Chàng trai Củ Chi gác bằng đại học, lập HTX nuôi thỏ sạch làm giàu
Gác lại tấm bằng đại học ngành môi trường để chuyên tâm khởi nghiệp với mô hình hợp tác xã nuôi thỏ sạch, anh Nguyễn Mạnh Hùng đã giúp tạo sinh kế cho nhiều thanh niên, nông dân trên địa bàn xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi.
Tạp chí Du lịch TP.HCM đã có buổi trò chuyện cùng anh Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây để tìm hiểu về mô hình chăn nuôi thỏ kết hợp khai thác du lịch vô cùng độc đáo.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây ở huyện Củ Chi, TP.HCM.
Chào anh Mạnh Hùng, cơ duyên nào đã đưa anh đến với ngành chăn nuôi thỏ sạch?
Đầu năm 2019, sau một thời gian đi thực tế để tìm hiểu các mô hình sản xuất chăn nuôi phổ biến trên địa bàn, tôi nhận thấy huyện Củ Chi có các điều kiện thuận lợi để chăn nuôi thỏ. Ngoài diện tích đất nông nghiệp rộng lớn để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, thời tiết ổn định quanh năm, nơi đây còn có lực lượng lao động dồi dào, nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, đặc biệt là có thị trường tiêu thụ rộng lớn (TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ).
Thỏ là giống vật nuôi có sức sinh sản rất nhanh (7-8 lứa/năm, 6-8 con/lứa). Thịt thỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao, ít mỡ, lành tính, thích hợp dùng làm thực phẩm cho cả người lớn tuổi và trẻ em. Tuy có nhiều tiềm năng nhưng thỏ chưa được quan tâm đầu tư như các vật nuôi khác, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán, năng suất thấp dẫn đến đầu ra chưa ổn định, giá cả bấp bênh.
Tháng 6/2019, tôi nhập 10 cặp thỏ giống về nuôi thử nghiệm. Khi thấy đàn thỏ thích nghi và phát triển tốt, tôi quyết định mở rộng quy mô trang trại, hoàn thiện quy trình chăn nuôi theo hướng thỏ sạch để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trang trại thỏ sạch của anh Hùng.
Được thành lập vào năm 2022, HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây hiện đang hoạt động như thế nào và mang lại lợi ích gì cho các thành viên HTX?
Hiện nay, HTX Thỏ Sạch An Nhơn Tây đang hoạt động theo mô hình chăn nuôi liên kết cùng với trên 50 hộ dân ở Củ Chi và một số huyện lân cận. Quy mô tổng đàn hiện nay trên 3.000 thỏ sinh sản và 20.000 thỏ thịt. HTX đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật; cung ứng con giống, vật tư, thức ăn và thuốc thú y cho các trại hội viên; khi thỏ đạt trọng lượng xuất chuồng (2,1kg trở lên) thì HTX sẽ tiến hành thu mua cho bà con với mức giá ổn định.
Khi tham gia liên kết cùng HTX, bà con chăn nuôi yên tâm về đầu ra, chỉ cần tập trung vào sản xuất, cải tiến quy trình chăn nuôi để tăng năng suất và giảm tỉ lệ hao hụt. Đối với HTX, việc liên kết cũng đảm bảo nguồn hàng ổn định về chất lượng và số lượng, có thể đáp ứng các đơn hàng lớn và nhu cầu khách hàng quanh năm. Ngoài ra, HTX còn tổ chức hội thảo chuyên đề, mời chuyên gia thú y về hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi và giải đáp các thắc mắc của bà con. Chúng tôi thường xuyên trao đổi cùng bà con về những định hướng phát triển của HTX, tình hình giá cả, thị trường ngành chăn nuôi thỏ và lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ khi bà con chăn nuôi gặp khó khăn.
HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây đảm bảo đầu ra cho các hộ chăn nuôi thỏ tham gia vào HTX.
