Hành trình xông đất miền Tây: Gặp gỡ người và đất Cao Lãnh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lúc này căn bản hết Tết nhưng vẫn còn xuân. Mọi người đi làm trở lại. Các cửa hàng cửa hiệu đồng loạt khai trương. Nhiều chùa, đền khai hội. Tôi rủ thêm một số thân hữu du xuân, hành trình phương Nam và Đồng Tháp là lựa chọn hàng đầu.

Đường về miền Tây thông thoáng, một phần nhờ khởi hành hơi trễ, 8g15 mới xuất phát. Dọc hai bên đường mai nở vàng rực, đọ sắc và khoe hương với nhiều loại hoa, kể cả lúa. Đồng Tháp được mùa hoa. Ngoài Sa Đéc, thủ phủ hoa kiểng Việt Nam, có thêm đường hoa thành phố Cao Lãnh. Chú bé Sen ngộ nghĩnh (linh vật của Đồng Tháp) có mặt khắp nơi, giới thiệu về vùng đất sen hồng.

Ấn tượng nhất là các chợ quê và mô hình chính quyền thân thiện. Trụ sở các ủy ban, từ xã đến tỉnh đều được trang trí, có tiểu cảnh, mời người dân vào du xuân. Nhiều xã phục dựng chợ quê, vừa níu giữ hồn xưa, vừa giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, rủng rỉnh tiền sắm Tết. Hiệu quả bất ngờ, cả nhà tổ chức lẫn người đân.

Chùa cổ Bửu Lâm (huyện Cao Lãnh), còn gọi là chùa Tổ, khởi dựng trên 300 năm, gắn với lịch sử thăng trầm thế cuộc, từ Trịnh – Nguyễn phân tranh đến hai cuộc kháng chiến, được chọn xông đất. Chùa kiến trúc thuần Việt, không hoành tráng nhưng trang nghiêm, tinh tế, chuẩn Phật. Không gian tĩnh lặng, hoa xuân khoe sắc, thoảng hương. Có cả Đồng Tháp thu nhỏ trong chùa với các tiểu cảnh sếu đầu đỏ Tam Nông, làng chiếu Định Yên (Lấp Vò), làng gốm An Hiệp (Châu Thành), làng hoa kiểng Tân Quy Đông (Sa Đéc)…

Hành trình xông đất miền Tây: Gặp gỡ người và đất Cao Lãnh - 1

Đường vào chùa cổ Bửu Lâm.

Hành trình xông đất miền Tây: Gặp gỡ người và đất Cao Lãnh - 2

Tiểu cảnh làng chiếu Định Yên trong khuôn viên chùa.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Hàng Trung Phan Thị Ái Xuân dẫn đoàn đi viếng chùa, thuyết minh cặn kẽ, hơn cả hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Đại đức Thích Lệ Ngộ mời đoàn bữa chay xuân. Có lẽ Bửu Lâm là chùa duy nhất có “Welcome drink” với nước sâm “Hắc đỗ thanh tâm” ướp lạnh và khăn mát mời du khách, nếu báo trước. Các món chay do thầy Lệ Ngộ trổ tài như: bánh xèo “Nhật Nguyệt bồ đề”, lẩu “Bốn phương hội ngộ”, kiểm “Đồng quê trẩy hội” cùng nhiều đặc sản chay, ngon điếc mũi.

Hành trình xông đất miền Tây: Gặp gỡ người và đất Cao Lãnh - 3

Bữa cơm chay chất lượng.

Đoàn thử làm bá hộ khi lưu trú trong nhà sàn của các điền chủ ở làng Hòa An xưa. Bá hộ ngày nay không có kẻ ăn người ở phục dịch, chỉ có nhân viên phục vụ, nằm nệm hai tấc, có quạt hơi nước, máy nước nóng và WiFi kết nối với cả thế giới. Buổi chiều đoàn ghé quán “Cà phê doanh nhân – doanh nghiệp”, còn gọi là cà phê Chủ tịch, trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh, gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa và Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Công Minh.

Hành trình xông đất miền Tây: Gặp gỡ người và đất Cao Lãnh - 4

Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa.

