Cà phê không lời

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Không gian tĩnh lặng đến ngỡ ngàng. Khách ghé quầy phục vụ, gọi món bằng tay hoặc bút đàm (đối thoại bằng chữ viết). Các em lặng (vì khiếm thính) nên khách cũng im. Chỉ nghe tim đập ngạc nhiên, thổn thức bởi không gian khác lạ, tĩnh lặng bề ngoài mà dậy sóng cảm xúc bên trong.

Việt Nam có hàng trăm ngàn quán cà phê, từ vỉa hè đến khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao. Nhiều quán trang trí bắt mắt, có cá tính riêng, chất lượng độc đáo.

Cà phê không lời - 1

Thế nhưng, Lặng Art Café lại sở hữu nét duyên thầm, quyến rũ khác biệt với phần đông. Có người gọi Lặng Art là "cà phê không lời". Lời là lời nói, chứ không phải lời lỗ kinh doanh. Nép mình trong khuôn viên hoài cổ của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập (gồm Trường Khiếm thính và Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan vừa sáp nhập) và nhà thờ Sơn cước Cam Ly, quán cà phê khoác lên mình lối kiến trúc kiểu nhà rông thô mộc, gây thương nhớ ngay lần chạm mặt đầu tiên.

Cà phê không lời - 2

Bảng hiệu độc đáo của quán với những ký tự tượng hình.

Cà phê không lời - 3

Một góc check-in đẹp tại quán.

Quán là tổ ấm của 140 bạn khiếm thính, 100 bạn thiểu năng, vừa dời từ đường Pasteur về 19 Nguyễn Khuyến ngay trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2024, bắt đầu lại từ số 0 và những cách tân "ảo diệu". Quán mới rộng hơn, khoáng đạt hơn và chất lừ hơn. Vẫn phong cách xưa, ấn tượng từ bảng hiệu. Ngay lối vào là những dòng cảm nghĩ của một khách hàng, được phóng lớn, thay lời tự sự về quán.

Cà phê không lời - 4

Những dòng tự sự đầy chân tình được bố trí ngay trước lối vào.

Không gian tĩnh lặng đến ngỡ ngàng. Khách ghé quầy phục vụ, gọi món bằng tay hoặc bút đàm (đối thoại bằng chữ viết); được tiếp đón lặng lẽ và niềm nở bằng những nụ cười sáng ấm và "cửa hồ tâm hồn" sóng sánh reo vui. Các em lặng (vì khiếm thính) nên khách cũng im. Chỉ nghe tim đập ngạc nhiên, thổn thức bởi không gian khác lạ, tĩnh lặng bề ngoài mà dậy sóng cảm xúc bên trong.

Cà phê không lời - 5

Những sản phẩm thủ công do chính đôi tay của các nhân viên tại quán thực hiện.

Cà phê ngon đến ngạc nhiên. Có lẽ người pha đã dồn cả hồn trong đó. Mọi thứ sắp đặt, từ vật dụng đến lối bài trí đều tối giản, tự nhiên với gam màu gỗ nâu nhạt, kiểu net zero do các em thiết kế và thi công bằng tất cả chân tình. Vào quán, tự dưng ai cũng nói khẽ, đi nhẹ, dùng mắt và ngôn ngữ cơ thể biểu đạt, dù lắm kẻ bình thường hoạt ngôn và lắm chuyện.

Tôi thích nhất lời nhắn "Có một người vẫn đợi". Có thể, họ không bên cạnh nhưng luôn nghĩ về ta. Có thể ta chưa biết nhưng họ vẫn nhớ. Có thể là cỏ cây, hoa lá ngoài kia, vẫn đợi… Quán được kết nối với không gian phía sau khoáng đạt, nhìn xuống thung lũng đẹp như tranh, gió sương thường lui tới. Giữa đất trời tĩnh lặng, giọt cà phê trĩu nặng chân tình.

Cà phê không lời - 6

Lời nhắn nhủ dễ thương của quán dành cho khách ghé thăm.

Thời gian như dừng lại, lắng lòng nghe nồng nàn hơi ấm đất, gió thầm thì và cả cây tự sự thuở hồng hoang, tràn ngập cảm giác hạnh phúc một mình giữa muôn trùng nhân thế. Mặc ta vui buồn, vạn vật nơi này vẫn thủy chung vỗ về, chia sẻ như Đà Lạt thời xa xưa. Có ai bên cạnh, dù mới gặp cũng dễ thành đồng điệu, thân quen.

Lặng Art Café hình thành từ ý tưởng của nhóm bạn khiếm thính, được Võ Anh Tuấn, hướng dẫn viên du lịch bản địa và một số thân hữu nhiệt thành đồng hành, hỗ trợ, tiếp sức theo mô hình cà phê cổ/net zero/tìm lại dấu xưa. Quán không có vẻ sang chảnh, "ảo tung chảo" nhưng đủ góc "check-in" lạ mắt. Quán thích hợp cho những người kiệm lời, sống chậm, hoài cổ và trân quý thiên nhiên.

Không chỉ là cầu nối các bạn khiếm thính với xã hội, giúp các em có thêm bạn bè, thêm việc làm, thêm thu nhập; tự tin vượt lên nghịch cảnh, sống đẹp và truyền cảm hứng cho người đồng cảnh ngộ, quán còn giúp du khách hiểu hơn về cộng đồng khiếm thính và những khả năng "thiên phú", dĩ nhiên phải nỗ lực vượt qua chính mình, hiểu hơn thành ngữ "ý tại ngôn ngoại" của cha ông.

Hàng "handmade" chân mộc, bao bì bắt mắt, chất lượng tốt; gửi gắm bao lời cám ơn, ước vọng, Lặng Art Café còn là địa điểm tổ chức các sự kiện nhỏ, các workshop thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật, các chuyên đề xã hội... Vào quán, bạn tự dưng cảm thấy mình may mắn và được học thêm nhiều bài học về nghị lực, ý chí để soi lại chính mình.

Cà phê không lời - 7

Không gian tĩnh lặng bên ngoài quán.

Quán không chỉ là quán mà còn là nơi truyền lửa nghề, trường học ngoại khóa của mọi người, mọi lứa tuổi, đặc biệt là người khuyết tật. Quán vừa hoàn thành 2 khóa huấn luyện thực hành miễn phí – làm bánh cookie và làm các sản phẩm macrame, bên cạnh các nghề thêu, may, vẽ. Mong sao tay nghề các em có nơi tiếp nhận, sản phẩm được mọi người ủng hộ, nhất là các tour du lịch, trải nghiệm workshop cùng những người khuyết tật đáng yêu.

Thứ gì ở quán cũng có hồn, từ các loại cà phê, trà hoa đến các loại tinh dầu, thêu, vẽ, hàng lưu niệm (sản phẩm handmade). Các loại bánh cookie do các em làm, thơm ngon, hương vị khó tả. Đồ vật trang trí tự nhiên, mấy băng ghế ngồi, khung cừa sổ kiểu xưa, cảnh quan hoài niệm. Quán mở cửa từ 7h30-20h30 hằng ngày.

Tôi không ghiền cà phê nhưng mê Lặng Art; thích một mình, bạc xỉu; độc thoại với cỏ cây, đất trời; sống cùng bao ký ức những khuôn mặt dấu yêu một thời đã xa. Ghé quán để tĩnh tâm, nhìn lại mình, suy ngẫm buồn vui thế cuộc, góp chút công tiếp sức các em và giúp mình giữ ngọn lửa tin yêu cuộc sống.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt)

CLIP HOT