Mô hình liên kết mang lại lợi ích cho các bên tham gia, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, là một mô hình sản xuất có tính bền vững. Hiện nay, chúng tôi cũng đã và đang định hướng phát triển theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực tại chỗ, tối ưu quy trình sản xuất và tạo thêm giá trị gia tăng cho chuỗi liên kết. Cây trồng và vật nuôi được lựa chọn, kết hợp để tạo nên chuỗi sản xuất khép kín, phế thải của khâu trước sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho khâu sau. Việc làm này sẽ giúp xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, không phát sinh chất thải; đồng thời còn tạo nên những sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường.
Thịt thỏ không phải là loại thực phẩm phổ biến được tiêu thụ nhiều trong các chợ truyền thống hay siêu thị nên vẫn có nhiều người còn hoài nghi về tính hiệu quả kinh tế của chăn nuôi thỏ. Anh nhận xét thế nào về quan điểm này?
Trước đây, thịt thỏ là loại thực phẩm ít được tiêu thụ trong các chợ truyền thống và siêu thị là do người tiêu dùng chưa quen với việc dùng loại thực phẩm này. Tuy nhiên, hiện nay các kênh truyền thông rất phát triển đã giúp cho các món ăn chế biến từ thịt thỏ được nhiều người tiêu dùng biết đến. Việc tìm mua thịt thỏ cũng dễ hơn, có dịch vụ giao hàng tận nơi, có cả các món chế biến sẵn, mua về dùng được ngay, rất tiện lợi. Vì thế số lượng thịt thỏ tiêu thụ đã tăng lên đáng kể, riêng HTX tiêu thụ trung bình 1.000 – 2.000 con/tháng, có thời điểm tiêu thụ 3.000 – 4.000 con/tháng, mà không đủ hàng cung cấp. Như vậy, có thể khẳng định đầu ra của thịt thỏ rất tiềm năng, điều quan trọng là làm sao để người tiêu dùng tiếp cận và đón nhận loại thực phẩm tươi ngon, giàu dinh dưỡng này.
Nhờ sự phát triển của truyền thông đại chúng, thịt thỏ dần được người tiêu dùng quan tâm và ưa chuộng.
Khi người tiêu dùng xem thịt thỏ như một loại thực phẩm phổ biến như heo, bò, gà; có thể sử dụng hàng ngày trong bữa ăn gia đình hoặc đám tiệc thì sản lượng tiêu thụ sẽ rất lớn. Để tăng hiệu quả trong chăn nuôi thỏ thì người chăn nuôi cũng cần đầu tư bài bản hơn từ con giống, kỹ thuật, điều kiện chuồng trại… Đặc biệt là nắm bắt được xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, an toàn, minh bạch, truy xuất nguồn gốc, thân thiện môi trường… để đáp ứng được nhu cầu thị trường và người tiêu dùng.
Hiện giống thỏ được nuôi chủ yếu của HTX là giống thỏ New Zealand lai (lông trắng, mắt đỏ) và giống thỏ nội địa (thỏ màu). Theo kế hoạch, trong 3 năm tới, HTX sẽ hợp tác cùng các viện chăn nuôi và trường Đại học để nghiên cứu, lai tạo những giống thỏ mới, có chất lượng thịt tốt hơn, tăng trưởng nhanh, ít bệnh tật, tỷ lệ hao hụt thấp.
Hiện tại, HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây đang nuôi chủ yếu giống thỏ New Zealand lai (lông trắng, mắt đỏ) bên cạnh giống thỏ màu nội địa.
Có thể thấy nền kinh tế của đất nước ta ít nhiều vẫn còn chịu tác động của đại dịch COVID-19, khiến sức mua của người dân giảm mạnh ở hầu hết các mặt hàng. Trong suốt thời gian qua, anh đã có những giải pháp nào để giúp ổn định hoạt động của HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây?
