Kiến trúc sư Việt ứng dụng công nghệ, vật liệu tre ‘xanh’ hóa công trình cao cấp

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sớm hoà vào dòng dịch chuyển xanh toàn cầu với tinh thần học hỏi, tư duy sáng tạo, các kiến trúc sư Việt đã cho thấy những cách thức mới trong phát triển “xây dựng xanh”.

Bền vững cùng công nghệ cao

“Xây dựng xanh” là một khái niệm toàn diện, liên quan đến việc tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải và ứng dụng các phương pháp khoa học tiên tiến, nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Hiện nay, các quốc gia phát triển đã sớm ứng dụng công nghệ từ khâu ý tưởng, thiết kế để tối ưu phát sinh chi phí, tối ưu tính đồng nhất từ bản vẽ ra thi công.

Tuy chậm, Việt Nam đã bắt đầu có những công trình kiến trúc mang hàm lượng giá trị công nghệ cao. Đại diện tiêu biểu của nhóm tiên phong trong mảng này có thể kể đến công ty XMArchitect do KTS Nguyễn Xuân Mẫn sáng lập. KTS Nguyễn Xuân Mẫn từng học cử nhân tại trường New Castle, thạc sĩ tại trường kiến trúc Bartlett trực thuộc University College London (Anh Quốc) và có thời gian làm việc tại văn phòng kiến trúc Zaha Hadid Architect. Những kiến thức và kinh nghiệm này đã đúc kết trong anh nền tảng thiết kế sáng tạo và bền vững dựa trên những ứng dụng công nghệ cao. Định hướng này được áp dụng tại XMArchitect khi anh về nước, giúp họ mạnh dạn đưa ra những kiến trúc độc đáo, bền vững thông qua việc chủ động phân tích, tính toán để tối ưu tính thẩm mỹ từ bàn vẽ ra hiện thực, tối thiểu sai lệch khi thi công, và tối thiểu tác dộng với môi trường.

Kiến trúc sư Việt ứng dụng công nghệ, vật liệu tre ‘xanh’ hóa công trình cao cấp - 1

Dự án Bảo tàng Kiên Giang lấy cảm hứng từ mô trường tự nhiên của địa phương, được thiết kế theo phong cách Deconstructivist "Giải Tỏa Kết Cấu". Ứng dụng công nghệ cho pháp giả lập và tính toán thiết kế để toàn bộ hệ kết cấu bê tông nghiêng 15 độ, tất cả các kích thước là bội số của 9, và ngoại trừ phần thang máy thì tất cả các góc tường đều không phải là góc vuông. Dự án hiện đã hoàn thành thi công thô, đang bước sang giai đoạn hoàn thiện.

Kiến trúc sư Việt ứng dụng công nghệ, vật liệu tre ‘xanh’ hóa công trình cao cấp - 2Metaway Holding Office ứng dụng các công cụ thiết kế cùng chế tác kỹ thuật số hiện đại tạo ra không gian đậm chất công nghệ tương lai, với các vật liệu, kết cấu bền vững

Chia sẻ về các ứng dụng công nghệ cao hiện công ty đang ứng dụng, KTS Nguyễn Xuân Mẫn cho biết: “XMArchitect hiện tại ứng dụng công nghệ AI vào giai đoạn concept, tiền concept để dễ gom lại gout khách hàng vào loại công trình này, mở rộng dải phong cách thiết kế. Từ đó, giúp khách hàng chọn được cái tiệm cận gần đúng với họ nhâts. Sau đó, Parametric design liên quan đến thiết kế và phát triển thiết kế. Nó cho phép tạo ra hệ thống để trực quan, thử nghiệm các thay đổi nhanh hơn. Ví dụ, các mặt đứng như ngày xưa muốn thay đổi chiều cao tầng thì phải dịch tay thủ công trên mô hình thiết kế. Bây giờ, chỉ cần nhập tham số thì mọi thứ sẽ thay đổi.

Sau đó, tạo ra nhiều biến thể thì có thể tối ưu tốt hơn, tiết kiệm thời gian. Thứ 3, là BIM - mô hình thông tin kiến trúc là xu hướng chung của ngành nghề xây dựng thì giúp mình giảm thiểu vấn đề liên quan đến sai lệch trong bản vẽ thiết kế triển khai. Từ đó, tính toán khối lượng vật liệu đúng, tính toán loại vật liệu đúng, và mô hình 3D giúp việc thi công tối ưu hơn so với 2D.”

Kiến trúc sư Việt ứng dụng công nghệ, vật liệu tre ‘xanh’ hóa công trình cao cấp - 3

“Waste into Art 2021: Plastic into Creative - Biến rác thải nhựa thành sáng tạo” được triển khai và có sự phối hợp của UNESCO, đồng hành cùng Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Đại sứ quán Italia tại Việt Nam và Văn phòng XMA. Thiết kế tái chế tạo một lăng kính mới để nâng cao ý thức về phân loại - tái tạo để kéo dài vòng đời phục vụ đời sống mà ít ảnh hưởng môi trường.