Mỗi ngày, từ 6h45-7h30, Chủ tịch và các lãnh đạo tỉnh tiếp doanh nhân và người dân, chỉ đạo giải quyết vướng mắc, nguyện vọng. Gần hai giờ trao đổi chân tình rôm rả về Đồng Tháp, về du lịch và nông nghiệp còn hơn cả tri âm dù mới gặp lần đầu. Các thành viên “check-in iPhone” hết cả pin vì quán tràn ngập hoa và cảnh quá đẹp. Cựu cán bộ Thành Đoàn TP.HCM Tạ Thị Minh Tâm ngỡ ngàng: “Chưa thấy Chủ tịch tỉnh nào thân thiện, bình dị, gần gũi, am hiểu và nói về quê mình đầy lửa như Chủ tịch Đồng Tháp”.

Ghé nhà nguyên Chủ tịch Nguyễn Văn Dương, tác giả quán “Cà phê Doanh nhân – Doanh nghiệp” của Đồng Tháp. Về hưu đã 4 năm, trông anh rắn rỏi và trẻ hẳn ra. Nhà cựu chủ tịch là căn hộ bình thường trong khu dân cư tập thể. Vốn là kỹ sư nông nghiệp, về hưu, anh nghiên cứu làm điện mặt trời, sản xuất nấm linh chi, nấm mỡ, nấm tai mèo… và nói chuyện về nông nghiệp thuận thiên, thực dưỡng, ẩm thực chữa bệnh như một chuyên gia thực thụ.

Anh bảo “Về hưu, cái đầu nhẹ hẳn. Làm nông dân và huấn luyện viên bóng đá phủi sướng hơn làm chủ tịch. Ăn ngon miệng, ngủ đủ giấc, chẳng phải lo nghĩ gì”. Blogger Lê Thanh Tâm, cựu giáo viên trung học cứ lắc đầu “Quá bất ngờ. Từ phong cách, tuổi tác, đến kiến thức, không ai nghĩ anh nguyên là Chủ tịch tỉnh. Giản dị đến thế là cùng”.

Tôi đưa đoàn ghé thăm anh, ôn lại những lần cùng chạy xe gắn máy, vào từng nhà nông dân vận động, cùng dùng cơm và mời dân làm du lịch nông nghiệp. Anh là tác giả câu đối treo ở quán “Cà phê Doanh nhân – Doanh nghiệp” năm 2019 “Kín cổng, cao tường, khép vận hội. Khai lòng, mở cửa, đón tương lai”.

Hành trình xông đất miền Tây: Gặp gỡ người và đất Cao Lãnh - 5

"Check-in" cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp.

Hành trình xông đất miền Tây: Gặp gỡ người và đất Cao Lãnh - 6

Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương.

Viếng đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, chủ chợ Câu Lãnh xưa (đọc trệch thành Cao Lãnh). Đền thờ đẹp, hoành tráng, di tích cấp quốc gia. Đây là chủ chợ duy nhất của cả nước được lập đền thờ trang trọng như một vị thần trong tín ngưỡng dân gian. Đền nổi tiếng linh thiêng, mấy ngày Tết càng tấp nập. Hàng năm có lễ giỗ rất lớn. Ngoài đền thờ chủ chợ Câu Lãnh xưa, khu di tích lịch sử văn hóa Tiền hiền Nguyễn Tú, khai sinh ra vùng đất Cao Lãnh; đền thờ Ông Bà Cồn (cồn Phú Mỹ, huyện Thanh Bình) đều thờ chung cả Ông và Bà.

Các quán hủ tíu Sa Đéc ở Cao Lãnh chưa mở cửa, cả đoàn ra chợ “Ngã Tư Đèn Dầu” ngay chợ Cao Lãnh, phố đêm ẩm thực miền Tây. Giá bình dân, chất lượng khá, hợp vệ sinh. Vào quán này gọi món quán khác cũng được, tha hồ chọn lựa. Giá bình quân 30.000 đồng/phần, thêm ly chè, sinh tố, yaourt, bánh plan… 15.000-20.000 đồng. Ai thích ăn đêm thì thêm ổ bánh mì Hồng Ngọc 10.000 đồng là no hết cỡ hoặc bỏ ra thêm chừng 45.000-60.000 đồng, tùy sức ăn.

Đoàn cố gắng ngủ sớm để 5h00 sáng mai, khởi hành đi Tràm Chim, Tam Nông, đón bình minh và xem chim đi kiếm ăn ngày mới.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.