Đà Bắc: "Giữ lại hoang sơ, bảo lưu bản sắc để phát triển du lịch"

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phát huy vẻ đẹp hai bên bờ sông Đà, đẩy mạnh hình thái du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, gìn giữ bản sắc từng tộc người là hướng làm du lịch huyện Đà Bắc xác nhận là nòng cốt, ông Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND Huyện Đà Bắc chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM.

Đà Bắc có thể chưa được định hình rõ nét trên bản đồ du lịch Việt Nam, nhưng những bản làng như Bản Sưng, Đá Bia, Ké,… lại đang là cái tên có sức hút với người yêu du lịch hoang sơ, thích dấu ấn văn hóa riêng trong vài năm trở lại đây. Cùng với đó, các món ăn như thịt chua, rượu Hoẵng ngày càng được nhiều du khách biết đến.

Trong hành trình khám phá các điểm đến ở miền núi phía Bắc, một số bản làng của Đà Bắc – Hòa Bình đang trở thành những cái tên được nhiều du khách lựa chọn, đặc biệt với những người có ít thời gian, vì điểm đến chỉ cách Thủ đô khoảng 100 cây số.

Trước thềm "Ngày hội Văn hóa, Thể thao quảng bá Du lịch Đà Bắc năm 2023", Tạp chí Du lịch TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lường Văn Thi - Chủ tịch UBND Huyện Đà Bắc về câu chuyện phát triển du lịch ở một địa phương "đi sau" nhưng khao khát gìn giữ bản sắc.

Đà Bắc: "Giữ lại hoang sơ, bảo lưu bản sắc để phát triển du lịch" - 1

"Ngày hội Văn hóa, Thể thao quảng bá Du lịch Đà Bắc" chuẩn bị diễn ra từ ngày 2 - 3/12/2023, là lần thứ hai liên tiếp địa phương tổ chức sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch. Xin hỏi ông, hiện công tác phát triển du lịch của Đà Bắc đang gặp thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Đà Bắc có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em: Mường, Tày, Dao, Kinh, Thái. Mỗi tộc người có nét độc đáo riêng về bản sắc, đã tạo ra những bản làng bình yên, tươi đẹp, thuận lợi phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với cộng đồng.

Về địa hình, Đà Bắc có hàng trăm km bờ hồ sông Đà với nhiều đảo nổi, bán đảo và các vịnh có cảnh quan kì thú. Nơi đây nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển "Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình" đến năm 2030, là điều kiện để địa phương thu hút nhà đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các khu thể thao, giải trí dưới nước.

Nhưng Đà Bắc có xuất phát điểm kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, thiếu các tuyến đường giao thông đủ rộng kết nối đến các điểm ven hồ; bến, bãi xe, tàu thuyền chưa được đầu tư nâng cấp; một số phương tiện vận chuyển khách du lịch chưa bảo đảm tiêu chuẩn quy định, công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác quản lí nhà nước ở một số cơ sở du lịch tư nhân và điểm di tích chưa hiệu quả; chưa có khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại. Một số dự án đầu tư về du lịch triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ cam kết; sản phẩm du lịch chưa đa dạng để thu hút khách lưu trú dài ngày.

Việc tổ chức hoạt động quảng bá vẻ đẹp dòng Đà Giang trong các sự kiện xúc tiến du lịch của Đà Bắc như cuộc thi "Giải đua kayak trên sông Đà" có tác động thế nào trong việc thu hút du khách, thưa ông?

Đà Bắc có diện tích mặt hồ sông Đà rộng đến 6.000ha với trữ lượng nước hàng tỉ m3, cuộc sống của nhiều người dân nơi đây gắn liền với dòng Đà Giang. Hai bên bờ dọc dòng sông Đà hùng vĩ, có những bản làng người Dao, người Tày, người Mường, người Thái... quần tụ sinh sống nhiều năm, tạo thành vùng văn hóa giàu bản sắc.

Đà Bắc: "Giữ lại hoang sơ, bảo lưu bản sắc để phát triển du lịch" - 2

Đặc tính tự nhiên từ dòng sông mang lại, ngoài việc cung ứng nước cho các hoạt động nông, công nghiệp, còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt - nuôi trồng thủy sản và cung ứng các dịch vụ thương mại, du lịch. Vì thế, UBND huyện đã chọn một hoạt động trên dòng sông này để vinh danh dòng Đà Giang huyền thoại và quảng bá nét tiêu biểu về du lịch Đà Bắc đến với nhiều du khách trong và ngoài nước.

Năm 2022, lần đầu tiên UBND huyện Đà Bắc tổ chức "Giải đua kayak trên sông Đà" và nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm du khách cũng như nhiều nhiều cá nhân, đơn vị. Đây cũng là lần đầu tiên giải đua kayak được tổ chức trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Nhận thấy sự hưởng ứng nhiệt tình của du khách và nhân dân, chúng tôi đang đề xuất, báo cáo để đưa chương trình vào hoạt động thường niên của huyện.

Đà Bắc: "Giữ lại hoang sơ, bảo lưu bản sắc để phát triển du lịch" - 3

Các xã thuộc Đà Bắc đều từng thuộc diện 135 của Chính phủ, đồng nghĩa, kinh tế, cơ sở hạ tầng của huyện có khoảng cách với những địa phương khác. Nhưng ở phương diện khai thác du lịch, việc "đi sau" lại giúp Đà Bắc có cơ hội gìn giữ hoang sơ và bản sắc - thứ đang được coi trọng trong phát triển du lịch hiện tại. Ông có sách lược gì trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị nguyên bản ấy?