Kiến trúc sư Việt ứng dụng công nghệ, vật liệu tre ‘xanh’ hóa công trình cao cấp - 4

Đơn vị hiện cũng đang tiên phong trong thiết kế Metaverse tại Việt Nam. Phía trên là hình ảnh thiết kế của Metacity do XMArchitect kết hợp cùng VietCG St. Với mong muốn đi trước để khai phá tiềm năng công nghệ phục vụ cuộc sống con người, Metacity là một vũ trụ ảo dưới dạng thành phố 3D, cho phép sức sáng tạo phát huy mạnh mẽ, để kiến trúc sư có thể thông qua thế giới giả lập dựa trên không gian Metaverse để mang đến ý tưởng cải tạo nâng cấp thành phố thật hiệu quả, đột phá hơn.

Tre làng “xanh” hoá công trình cao cấp

Bàn về vật liệu bền vững trong chủ đề “xây dựng xanh”, chúng ta phải kể đến tre - loại “thép” xanh đầy tính biểu tượng của dân tộc. Tre có độ bền cao với tính chất cơ học cao gấp 2 - 3 lần, khả năng hấp thụ CO2 gấp 4 lần so với gỗ thông thường. Mỗi năm, một héc-ta tre có thể hấp thụ 12 tấn CO2. Tỷ lệ chịu lực kéo theo trọng lượng cụ thể của tre gấp 6 lần so với thép. Tre trong những năm gần đây không chỉ rời làng làm cột chống, dầm, sàn, ván ép, hàng thủ công mỹ nghệ mà đã cùng những KTS gạo cội như Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào cho đến thế hệ tiếp nối như KTS Trần Bá Tiệp bước vào không gian kiến trúc xanh cao cấp, quyến rũ và đẳng cấp.

Kiến trúc sư Việt ứng dụng công nghệ, vật liệu tre ‘xanh’ hóa công trình cao cấp - 5

Công trình Huyền thoại tre - Bamboo Legend trong quần thể du lịch Phú Quốc United Center vừa thắng giải thưởng IAA năm 2024 của KTS Võ Trọng Nghĩa. Là biểu tượng văn hoá - nghệ thuật, công trình cho thấy tầm vóc kiến trúc tre khi toàn bộ kết cấu không sử dụng đinh, ốc vít hay sắt thép để liên kết các thân tre với nhau mà bằng chốt gỗ xuyên qua thân.

KTS Trần Bá Tiệp - một chuyên gia khác về vật liệu tre với nhiều công trình tre nổi bật trong và ngoài nước, nhận xét ưu điểm của tre Việt Nam so với khu vực: “Tre nước ta, đặc biệt tre rắn ở miền Nam là tre đặc hoặc tre sắt, có đặc tính cơ học nổi trội cho phép uốn cong không nứt, dễ tạo hình, chịu lực cao mà các nước khác không có. Hiện nay, tôi ứng dụng công nghệ xử lý gỗ tiên tiến kết hợp với việc hun khói để chống mối mọt, tăng độ bền, khả năng uốn của tre. Đồng thời, chúng tôi cũng liên tục thử nghiệm các công nghệ mới, kết cấu mới để chứng minh khả năng vượt được nhịp lớn của kết cấu tre, không hề thua kém sắt thép dù kỹ thuật xây dựng đơn giản, tác động tích cực hơn với môi trường”.

Kiến trúc sư Việt ứng dụng công nghệ, vật liệu tre ‘xanh’ hóa công trình cao cấp - 6

Đội ngũ Bambubuild thi công nhà hàng tre Serena Kim Bôi (Nguồn: Hoang Le Photography)

Kiến trúc sư Việt ứng dụng công nghệ, vật liệu tre ‘xanh’ hóa công trình cao cấp - 7

Nhà hàng Keeng với công trình sảnh tre mô phỏng dáng thuyền hoàn thành năm 2023. Kết cấu mái ứng dụng bề mặt hypars với hàng ngàn thanh tre được nối, lồng vào nhau, cho phép phần mái nhô ra có thể đạt tới độ cao 4 mét ở phần mái đầu hồi trong dáng hình cong đẹp mắt. Nguồn: Hyroyuki Oki - BambuBuild

Gần đây, KTS. Trần Bá Tiệp vẽ nên những cánh diều, cánh chim vút bay trong không gian triển lãm VIBE 2024, truyền cảm hứng với nhiều thế hệ nhà thiết kế trẻ, các bạn sinh viên.

Kiến trúc sư Việt ứng dụng công nghệ, vật liệu tre ‘xanh’ hóa công trình cao cấp - 8

Công trình VIBE 2024

Dẫu hành trình “xanh hóa” toàn ngành xây dựng toàn diện đòi hỏi nhiều hơn việc ứng dụng công nghệ cao hay vật liệu tái chế, những bước chân hăng hái trong việc nghiên cứu, thử nghiệm, thực hành trong từng mảng chuyên môn hứa hẹn tạo ra các cột trụ vững chãi, tăng khả năng đạt được mục tiêu netzero như dự kiến, mang lại tác động tích cực cho xã hội

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Uyên Bùi

CLIP HOT