Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đi về phía nam, sâu trong Phnom Kravanh, là một khu rừng mưa nhiệt đới. Nơi đó, có những người tiều phu và những kẻ săn trộm gỗ cùng bắt tay nhau, họ bỏ nghề cũ và trở thành kiểm lâm, thành hướng dẫn viên du lịch sinh thái. Nhưng những nỗ lực để bảo tồn một vùng đất hoang vu rộng lớn ấy sẽ dẫn đến đâu, một cái kết có hậu cho tự nhiên (và con người), hay chỉ là sự níu giữ cuối cùng sau nhiều năm bị tàn phá?

Dãy núi Kravanh, hay còn gọi là dãy núi Cardamom (nghĩa đen là bạch đậu khấu), nằm ở tây nam của đất nước Campuchia. Nhóm của Francesco Lastrucci đang ngồi gần một con sông xanh ngắt ở phía nam dãy núi này, tụ tập ăn trưa với bữa cơm gà, thì nhận được một tin nhắn: có ai đó vừa phát hiện một điểm cắm trại của bọn săn trộm rừng.

Trong vòng vài phút, toàn bộ nhóm - có nghĩa là cả kiểm lâm trưởng Darian Thackwell và bốn thành viên vũ trang đầy đủ khác - vội ngược dòng lao về phía thượng nguồn. Cuối cùng, họ giấu thuyền vào giữa mê cung rừng ngập mặn và tiếp tục đi bộ, lê bước qua thảm thực vật rậm rạp một cách khẽ khàng nhất có thể.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 1

Bốn ngày qua, nhà nhiếp ảnh Francesco Lastrucci đã đi theo và quan sát nhóm tuần tra này. Trách nhiệm của họ trong một khu vực rừng nhiệt đới rộng lớn ở Campuchia, là bảo vệ vùng đất và các loài động vật hoang dã khỏi những đe doạ không ngừng từ những kẻ khai khác và săn trộm trái phép. Họ bước lên chuyến hành trình vào sâu trong tỉnh Koh Kong xa xôi phía tây, gần sát biên giới miền Đông của Thái Lan, lội qua những con sông trong vắt, chật vật vượt những vũng lầy, chiến đấu với lũ đỉa và chịu đựng nhiệt độ ẩm ương của rừng mưa nhiệt đới.

Giờ đây, nhóm người đến từ Liên minh Động vật Hoang dã (Wildlife Alliance) ấy - một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận về bảo tồn rừng và động vật hoang dã ở Campuchia - cuối cùng cũng đã bắt được những kẻ đi săn trộm.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 2

Một nhân viên kiểm lâm đang ghi lại báo cáo theo dõi vào sáng sớm trước khi quay trở lại trạm kiểm lâm Koh Kong.

Băng qua cánh rừng, họ bắt gặp một số cái bẫy tự chế, loại bẫy thường được sử dụng để bắt cầy hương hoặc các loài động vật có vú nhỏ khác. Darian đoán những kẻ săn trộm có thể đang ở gần đây. Nhưng sau đó bọn trộm đã mất tăm, họ chỉ thấy một nơi trông như khu trại bị bỏ lại một cách vội vàng: võng, đồ hộp, quần áo và thậm chí cả hai khẩu súng tự chế vẫn nằm chỏng chơ ở đó. Francesco chụp lại một vài bức ảnh, còn các nhân viên kiểm lâm thì tiến hành tháo dỡ trại, tịch thu vũ khi và bẫy rập.

Dãy núi Kravanh của Campuchia từng là thành trì của Khmer Đỏ. Suốt hàng chục năm, những ngôi làng biệt lập nằm trong khu vực này có rất ít liên hệ với thế giới bên ngoài. Những trận đánh đẫm máu đã diễn ra ở đây, các mỏ đất đá từng được sử dụng rất nhiều để phục vụ chiến tranh. Nhiều năm qua đi, vùng rừng nhiệt đới xung quanh dãy núi này vẫn tồn tại, là một trong những khu rừng hoang dã rộng lớn và nguyên sơ nhất Đông Nam Á.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 3

Khi chiến tranh kết thúc, và các mỏ đất được dọn sạch, rừng nhiệt đới - và vô số loài động vật sống trong đó - rất dễ bị tấn công và ảnh hưởng tiêu cực bởi những kẻ săn trộm trái phép, lâm tặc và nông dân đốt nương làm rẫy.