Như tôi đã chia sẻ, thế mạnh của Đà Bắc là cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và sự giàu có về bản sắc, vì là nơi sinh sống của 5 dân tộc: Mường, Tày, Dao, Kinh, Thái. Trong phát triển kinh tế và du lịch, huyện đề cao yếu tố bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân tộc. Ở các thôn, bản phát triển du lịch cộng đồng, người dân được khuyến khích giữ nguyên hiện trạng về kiến trúc nhà ở (nhà sàn gỗ lợp lá cọ của đồng bào dân tộc Tày, Mường; nhà đất trệt lợp mái lá của người Dao...) hay động viên người dân học, lưu giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào mình trong cuộc sống.

Các nghề thủ công: làm giấy dó, dệt thổ cẩm, thêu, in hoa văn, nhuộm chàm… cũng được đề cao, bên cạnh việc duy trì các hoạt động lễ hội Cầu Mường, xã Mường Chiềng; các lễ hội nhỏ ở địa phương như Lễ hội xuống đồng dân tộc Mường, Lễ lập tĩnh (lễ đặt tên) dân tộc Dao, Lễ mừng cơm mới…

Ngoài ra, huyện chú trọng việc tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, động viên nhân dân chú trọng khai thác bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc trưng như: cá sông Đà, lợn bản địa, gà đồi, măng, miến, gạo J02, các loại thuốc nam, các loại rau củ quả của địa phương và một số món ăn đặc sản truyền thống.

Đà Bắc: "Giữ lại hoang sơ, bảo lưu bản sắc để phát triển du lịch" - 4

Xin ông cho biết tên các danh thắng đáng lưu ý cho du khách đến Đà Bắc, cũng như nét đặc trưng của mỗi điểm đến này là gì?

Trong huyện có Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh với đỉnh núi cao nhất Hòa Bình (1.373m), cùng nhiều ngọn núi, hang động, thác nước đẹp tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình như: hang Lỗ Làn, suối Ké, vịnh Hiền Lương (xã Hiền Lương); thác Tà Khớp (xã Đồng Ruộng), hang Thần, đảo Dừa (xã Vầy Nưa); suối Láo, hang Mưa, hang Sưng (xã Cao Sơn); hang Sấm (xã Toàn Sơn); đảo Sung (Khu du lịch Robinson, xã Tiền Phong)…

Cạnh đó, địa bàn có 3 di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia và đền Chúa Thác Bờ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Những năm qua, huyện đã phát triển được 4 điểm du lịch cộng đồng tại xóm Ké, xã Hiền Lương - dân tộc Mường; xóm Đức Phong, Mó Hém, xã Tiền Phong - dân tộc Mường Ao Tá; xóm Sưng, xã Cao Sơn - dân tộc Dao, bởi những nơi này còn lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo về phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống và lễ hội dân gian.

Đà Bắc: "Giữ lại hoang sơ, bảo lưu bản sắc để phát triển du lịch" - 5

Hiện ban lãnh đạo địa phương có sách lược gì trong việc kêu gọi vốn hóa đầu tư trong phát triển kinh tế du lịch và nông nghiệp?

Huyện xác định việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp là tâm huyết và là hướng đi cần chú trọng, đẩy mạnh. Vì thế, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, kết hợp với các địa phương, các đơn vị tư vấn về phát triển du lịch đến khảo sát, tìm ra những nét đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, tâm linh, lịch sử, bản sắc dân tộc để phát triển du lịch nông thôn.

Đến nay Đà Bắc đã có được một số khu du lịch được nhiều người biết đến như: bản Sưng xã Cao Sơn; bản Đá Bia xã Tiền Phong; bản Ké xã Hiền Lương... Hướng đi này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nông thôn, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, góp phần chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành gắn với phát triển dịch vụ, du lịch. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Năm 2019, huyện đã tổ chức "Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch và nông nghiệp" thu hút 45 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giới thiệu được 16 điểm du lịch thu hút đầu tư, đã kí bản ghi nhớ với 9 nhà đầu tư, dự kiến kinh phí đầu tư ban đầu hơn 2.000 tỉ đồng. Đến nay có 2/9 nhà đầu tư thực hiện dự án tại Đà Bắc.

Năm 2022, UBND huyện tổ chức "Chương trình sự kiện quảng bá du lịch huyện Đà Bắc". Năm 2023, tiếp túc tổ chức chương trình "Ngày hội Văn hóa, Thể thao quảng bá Du lịch" từ ngày 2 - 3/12/2023.  

Đà Bắc: "Giữ lại hoang sơ, bảo lưu bản sắc để phát triển du lịch" - 6

Mục tiêu của địa phương trong phát triển du lịch cụ thể là gì?

Huyện Đà Bắc phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030, thu hút trên 2.500 tỉ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở hạ tầng vật chất kĩ thuật du lịch, các tuyến đường giao thông kết nối đến các điểm du lịch, các bến thuyền, nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn, các khu xử lí rác thải, sản phẩm du lịch, lưu trú du lịch có chất lượng cao… đa dạng phong phú, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.

Đà Bắc phấn đấu đến năm 2025 được đón trên 550.000 lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 165 tỉ đồng trở lên. Đến năm 2030, huyện đón được trên 660.000 lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch phấn đấu đạt 198 tỉ đồng trở lên.

Đà Bắc: "Giữ lại hoang sơ, bảo lưu bản sắc để phát triển du lịch" - 7

Trân trọng cảm ơn ông!

(*Bài viết có sử dụng một số ảnh đẹp của tác giả Trọng Đạt và vài ảnh tư liệu khác do huyện Đà Bắc cung cấp.)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thục Khôi (thực hiện) (Ảnh: Trọng Đạt, Đà Bắc)

CLIP HOT