Việt Nam có trên 90% doanh nghiệp đang hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ với các hoạt động nhỏ lẻ, tính liên kết thấp, đây sẽ là trở ngại lớn cho quá trình xác định dấu chân carbon, nguồn phát thải và kiểm kê khí nhà kính.
LTS: Theo đánh giá của tạp chí khoa học Nature Climate Change, lượng khí thải carbon trong du lịch dự báo có thể đạt 6,5 tỷ tấn vào năm 2025 và chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính toàn cầu hiện nay. Du lịch Net Zero giờ đây không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành một chiến lược cấp thiết để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc giảm thiểu lượng khí thải nhà kính từ các hoạt động du lịch không chỉ góp phần vào mục tiêu chung của toàn cầu mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Tạp chí Du lịch TP.HCM giới thiệu loạt bài viết “Hành trình đến Net Zero”, gồm 2 bài:
Bài 1: Du lịch Net Zero: Những thách thức và khuyến nghị
Bài 2: Du lịch Net Zero: Mỗi hành động nhỏ đều có thể tạo ra sự khác biệt lớn
-----------------------------------
Trong nhiều năm gần đây, tính nguy cấp của thực trạng Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn ở phạm vi toàn cầu đòi hỏi phải chuyển đổi kinh tế xã hội thế giới một cách sâu sắc và có trách nhiệm nhất.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan, sự khan hiếm và cạn kiệt tài nguyên cùng với chất lượng môi trường sống suy thoái nghiêm trọng đang thúc giục con người phải đưa ra các giải pháp cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức thấp nhất có thể và bù đắp lượng khí thải còn lại bằng cách loại bỏ hoặc bù trừ chúng khỏi khí quyển nhằm cân bằng lại các vòng tuần hoàn trong hệ sinh thái phát triển chung.
Ảnh: NASA
Sự thay đổi cả nền kinh tế bao hàm rất nhiều ngành nghề và hoạt động sản xuất kinh doanh, Du lịch và lữ hành giống như nhiều lĩnh vực khác, cũng là một nguồn phát thải khí nhà kính lớn. Do đó, điều tối quan trọng là phải khử carbon cho lĩnh vực này càng nhanh càng tốt và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, ngành du lịch thế giới và trong nước phải đối diện với nhiều thách thức khó lòng được giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn và không thể chỉ là trách nhiệm được gói gọn trong một nhóm các tổ chức hay những cá thể được chỉ định.
Lộ trình khử carbon ngành du lịch
Quan điểm về ngành du lịch để có thể quản trị chiến lược thông qua các chính sách và thể chế nên được nhìn nhận ở góc độ chuỗi giá trị và cụm ngành (Hình 1) trong đó, sản phẩm du lịch được định nghĩa bao gồm những hoạt động xoay quanh các hành vi của du khách như ăn uống, lưu trú, đi lại, tham quan, học tập, mua sắm,… Như vậy để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đòi hỏi sự phối hợp và tính đồng đều về chất lượng sản phẩm dịch vụ của nhiều hoạt động cụm ngành khác nhau , trong đó, bao gồm cả một số sản phẩm dịch vụ đôi khi được xem như không thuộc ngành du lịch.
Việc trung hòa phát thải trong Du lịch lữ hành cũng cần được thực hiện trên chuỗi giá trị tương tự như khi quản trị ngành vì việc cắt giảm phát thải thành công ở một công đoạn nào đó có thể được quyết định bởi một công đoạn khác hoặc nếu cắt giảm phát thải ở công đoạn này mà lại gây ra tăng phát thải ở một công đoạn khác trên chuỗi giá trị thì việc cắt giảm phát thải chung của cả nền kinh tế sẽ bị thất bại.
Hình 1: Chuỗi giá trị ngành du lịch chịu tác động bởi các cụm ngành khác. Nguồn: Tác giả phác họa dựa trên gợi ý của GIZ, The tourism value chain (2020)
Việc trung hòa phát thải khí nhà kính phải được nhìn nhận trên 3 phạm vi. Phạm vi 1 là phát thải trực tiếp gồm những phát thải xảy ra từ các nguồn do các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong ngành du lịch sở hữu hoặc kiểm soát. Phạm vi 2 là phát thải gián tiếp phát sinh từ “việc tạo ra điện, hơi nước, nhiệt hoặc làm mát thu được và tiêu thụ”, xuất phát từ hoạt động của công ty du lịch nhưng được thải ra tại một địa điểm do một công ty khác sở hữu hoặc kiểm soát. Phạm vi 3 là các phát thải gián tiếp khác bao gồm những phát thải liên quan đến các hoạt động của công ty không nằm trong phạm vi 1 hoặc 2, chẳng hạn như việc đi lại của nhân viên; khai thác, chế biến nguyên liệu thô và vận chuyển chúng đến công ty; vận chuyển sản phẩm của công ty đến các trung tâm phân phối, nhà bán lẻ và khách hàng; và thải bỏ sản phẩm.
