lạc quan, hồn nhiên khắp chốn quê. Những thảm xanh, rợp bông trắng điệu đàng, thùy mị. Mấy đàn bướm trắng nghịch ngợm ghẹo hoa. Chẳng biết đâu là hoa, đâu là bướm. Hơi tiếc và thoáng buồn vì chưa thấy tour hay nhóm phượt nào tổ chức săn ảnh, check in với hoa xuyến chi.