Kỳ lạ những cây bonsai... nhôm đồng tuyệt đẹp ‘hút hồn’ cả khách Tây
Vườn cây bonsai nhôm đồng của anh Hảo có các dáng thế như cây thật nên được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm mua như một món quà lưu niệm chuyến du lịch đến Quảng Bình.
Anh Hoàng Quảng Hảo (44 tuổi, ngụ ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đến với nghề làm cây bonsai bằng dây nhôm từ sự thích thú và say mê loại cây nhỏ nhắn nhưng cứng cáp này.
Từ nhỏ, anh Hảo đã rất siêng trồng các loại cây cảnh nhỏ và cùng bố chăm vườn tược. Mỗi lần đi đây đó mà nhìn thấy các cây bonsai là anh lại mải mê đứng nhìn, không dứt ra được. Dần dà, trong anh hình thành mối liên kết vô hình với các loại bonsai.
“Là một giáo viên dạy toán và tin học ở trường THCS, công việc ở trường thường bận rộn nên dù rất thích trồng cây bonsai nhưng tôi không có thời gian để chăm sóc chúng. Vì vậy, khi thấy người ta làm các cây bonsai bằng những vật liệu có sẵn trong đời sống, tôi thích thú và đeo đuổi, cố làm bằng được. Làm cây này có thể tận dụng thời gian bất cứ lúc nào trong ngày, như trước bữa ăn, khi đang xem truyền hình hoặc khi ngồi trò chuyện trong gia đình…”, anh Hảo bộc bạch.
Anh Hoàng Quảng Hảo bên cạnh những cây bonsai được làm từ dây nhôm.
Cách đây vài năm, những loại dây nhôm, dây đồng phế thải được anh Hảo mua về, dày công mày mò làm thử. Ban đầu cũng hết sức khó khăn vì các loại dây kim khí phế thải thường bị kém đi về độ dẻo, cho nên rất khó uốn ở các chi tiết nhỏ, nơi cần phải gấp khúc nhiều chỗ, đặc biệt là khi tạo hình nên cành, lá quá bé. Hay có khi vì uốn mạnh tay quá dây cũng lại gãy mất.
Rút kinh nghiệm, anh đã tìm được cách thức uốn cho từng loại dây và tùy theo độ lớn bé của dây mà làm loại bonsai nào… Cứ thế, những cây bonsai bằng nhôm, đồng với nhiều màu sắc bắt mắt đã ra đời.
Ban đầu, anh Hảo cũng sợ sẽ không tìm ra đủ nguồn dây nguyên liệu. Nhưng sau đó, anh phát hiện ra một nơi hết sức dồi dào: đó là ở các cửa hàng sửa chữa đồ điện tử và các vựa buôn bán phế liệu.
Tại đây, người ta thường vứt bỏ hoặc dồn lại để bán phế liệu các cuộn điện của quạt, tivi hoặc họ thu mua được các đoạn dây nhôm đường điện bị hỏng. Khi bắt gặp là anh mua lại. Về nhà, anh tỉ mẩn tháo ra, vuốt thẳng rồi uốn tạo cây, xem như một “công cuộc” tập dượt nghề.
Khi đã làm tốt, nghĩa là cây bonsai làm bằng dây nhôm và đồng phế liệu đã thành hình giống như cây thật, anh Hảo mới tìm mua các loại dây nhôm mạ màu đắt tiền để tiếp tục làm thử. Khi đưa mấy cây bonsai làm bằng dây nhôm màu ra cho mọi người nhận xét, ai cũng khen anh khéo tay.
Dáng hình của những chậu cây bonsai dây nhôm của anh Hảo trông như thật.
Khi niềm đam mê đã thực sự chín muồi, anh Hảo quyết định thêm nghề làm cây bonsai nhôm để làm hàng lưu niệm phục vụ du khách và người thích chơi bonsai. Anh Hảo cho biết: “Tôi chủ yếu làm bonsai bằng dây nhôm nhiều hơn, vì dây nhôm hiện nay bán trên thị trường có nhiều màu phong phú hơn, giá thành rẻ hơn và độ bền cũng rất tốt. Một điều nữa là dây nhôm rất nhẹ, khi khách mua còn đỡ được tiền cước phí vận chuyển”.