Ảnh: Shutterstock
Trong trường hợp của một khu du lịch ẩm thực, các phát thải xuất phát từ hoạt động tạo ra và vận hành các sản phẩm vui chơi ăn uống cho du khách ngay tại điểm tổ chức sẽ thuộc phạm vi 1, nhưng phát thải được tạo ra từ việc sản xuất điện nước cung cấp cho khu du lịch để phục vụ cho các nhân viên và du khách trong các hoạt động khác nhau sẽ thuộc phạm vi 2 được tính toán đo lường tại nguồn phát điện hoặc xử lý nước. Trong khi đó, các phát thải từ việc sản xuất ra các nguyên liệu để tạo ra các món ăn cung cấp cho các hoạt động ẩm thực tại khu du lịch hoặc phát thải trong quá trình xử lý các chất thải đầu ra của khu du lịch sẽ được tính vào phạm vi 3. Như vậy, việc trung hòa phát thải cho hoạt động của khu du lịch ẩm thực phải được kiểm soát và chuyển đổi trên cả 3 phạm vi chứ không chỉ tập trung vào hoạt động chính của tổ chức.
Khử carbon trên một chuỗi giá trị ngành chịu tác động bởi các cụm ngành và được kiểm soát trên 3 phạm vi là một điều không hề dễ dàng. Theo đề xuất của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới, tiến độ khử carbon có thể được ưu tiên thực hiện để đạt được các mục tiêu theo tiến độ khác nhau như hình 2:
Hình 2: Lộ trình khử carbon đề xuất cho ngành du lịch theo tiến độ thực hiện. Nguồn: World Travel and Tourism Council, 2021
Đối với các mục tiêu dễ làm như việc khử carbon tại các tổ chức hoặc hoạt động ít chịu ảnh hưởng theo chuỗi giá trị và chủ yếu tập trung ở phạm vi 1 và 2 sẽ kỳ vọng đạt được trung hòa phát thải vào năm 2030, cụ thể nhóm các đại lý du lịch trực tiếp và trực tuyến được cho là thuộc nhóm này. Đối với các mục tiêu khó làm hơn do có sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các công đoạn khác nhau trên chuỗi giá trị và bao hàm cả 3 phạm vi phát thải như hoạt động lưu trú, ăn uống thì mục tiêu trung hòa phát thải được kỳ vọng đạt được vào năm 2040.
Các hoạt động vận tải trong du lịch như du thuyền hay ngành hàng không được xem là ví dụ điển hình cho mục tiêu khó giảm thiểu. Ảnh: Shutterstock
Lộ trình khử carbon cũng được đề nghị thực hiện thông qua bốn bước lớn (Hình 3). Bước đầu tiên sẽ là việc kiểm kê khí nhà kính của các tổ chức, hoạt động trong chuỗi giá trị ngành du lịch. Bước 2 đòi hỏi sự tham gia sâu của lãnh đạo quốc gia và các ngành, các tổ chức liên quan để có sự ủng hộ về các nguồn lực. Ở bước thứ 3, quá trình giảm thiểu carbon cần được đẩy mạnh thông qua việc áp dụng các công nghệ kết hợp với thay đổi mô thức vận hành chuỗi giá trị ngành du lịch giúp giảm thiểu phát thải và loại bỏ được carbon khỏi khí quyển. Bên cạnh đó, các dự án bù đắp carbon cũng cần được đẩy mạnh triển khai để đóng góp vào quá trình trung hòa. Ở bước 4, quá trình giám sát và báo cáo phải được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả để tạo động cơ tuân thủ và đảm bảo các đối tượng trong nền kinh tế hiểu đúng, hiểu đủ và vẫn đang phối hợp tốt với nhau.
Hình 3: Bốn bước trong lộ trình khử carbon cho ngành du lịch. Nguồn: World Travel and Tourism Council, 2021
Để làm được điều đó, tất cả các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế đều phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đối với ngành du lịch, không chỉ gói gọn trong các hoạt động hay các tổ chức trực tiếp làm du lịch theo quan điểm truyền thống mà còn phải có sự hỗ trợ hợp tác liên ngành, xuyên ngành theo chiều ngang trên chuỗi giá trị và theo chiều dọc khi kết hợp với các cụm ngành khác. Sự hợp tác của các bên liên quan dù nhằm đạt được các mục tiêu riêng đa dạng nhưng phải cùng nhìn về một mục tiêu chung là trung hòa phát thải cho ngành du lịch nói riêng, và nền kinh tế nói chung.