Để ổn định sản xuất, HTX đã chủ động liên lạc với các hộ chăn nuôi điều chỉnh quy mô đàn thỏ cho phù hợp với tính hình thị trường. Các hộ chăn nuôi thường xuyên cập nhật và báo cáo sản lượng cho HTX để chủ động thu mua, tìm kiếm đầu ra, tránh tồn đọng hàng. Về phía khách hàng, HTX thường xuyên trao đổi, lắng nghe, chia sẻ khó khăn nhằm giữ sự kết nối, nắm bắt thông tin thị trường để có hướng điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. HTX cũng nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất các sản phẩm chế biến từ thịt thỏ để chủ động xử lý khi sản lượng dư thừa, vừa đa dạng hóa kênh phân phối. Kết quả đạt được là HTX vẫn đảm bảo tiêu thụ 100% sản phẩm đầu ra cho bà con chăn nuôi, ổn định sản xuất, giữ được kênh phân phối. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh như Vũng Tàu, Đà Lạt, Bình Thuận, Đà Nẵng…
Ngoài việc chăn nuôi thỏ, HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây còn cung cấp thêm dịch vụ tham quan trang trại thỏ cho các bé mẫu giáo và tiểu học. Việc kết hợp thêm du lịch vào hoạt động của HTX đã giúp ích như thế nào cho HTX của mình?
Dịch vụ thăm quan và vui chơi miễn phí tại trang trại thỏ cho các bé mẫu giáo và tiểu học được chúng tôi triển khai trong 2 năm qua và hiện nay vẫn tiếp tục duy trì. Khi các bé tới đây sẽ được giới thiệu về quá trình sinh sản, phát triển của thỏ; cho thỏ ăn và tham gia các trò chơi như đua thỏ, vẽ tranh,… Kết quả nhận được khá tích cực, các bé rất vui vẻ khi vui chơi tại trại. Việc kết hợp thêm du lịch vào hoạt động của HTX trước mắt tạo điểm thăm quan trải nghiệm thực tế cho các bé; hoạt động này sẽ giúp lan tỏa hình ảnh của HTX đến với nhiều người hơn, góp phần xây dựng thương hiệu của HTX trong lòng người tiêu dùng, khách hàng mục tiêu. Trong chiến lược phát triển, HTX cũng sẽ kết hợp với các đơn vị đối tác trên địa bàn huyện Củ Chi để hình thành các điểm, tour thăm quan cho khách du lịch có nhu cầu trải nghiệm hoạt động sản xuất tại địa phương.
Các bé thiếu nhi của một trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Củ Chi đến tham quan, trải nghiệm trang trại nuôi thỏ của anh Hùng.
Các bé học cách cho thỏ ăn bằng loại cỏ sữa đặc trưng.
Đa phần các bé đến đây đều cảm thấy vô cùng thích thú. Trong tương lai, HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây sẽ kết hợp với các đơn vị lữ hành để xây dựng tour tuyến trải nghiệm.
Để đưa HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây phát triển hơn nữa trong các năm tiếp theo thì anh đang có những kế hoạch gì?
Chúng tôi sẽ tập trung tiến hành lai tạo, tuyển chọn phát triển nguồn giống thỏ chất lượng cao, đồng nhất; cải tiến quy trình chăn nuôi theo hướng sạch, xanh, loại bỏ hoàn toàn thuốc kháng sinh; chủ động nguồn thức ăn cho thỏ, dùng nguyên liệu tại chỗ; nâng cao chất lượng thịt thỏ và phát triển sản phẩm đặc thù của HTX (Thỏ thảo dược).
Bên cạnh đó, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ để thử nghiệm chế biến các sản phẩm từ thịt thỏ nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Áp dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất từ chăn nuôi, chế biến và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng, một cách minh bạch, trực quan, có thể truy xuất nguồn gốc, để khẳng định về chất lượng sản phẩm. Cuối cùng, liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn kết hợp du lịch trải nghiệm, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất.
Chân thành cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!
HỢP TÁC XÃ THỎ SẠCH AN NHƠN TÂY Địa chỉ: Số 11, đường 762, ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM Điện thoại: 0938.923.279 (gặp anh Hùng) |