Trong hai thập kỷ qua, một số tổ chức môi trường đã và đang chạy đua với thời gian, để bảo vệ những khu rừng và động vật hoang dã ở nơi này. Liên minh Động vật Hoang dã và tổ chức đi đầu, ưu tiên thực thi luật pháp không quản suốt ngày đêm. Họ hợp tác với chính quyền địa phương, và cuối cùng đi đến thống nhất cùng chung tay bảo vệ khoảng 3 triệu mẫu rừng nhiệt đới của dãy núi Kravanh. Tổ chức này cũng đưa ra các việc làm thay thế thân thiện với môi trường như tập trung vào giáo dục, trồng rừng, phục hồi và phóng thích động vật hoang dã, cho những người dân địa phương trước đây từng tham gia, hoặc bị ép phải tham gia vào các ngành nghề bất hợp pháp.

Những kết quả mà Liên minh nỗ lực đạt được có lẽ không đâu rõ ràng hơn là ở làng Chi Phat, nơi nhiếp ảnh gia Francesco Lastrucci nghỉ lại trong chuyến thăm kéo dài một tuần này.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 4

Làng Chi Phát buổi hoàng hôn

Để đến được Chi Phat phải ngồi xe bus ba giờ đồng hồ từ Phnom Penh, thủ đô của Campuchia, sau đó đi thuyền thêm hai tiếng trên sông Preak Piphot. Khi đến nơi, Francesco được chào đón bởi một loạt những khung cảnh bình dị: mấy người dân chạy xe đạp, một buổi chơi chơi bóng chuyền ngẫu hứng, một con đường đất không trải nhựa và các ngôi nhà đầy màu sắc. Trên bờ sông, những chiếc thuyền đánh cá nhỏ neo đậu bên những căn nhà chòi, chiếc bè động cơ chở khách từ bờ bên này sang bờ bên kia. Nông dân đi xe máy, phụ nữ chở lương thực, trẻ em chuyện trò trong bộ đồng phục học sinh.

Yên bình và ấm no. Nhưng khung cảnh êm ấm đó chỉ mới được xây dựng gần đây. Suốt nhiều năm, phần lớn những con người sống ở nơi bị lãng quên này đã không ngừng phải đốt nương làm rẫy, hoặc khai thác và sắn bắt trái phép trong rừng.

Mãi đến giữa những năm 2000, khi Liên minh Động vật Hoang dã tiếp cận người dân địa phương để tạo ra các nguồn thu nhập thay thế, cuộc sống ở Chi Phat mới bắt đầu đảo ngược, và từ đó thành lập một loạt các sáng kiến du lịch sinh thái cộng đồng.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 5

Các nhân viên kiểm lâm được trang bị vũ trang đang dò hỏi một nghi phạm khai thác gỗ trái phép ở bìa rừng.

Nông dân được khuyến khích áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững hơn. Mọi người tập hợp để cứu lấy những vùng đất lâm nghiệp đã mất, bằng cách cải tạo đất và trồng các loài cây bản địa. Kể từ đó, đến nay đã có khoảng 840.000 cây xanh được trồng lại. Hơn nữa, những kẻ săn trộm một thời - những người có kiến thức sâu rộng về khu rừng nhiệt đới và động vật hoang dã ở đây - lại được tuyển dụng, đào tạo và trang bị để trở thành kiểm lâm bảo vệ. Với vũ khí trang bị trong tay, giờ đây họ có trách nhiệm tuần tra khu vực - dù là đi bộ hay đi xe máy, bằng thuyền hay bằng máy bay trinh sát - và bảo vệ nơi này khỏi những kẻ săn trộm và lâm tặc mới.