Ảnh: Shutterstock
Thách thức của ngành du lịch Việt Nam
Việt Nam có trên 90% doanh nghiệp đang hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ với các hoạt động nhỏ lẻ, tính liên kết thấp, đây sẽ là trở ngại lớn cho quá trình xác định dấu chân carbon, nguồn phát thải và kiểm kê khí nhà kính.
Trong khi đó, các nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế, khoảng 50% dữ liệu quan trọng đang nằm trong tay các tổ chức tư nhân có hoạt động kinh doanh đặc thù tạo được dữ liệu, tuy nhiên các dữ liệu này khó có thể được tập trung để chia sẻ công khai. Việc thiếu thốn dữ liệu sẽ hạn chế khả năng nhận thức được các bối cảnh và tăng tính liên kết, phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.
Hội An nỗ lực để trở thành trung tâm du lịch xanh của cả nước. Ảnh: Shutterstock
Không riêng gì Du lịch và Lữ hành, hiện nay, các ngành kinh tế tại Việt Nam chủ yếu đang được khu vực công quản lý theo ngành chứ chưa theo chuỗi giá trị và cụm ngành gây khó khăn cho việc xác định và đánh giá phát thải theo 3 phạm vi. Trong khi đó, ở khu vực tư nhân, tư duy và triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa kịp chuyển đổi.
Trong một nền kinh tế theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, không phải một doanh nghiệp có khả năng sản xuất sản phẩm dịch vụ số lượng lớn, chất lượng cao với chi phí thấp sẽ nắm được ưu thế trên thị trường mà phải là doanh nghiệp có năng suất cao trong điều kiện phát thải thấp mới nhận được sự ủng hộ của nền kinh tế.
Du khách đi xuống ba lá dọc những rừng dừa xanh mướt ở Bến Tre. Ảnh: Shutterstock
Tuy nhiên, việc cân bằng giữa thách thức duy trì và chuyển đổi của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một rào cản lớn. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp vẫn phải duy trì các mô thức vận hành và những công nghệ cũ để tiếp tục sản xuất, cung ứng sản phẩm nhằm có doanh thu và đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Trong khi đó, áp lực phải chuyển đổi để đạt được mục tiêu không phát thải lại buộc họ phải thay đổi ngay trong ngắn và trung hạn trong khi dòng tiền chảy vào từ doanh thu cho hoạt động này lại khó xác định. Hiện nay, một số doanh nghiệp có xây dựng bộ phận hoặc dự án hướng đến phát triển bền vững nhưng vẫn rất hạn chế và khó tích hợp được câu chuyện giảm phát thải vào các hoạt động một cách hiệu quả.
Từ bước thứ 2 trong lộ trình khử carbon trên chuỗi giá trị ngành du lịch đòi hỏi phải có sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Tuy nhiên, do hệ sinh thái doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với ngành du lịch, đa phần đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thiếu những vị “nhạc trưởng” đóng vai trò dẫn dắt cuộc chơi, điều này không chỉ làm giảm tính phối hợp mà còn gây khó khăn trong việc cân bằng lợi ích giữa các mắc xích và đối tượng trên chuỗi giá trị.
Qua một thời gian dài xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các sáng kiến hướng đến mục tiêu phát triển bền vững còn khá hạn chế và chỉ dừng lại ở việc cải thiện vấn đề cá nhân hoặc ở một công đoạn, không bao phủ được tất cả dấu chân carbon. Điều này khiến các công nghệ trong nước khó bắt kịp các công nghệ mới liên tục ra đời trên thế giới.
Thách thức ở TP.HCM
Hồ Chí Minh là thành phố lớn với sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có quy mô và thương hiệu mang tính cạnh tranh cao. Đây có thể xem là một lợi thế hiếm hoi so với cả nước, tuy nhiên, sự chênh lệch trong hoạt động và năng lực của các đối tượng trong ngành du lịch cũng có thể sẽ gây rào cản cho quá trình phối hợp.
Qua một thời gian dài công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, Thành phố đang rơi vào giai đoạn bão hòa khi các nguồn lực dần toàn dụng, quỹ đất sạch không còn nhiều, chi phí sản xuất kinh doanh đắt đỏ, các nguồn lực về tài chính, con người và công nghệ đều đang khó bắt kịp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, giai đoạn nền kinh tế cần phát triển theo chiều sâu.
Khu Du lịch Vàm Sát, Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Hải An
Quá trình phát triển quá nóng của thị trường bất động sản và các sản phẩm dịch vụ đang khiến cơ sở hạ tầng và quy hoạch thành phố bị “phình to”, chưa tương thích với nhu cầu kinh tế thực, điều này gây ra nhiều hạn chế cho quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Thành phố vẫn phải giải quyết bài toán duy trì sinh kế cho người dân, đặc biệt là nhóm lao động nhập cư trong khi phải dịch chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức.