Làm cây bonsai bằng dây nhôm không khác gì chăm nuôi một cây bonsai thật trồng trong chậu. Nó cũng đòi hỏi ở người làm có đôi tay khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn. Ngoài ra, thẩm mỹ là yếu tố không thể thiếu khi làm mặt hàng này. Đó là phải biết được các thế của bonsai, am hiểu quy luật phát triển của cây bonsai thật để từ đó mà tạo hình dáng cho loại cây bonsai nhôm này.
Học từ những người trồng cây bonsai thật, rồi mày mò làm, đến nay trong “vườn” bonsai nhôm của anh Hảo đã có các dáng và thế cây như thật, như dáng trực, dáng thác đổ, thế mẫu tử, thế phu thê, thế bạt phong hồi đầu… Mỗi thế cây đều mang một ý nghĩa riêng mà anh hướng đến và muốn đưa đến cho du khách.
Bonsai nhôm của anh Hoàng Quảng Hảo được nhiều khách tìm mua. Người gần thì đến nhà lựa chọn, người xa thì đặt mua qua mạng Zalo, Facebook. Mỗi khi tỉnh, huyện tổ chức hội chợ hay các buổi trình diễn hàng Việt, sản phẩm quà du lịch của anh lại đăng ký tham gia. Đến nay, nhiều du khách đã biết đến sản phẩm cây bonsai dây nhôm của anh.
Cây bonsai dây nhôm hiện đã có mặt ở nhiều gia đình, cơ quan trong và ngoài nước. Anh Hảo kể: “Đáng mừng thay, hiện tôi đã có một số đơn hàng ở Nhật Bản và Mỹ. Nhiều đơn vị cũng sẵn sàng hợp tác để tôi cung ứng nguồn hàng cho họ nhằm đưa ra thị trường nhiều hơn nữa. Riêng loại bonsai nhỏ dùng để đặt trên bảng taplo xe ôtô đang rất được du khách Nhật ưa chuộng, sau khi họ mua về nước, đã đặt lên xe và quay lại video gửi cho tôi như một lời cảm ơn”.
Ông Trần Duy Mai, một du khách ở quận Bình Thạnh, TP.HCM sau khi xem những cây bonsai của anh Hảo đã rất thích và đặt mua chuyển về nhà. Ông Mai cho biết: “Thấy nó cũng lạ, lại làm bằng những vật liệu bền vững nên tôi mua về chưng trong nhà cũng vui”. Nhiều du khách từ Hà Nội vào nghỉ dưỡng ở biển Nhật Lệ cũng thích thú tìm mua.
Vì là sản phẩm phục vụ du khách cả tại chỗ và ở xa nên anh Hảo cho biết, khi khách đặt hàng, anh sẽ gửi đi và khách có thể thoải mái kiểm tra hàng, nếu ưng ý mới thanh toán tiền, nếu muốn đổi lại cũng rất dễ dàng. Tại Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn khu vực Bắc Trung bộ năm 2023 diễn ra tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình) vào đầu tháng 7, gần 100 cây bonsai làm từ dây nhôm màu của anh đã được du khách mua. Điều này cho thấy, cây bonsai của anh thu hút vô số khách hàng bởi vẻ độc đáo của nó.
Các chậu bonsai dây nhôm là mặt hàng lưu niệm được nhiều du khách đến Quảng Bình tìm mua.
Về lâu dài, anh Hảo cho biết đang có ý tưởng để phát triển thêm nhiều loại hình đồ lưu niệm khác làm từ dây nhôm để phục vụ khách du lịch, và đưa nghề này ra cộng đồng.
“Ý tưởng tôi nung nấu nhất là mở rộng thị trường, tăng quy mô sản xuất. Sẽ mở các buổi hướng dẫn, dạy nghề cho những ai cần việc làm này. Có thể sau khi họ học xong thì tôi sẽ nhận họ vào làm với mình”, anh Hảo nói.
Cây bonsai dây nhôm của anh Hảo đã trở thành một sản phẩm lưu niệm hút khách du lịch, cho phép anh theo đuổi một giá trị thẩm mỹ và lẽ sống từ các thế và dáng hình mang đậm tính triết lý của nó.