Tham nhũng và những vấn đề tài chính trong các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, hoặc các dự án phát triển kinh tế quy mô lớn, vẫn là một mối đe dọa không nhỏ. Nhưng với số lượng người dân địa phương hợp tác với các nhà bảo tồn ngày càng tăng, việc cứu rừng không còn là ước mong xa vời nữa.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 6

Một kiểm lâm tịch thu mẻ ếch bị đánh bắt trái phép.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 7

Nông dân đang sàng gạo ở làng Chi Phát.

Vị trí của Chi Phat ở ngay chân núi Kravanh biến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho hoạt động du lịch hoang dã. Một số ngôi nhà truyền thống của người Campuchia được xây dựng thành nhà nghỉ, người dân địa phương biết nói tiếng Anh thì trở thành hướng dẫn viên du lịch, dẫn dắt du khách trên những con đường mòn cắt qua những ngọn đồi màu xanh lục bảo, qua những dòng suối khúc khuỷu dưới núi, qua ghềnh đa và thác nước đổ bọt trắng xoá. Ai gan dạ cũng có thể ghé thăm một vài cộng đồng nông thôn nằm rải rác trong khu vực, cùng một số địa điểm khảo cổ Khmer cổ đại.

Cũng như nhiều điểm du lịch khác, Chi Phat bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Năm 2020, số lượng du khách đến đây đã giảm hơn 80%, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập chính của nhiều người dân trong làng.

Nhưng chính trận đại dịch này cũng là lời cảnh tỉnh trước nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã - những khu chợ đen mà người ta trao đổi chắc chắn là nơi chứa các mầm bệnh nguy hiểm không ai hay.

Cầy mực, gấu chó, báo hoa mai, tê tê, cầy hương, khỉ và rất nhiều loài chim trong số những loài động vật được tìm thấy ở đây, nhiều con trong số đó Francesco đã bắt gặp tại một trạm phóng sinh động vật hoang dã nằm ẩn mình giữa rừng. Ở khu trạm, những con vật được giải cứu khỏi các hoạt động buôn bán trái phép, được tìm thấy đang mắc kẹt trong bẫy hay bị nuôi nhốt, được người ta chữa trị và thả về rừng.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 8

Một con tê tê được giải cứu.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 9

Một con cầy mực ở trạm phóng sinh.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 10

Rừng rậm dưới chân dãy núi Kravanh là một trong những khu rừng rụng lá đa dạng nhất ở Đông Nam Á.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 11

Một con chim hồng hoàng này được cúu hộ từ nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép và đã sớm được thả trở lại tự nhiên.

Trong hai ngày nghỉ lại khu trạm này, Francesco đã đi dạo loanh quanh vài vòng với Soeun, một người chăm sóc động vật ở đây. Soeun lớn lên trong một cộng đồng nông dân nghèo khó, anh từng phải đi săn bắt trái phép để nuôi sống gia đình mình. Nhưng khi Liên minh Động vật Hoang dã thành lập trạm phóng sinh ở đây vào năm 2008, anh không còn đi săn tìm động vật nữa mà vào làm việc ở trạm, để chăm sóc và thả chúng về với tự nhiên.

Chuyện ở Campuchia: Khi tiều phu và lâm tặc cùng giải cứu rừng - 12

Con gấu chó đang tìm một cái tổ ong.

Trong một lần đi dạo, Soeun và Francesco băng ngang một lùm cây đàn hương nhỏ, giữa những ngọn đồi xanh tươi rậm rạp. Họ phát hiện thấy hai con gấu chó đang leo lên một cái cây, có lẽ chúng đang tìm một tổ ong để kiếm mật. Soeun nhận ra ngay con vật, và với một gương mặt đầy vẻ tự hào, anh kể rằng hai năm trước trạm phóng sinh từng cứu được con gấu chó này, chính anh đã chăm sóc và đưa chúng về nhà - về rừng Kravanh.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

An - Ảnh: Francesco Lastrucci - Nguồn: The New York Times (Travellive+)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.