Cuối cùng, mặc dù có một số ưu thế trong việc huy động nguồn lực về tài chính và công nghệ từ các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư và khu vực tư nhân vốn đang phát triển rất mạnh ở thành phố, TP.HCM được đánh giá là vẫn chưa thể khai thác hết được lợi thế này cho các hoạt động báo cáo và giám sát quá trình khử carbon.
Một số khuyến nghị cho ngành du lịch Việt Nam và TP.HCM
Trong bối cảnh đầy thách thức như đã phân tích, việc chuyển đổi và xây dựng Du lịch không phát thải cần được ưu tiên thực hiện các hoạt động, các tổ chức, các lĩnh vực có tính khẩn cấp và có tính khả thi cao hơn. Tính khẩn cấp được xác định dựa vào bối cảnh nhu cầu thị trường du lịch và yêu cầu của các thể chế trong và ngoài nước. Tính khả thi có thể thực hiện theo đề xuất về ba nhóm mục tiêu như khuyến nghị của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới đã trình bày bên trên.
Để đảm bảo cân đối giữa thách thức duy trì trong ngắn hạn và thách thức chuyển đổi trong trung dài hạn, cả khu vực công và các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân đều phải thành lập các nhóm bền vững chuyên trách để tập trung vào vấn đề trung hòa carbon nhưng đảm bảo quá trình vận hành chính vẫn đang tiếp diễn để đem lại doanh thu.
Tuy nhiên, để các tổ chức có thể tích hợp dần câu chuyện khử carbon vào tất cả các hoạt động kinh doanh hiện hữu, việc thiết kế các công cụ đánh giá tác động và các phân tích chuỗi cung ứng lãi & lỗ môi trường là cần thiết để có thể giúp hiểu rõ hơn về các tác động kinh doanh hiện tại và phạm vi hành động khí hậu cần thiết như một điểm khởi đầu.
Với 1 đô thị lớn như TP.HCM, việc xây dựng nền tảng về dữ liệu hay thông tin sẽ đóng vai trò thúc đẩy thị trường giảm phát thải định hình trong đó có ngành du lịch. Ảnh: Văn Trung
Các tổ chức, doanh nghiệp du lịch trong nước trong quá trình thực hiện các dự án chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng giảm phát thải có thể huy động nguồn lực tài chính quốc tế thông qua tạo tín chỉ bù đắp carbon. Các sản phẩm du lịch và lữ hành không phát thải có thể là hoạt động tạo doanh thu chính, nhưng tín chỉ carbon cũng sẽ là sản phẩm đem lại doanh thu bổ sung.
Khi thiết kế các chính sách, quy định liên quan đến trung hòa phát thải, việc tăng cam kết của các đối tượng trong nền kinh tế đối với nhiệm vụ chuyển đổi cần được thực hiện thông qua tạo cơ chế động lực đến từ thị trường và khen thưởng – chế tài từ các chính sách chính phủ.
Riêng đối với các đô thị lớn như TP.HCM, việc xây dựng nền tảng về dữ liệu hay thông tin sẽ đóng vai trò thúc đẩy thị trường giảm phát thải định hình trong đó có ngành du lịch. Bên cạnh đó, TP.HCM là một trong những địa phương có quy mô kinh tế lớn với sự hình thành rõ nét các cụm ngành hỗ trợ cho các sản phẩm dịch vụ du lịch như logistics, tài chính ngân hàng,…việc quản trị Du lịch & Lữ hành nên được thực hiện theo cách tiếp cận chuỗi giá trị và cụm ngành.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần kết nối với các địa phương trong vùng TP.HCM, Đông và Tây Nam Bộ để mở rộng phạm vi nền kinh tế, khai thác các nguồn lực mới trong bối cảnh bão hòa và viết nên câu chuyện du lịch đặc sắc về kinh tế môi trường.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính đến kinh tế tuần hoàn, TP.HCM cần tạo điều kiện khuyến khích sự hình thành các cụm ngành hỗ trợ chuyển đổi xanh như các hoạt động kiểm toán, truy xuất carbon, chứng nhận phát thải, tư vấn và nghiên cứu về quá trình trung hòa phát thải.
Để cải thiện nguồn lực tài chính và ngân sách cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải, Thành phố cần tạo môi trường thân thiện hơn cho các nguồn vốn đầu tư xanh chảy vào. Và đối với các rào cản đến từ yếu tố con người, các chính sách giáo dục cần hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tích hợp nội dung phát triển bền vững vào các chương trình đào tạo, chuyên ngành ở các trường, tổ chức giáo dục.