Cảm thức mùa xuân trên trang giấy học trò

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tết - phong tục cổ truyền của người Việt hiện lên qua nhiều trang sách Ngữ văn. Thế nhưng, làm sao để những cảm xúc ấy thăng hoa trên trang giấy học trò là tâm tư của nhiều thầy cô giáo.

"Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua…"

(trích bài thơ Ông Đồ của tác giả Vũ Đình Liên)

Tết là một trong những chủ đề khơi dậy sự yêu thích môn Ngữ văn cho học trò. Tết xuống phố, Tết về miền quê, Tết mang "hoa đào, ông đồ, mực Tàu"… vào cả từng trang văn, trang thơ. Những bài làm văn chan chứa xúc cảm hay về Tết như tô vẽ thêm sắc màu cho bức tranh mùa xuân. 

Cảm thức mùa xuân trên trang giấy học trò - 1

Cô giáo Đinh Thị Loan - giáo viên dạy ngữ văn Trường THCS Nguyễn Văn Huyên

Mang mùa xuân vào lớp học

Trong số các môn học, ngữ văn là bộ môn đặc thù dễ mang đến "cảm giác xuân" nhất cho học sinh. Tuy nhiên, không riêng chủ đề Tết mà với rất nhiều đề tài thú vị trong phạm trù môn ngữ văn, nhiều học sinh vẫn có tâm lý e ngại. 

Cô giáo Đinh Thị Loan, giáo viên dạy ngữ văn của trường THCS Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, mùa xuân là biểu tượng của sự khởi đầu và tươi mới. Con người hiện diện trong vòng tròn thời gian của đất trời để thấy những thăng trầm đan xen như bốn mùa. 

Cảm thức mùa xuân trên trang giấy học trò - 2

Theo cô giáo Đinh Thị Loan, nhiều học sinh vẫn e ngại với môn ngữ văn 

Trong những ngày giáp Tết, những buổi học văn của cô Loan không chỉ là cảm thức mùa xuân trong văn chương mà còn hướng đến những phong tục cổ truyền, những nét đẹp văn hóa dân tộc trong ngày Tết.

Cảm thức mùa xuân trên trang giấy học trò - 3

Cảm thức mùa xuân trên trang giấy học trò - 4

Bên cạnh những kiến thức trong sách vở, những tiết học ngữ văn của cô Loan thường được tổ chức với nhiều hoạt động trải nghiệm, mang lại sự thích thú cho học sinh

"Ngữ văn là môn học vừa lãng mạn, mềm mại, vừa sâu sắc, nhân văn nhưng cũng là môn khó nhằn. Không phải học sinh nào cũng có vốn từ dồi dào để diễn tả suy nghĩ, cảm xúc của mình về chủ thể. Chính vì vậy, bên cạnh những kiến thức trong sách vở, giáo viên cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Giáo viên cũng phải kiên nhẫn, không vội vã áp đặt mà từ từ bồi dưỡng lòng yêu thích cho các em", cô Loan chia sẻ.

Theo cô Loan, các phần mềm như PowerPoint, iMindmap, Padlet, Canva… giúp cô rất lớn trong việc thiết kế bài giảng, viết sách, làm tài liệu học tập cho học sinh một cách trực quan, dễ hiểu, khoa học… Các trò cũng có thể dùng các phần mềm trên dưới sự hướng dẫn của giáo viên để việc học ngữ văn trở nên sinh động, thú vị hơn.

"Ngay trong các bài học, tôi vẫn thường diễn giải các nội dung dưới dạng sơ đồ để học sinh dễ học, dễ nhớ, khi viết bài được đủ ý, mạch lạc nhưng lại không làm mất đi tính cá nhân trong giọng văn của mỗi em", cô Loan nhấn mạnh.

Chấm điểm 10 môn ngữ văn

Từng đạt học sinh giỏi cấp tỉnh (Hà Tây cũ) môn ngữ văn lớp 12, cô giáo trẻ gắn bó với môn này từ rất sớm, tình yêu văn học của cô còn được hun đúc qua những năm tháng học Đại học và hơn 10 năm ra trường làm công tác giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi, luyện thi vào lớp 10, luyện thi Đại học.

Có lẽ chính bởi điều đó, cô Loan hiểu hơn ai hết sự khó khăn khi học ngữ văn và những mong mỏi của học trò về bộ môn này. Các trò thường hay phàn nàn với cô, học ngữ văn phải viết nhiều, đọc nhiều, dành quá nhiều thời gian, tâm sức nhưng điểm môn ngữ văn lại ít khi có điểm 10 tuyệt đối.

Cảm thức mùa xuân trên trang giấy học trò - 5

"Tôi từng có một cậu học sinh thích học Văn, say mê viết văn, sáng tác thơ, truyện. Nhưng trò chia sẻ với tôi, em sẽ không theo chuyên sâu môn văn, mà theo toán học. Vì môn toán có nhiều điểm 10 tối đa, trong khi các bài thi ngữ văn thì không. Suy nghĩ của cậu học trò làm tôi chợt hiểu kết quả học tập cũng là một yếu tố khích lệ tình yêu văn học ở các em. Tại sao chúng ta lại không thể cho điểm 10 môn ngữ văn như một lẽ thông thường giống các môn khoa học khác?", cô Loan tâm sự.

Cảm thức mùa xuân trên trang giấy học trò - 6

Theo cô Loan, việc dạy văn và học văn là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý trí và cảm xúc thăng hoa. Những rung động về cảm xúc giúp học trò cảm nhận vẻ đẹp của tác phẩm văn học. Đọc nhiều sách, báo giúp học trò có nhiều trải nghiệm. Còn lý trí, khoa học tạo ra sự logic giúp trò có khả năng bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình thật rõ ràng và bảo vệ quan điểm cá nhân trước mọi vấn đề của đời sống xã hội.

"13 năm trong nghề giáo, sơ tâm của tôi chưa từng thay đổi. Tôi kiên nhẫn với tụi nhỏ, đổi lại các trò kiên nhẫn với tôi và tình yêu dành cho văn học. Điểm 10 môn ngữ văn trong các lớp học của tôi không hề hiếm, đó như là một điều hiển nhiên dành cho những nỗ lực mỗi ngày của các trò và chính bản thân tôi", cô giáo Đinh Thị Loan khẳng định.

Xuân đã về, giữa thời khắc đất trời giao hòa, tâm tư của một giáo viên ngữ văn tâm huyết với nghề, hy vọng giúp các em xóa bỏ "thành kiến" về môn văn và thêm yêu nền văn học nước nhà. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phương Hà

CLIP HOT