Lao Chải có gì để thương, để nhớ?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày hôm đó cả Sa Pa ngập tràn sương mù. Người tài xế lái xe đến khách sạn đúng giờ hẹn để đưa chúng tôi đi một vòng cung Tả Van – Lao Chải. Đây không phải lần đầu tiên tôi đến Sa Pa, nhưng là lần đầu tiên đi một vòng cho hết nơi chốn này.

Trong những chuyến đi trước đó, có lần chúng tôi đến Tả Van, chen cùng những thửa ruộng bậc thang để vào nhà của người địa phương, ăn cùng họ một bữa cơm rau và uống rượu mía. Lại có lần chúng tôi đến bãi đá cổ Sa Pa trong mùa lúa chín và thử sức đôi chân của mình để tìm đến Cầu Mây.

Trong tất cả hành trình tôi đã đi, dù điểm đến có xa, có trắc trở thế nào, tôi cũng quyết không bỏ cuộc. Bởi tôi biết rằng những lời hứa hẹn lần sau trở lại trên thực tế không thể nào thực hiện được.

Đến Sa Pa vào bất cứ mùa nào, dù là mùa lúa chín hay chỉ là mùa đổ nước, thì nơi này đều toát lên cái đẹp riêng có của nó. Sa Pa nhỏ thế thôi, nhưng khách du lịch tìm đến đông hơn người bản địa. Những con đường rôm rả dọc ngang, khách sạn mọc lên như nấm sau mưa.

Lao Chải có gì để thương, để nhớ? - 1

Du khách nước ngoài bắt chuyện với người dân địa phương.

Đến Sa Pa, thoát ra khỏi thị tứ là cảm giác như mình đang hòa cùng thung lũng Mường Hoa, hòa cùng những ngôi nhà trình tường, và quen cảnh những người bản địa cứ bám riết theo bạn, dẫu bạn đi thật xa và thật lâu, để cố bán cho bạn những thứ hàng hóa mà đôi khi mua về cũng chẳng biết dùng vào việc gì.

Vùng đất này sở hữu kha khá các buôn làng mang tên Tả Phìn, Tả Vạn, Tả Van hay Lao Chải… Buôn làng của đồng bào đều nằm dưới thung lũng Mường Hoa, nơi có con sông Mường Hoa chảy loanh quanh óng ả trong nắng. Ở những nơi đó mới thấy Sa Pa thật tuyệt vời.

Tôi đã từng phóng xe máy đi Tả Phìn, chen với những con dốc chúi xuống, đi theo những người dân tộc vào nhà này nhà nọ – những ngôi nhà thiếu ánh sáng, ám khói bếp lửa ngay giữa nhà. Nhà họ thường không có khách đến nên chẳng có chỗ để tiếp đãi, mọi người chỉ đứng chào hỏi, trò chuyện xã giao.

Đặc biệt, những ngôi nhà ở đây đều có rượu, như thể nó là một thức uống không thể thiếu của người dân nơi này.

Quay trở lại lần này, tôi gặp một anh tài xế có quê tận Bắc Giang, lấy vợ và lập nghiệp ở Sa Pa đã hơn 10 năm. Thế nên, anh thuộc lòng từng cung đường trong cuộc hành trình.

Tính từ thị trấn Sa Pa, đi đến cuối đường Cầu Mây là con đường đi Tả Van – Lao Chải dài 7 km. Con đường xa thế nhưng du khách nước ngoài họ thích đi bộ, bởi cảnh quan bên dưới thật là huyền ảo. Sương mù nhiều, trạm kiểm soát vé không bán vé, anh tài xế bảo thỉnh thoảng cũng như vậy. Chúng tôi cứ thế đi trên con đường mịt mù sương khói, chỉ thấy le lói bóng hình của những du khách nước ngoài ẩn hiện từ đằng xa.

Lao Chải có gì để thương, để nhớ? - 2

Nhiều du khách nước ngoài đến đây chỉ thích đi bộ ngắm cảnh.

Đến con dốc xuống Tả Van, một con dốc vòng vèo chúc xuống, rất nguy hiểm. Anh tài xế quen cung đường, nhanh chóng đưa xe xuống. Và lạ chưa, dưới thung lũng không có sương mù. Xe dừng lại ngay cầu Tả Van bắc qua sông Mường Hoa, cũng là điểm dừng chân cho khách tham quan.

Tả Van là nơi sinh sống của người Mông, Dao Đỏ và Giáy, vì thế có ngôi làng tên là Tả Van Giáy. Dọc cầu, họ bày biện mọi thứ hàng thêu mời khách mua. Những tấm thổ cẩm, những viên đá, tẩu hút thuốc bày ra ở các gian hàng đã được niêm yết giá thống nhất nên miễn trả giá.

Dòng sông Mường Hoa cạn nước, những chiếc dù làm duyên trên cầu và bóng cây cổ thụ nơi đầu cầu là cảnh quan níu chân khách. Chúng tôi đứng ngắm một hồi và lại lên xe đi trọn một vòng cung Lao Chải.

Lao Chải có gì để thương, để nhớ? - 3

Cầu Tả Van.

Những con đường nhỏ, lắc léo trong thung lũng thấp thoáng bóng dáng các ngôi nhà của người bản địa, làm tài xế phải cho xe dừng lại cho đoàn người đi bộ tham quan. Có vẻ tài xế đã đưa khách qua cung đường này rất nhiều lần, cho nên anh đi chậm, bảo chúng tôi đến mùa hoa thì những cây hoa đào cổ thụ ở đây sẽ nở rực hồng.

Anh còn đưa chúng tôi đến ngắm ngôi nhà có trồng một cây hoa đào già trên 80 tuổi.

Lao Chải có gì để thương, để nhớ? - 4

Cây đào 80 năm tuổi.

Mùa này lúa đã gặt xong nên trên đường chúng tôi qua không thênh thang sắc óng vàng của lúa chín miền rẻo cao, thay vào đó là sắc xanh mạ non phủ khắp các thửa ruộng bậc thang. Chúng tôi dừng chân tại Lá Dao Spa & Coffee House – một nhà vườn với nhiều cây cảnh, những bộ bàn ghế gỗ cho khách ngồi uống cà phê, ngắm bên dưới đồng lúa mênh mông.

Quán được thiết kế đậm chất văn hóa người Mông, có lối đi nhỏ dẫn xuống bên dưới để khách ngắm hồ cá Koi, và có thể đi ra cánh đồng từ đây. Quả thật, nơi này là một điểm dừng chân lý tưởng, không chỉ có cảnh sắc đẹp mà còn cả những món ăn đặc sản người Mông ngon miễn chê.

Xe đưa chúng tôi về, không trở lại đường cũ mà vòng qua một khu dân cư rộn ràng rồi đến một khu chợ nhỏ, thoắt cái đã lên đường lộ. Và xe lại đi trong sương mù. Anh tài xế nói nhỏ với chúng tôi: "Lao Chải chỉ vậy thôi, nhưng những ai đã tới một lần thì đều nhớ mãi."

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khuê Việt Trường

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.