Nghề hướng dẫn viên đã đưa Nguyễn Cưng - gã trai gốc Bạc Liêu đến hơn 40 quốc gia, học trăm điều hay để nhận ra quê hương mình đáng tự hào xiết bao. Rồi, bước chân quay về, anh mở tour xe máy đưa khách Tây “lượn lờ” ngõ hẻm, mở lớp dạy tiếng Anh cho những bạn trẻ để họ tự tin kể về tranh sơn mài, gốm thủ công nước mình cho du khách bốn phương.

Năm 2009, tốt nghiệp khoa Địa lý du lịch trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, cùng với chứng chỉ nghiệp vụ, anh Nguyễn Cưng (1987) được người bạn cùng khóa giới thiệu vào Sinh Cafe (The Sinh Tourist) làm hướng dẫn viên.

Nhận định cơ hội trước mắt, anh kiên trì trau dồi ngoại ngữ, nghiên cứu văn hóa khác hướng tới tệp khách cao cấp hơn ở thị trường inbound.  

Thiên hạ, vẫn hay có lắm thiên kiến về nghề hướng dẫn viên. Nhưng, người trong cuộc như anh Cưng luôn trân quý công việc này. Trước là vì thu nhập tốt hơn mặt bằng chung, sự tự do, không ràng buộc trong văn phòng, được làm việc độc lập và thỏa cả sự sáng tạo, như cách anh ví von: “Đôi lúc mình phải làm diễn viên, nghệ sĩ hài, nhà diễn thuyết, và thi thoảng như người chạy việc vặt…”. Sau là vì được học từ vô vàn người có trải nghiệm rộng lớn hơn bản thân. “Đi một buổi chợ, học một mớ khôn”, mỗi ngày dẫn khách cũng là một tiết học. Cho đến ngày nọ, khi một vị khách doanh nhân hỏi ngược lại rằng: “Này, 5 năm sau em vẫn làm hướng dẫn viên hả?”, anh chợt vỡ ra điều mình bỏ sót bấy lâu. 

Đầu năm 2015, anh quyết định nghỉ việc toàn thời gian, học Thạc sĩ ngành Văn hóa học. Lúc ấy, nhu cầu khách ta du lịch quốc tế cũng tăng. Năm 2016, anh mở công ty phục vụ thị trường outbound, tập trung vào tour độc lạ.

Năm 2021, anh quyết định tập trung vào thị trường Việt Nam. Lý do đơn giản: “Việc mình vào nhà người ta, giới thiệu, quảng bá không có gì đáng tự hào. Nhưng khi mình được đưa khách về Việt Nam, mình giới thiệu quê hương. Cảm giác đó nó đã lắm! Như khi em dẫn bạn về nhà em, giới thiệu đây là cây xoài má mình trồng, ba mình trồng, vui sướng lắm!”. 

Gom “sàng khôn” suốt 5 năm nhìn trời Tây, sau một thời gian thử nghiệm miễn phí, anh Cưng chuyển hướng kinh doanh với mô hình tour du lịch trải nghiệm, gắn với giá trị truyền thống và vẻ đẹp đời sống bình dân mang tên Saigonbiketours. Không mới về hình thức, Saigonbiketours nổi bật vì nội dung. Xen kẽ giữa những địa điểm mang tính biểu tượng, khách nước ngoài được hòa vào nhịp sống bình thường, lượn lờ ngõ hẻm, thong dong ăn quà vặt, uống cà phê cóc, ngắm nhìn hoạt động buôn bán thú vị ở các khu chợ bình dân, thưởng lãm thành phố thức dậy trong tinh mơ, hay dịu dàng vào khắc tà dương. Điểm đặc biệt khác phải kể đến trang phục áo dài của hướng dẫn viên, cả nữ và nam, không đính kèm logo.

Hiện nay, Saigonbiketours có 10 loại tours chính, được thiết kế theo chủ điểm như: tham quan kiến trúc Indochine, khám phá cơ sở tôn giáo, ẩm thực đường phố kết hợp ngắm cảnh… Hướng vào lĩnh vực ngách, chất lượng là trọng tâm của đơn vị. Mô hình này cho phép Saigonbiketours nhận khách linh hoạt, khách lẻ, khách nhóm với khung giờ dàn trải, theo lịch trình yêu cầu. Trung bình, anh đón khoảng 15-30 khách/ngày và nhận được nhiều bình luận tích cực về một Việt Nam thân thiện. Hiện, đơn vị tiếp tục ra mắt sản phẩm trải nghiệm phong cách sống bình dân kéo dài 5-10 ngày, với một hướng dẫn viên đồng hành như người bạn.

Gắn bó với nghề hướng dẫn viên gần chục năm, anh Cưng hiểu tầm quan trọng của ngôn ngữ cùng tư duy ham học, cũng như nắm bắt tâm tư người trong cuộc. Ngày ấy, anh tự học từ quyển Lonely Planet, vậy mà cũng đã đặt chân đến 4 châu lục. Khi trở về nước, anh soạn giáo án, mở lớp dạy tiếng Anh tour inbound chuyên biệt cho các bạn trẻ định hướng theo nghề dài hạn. TSES tiếng Anh do anh sáng lập đào tạo kỹ năng ngoại ngữ gắn với nghiệp vụ du lịch, mang chủ đề thực tế, nhằm trang bị học viên “nguồn vốn” trực tiếp ứng dụng vào công việc sau khóa học. Với vai trò giảng viên, anh còn chia sẻ các trải nghiệm thực tế, bài học từng trải. Khi hoàn thành chương trình, các học viên đủ tiêu chuẩn sẽ được Saigonbiketours cùng các doanh nghiệp lữ hành thân thiết tuyển dụng. 

“Vui hơn cả là khi thấy các bạn hướng dẫn viên trẻ, ngày nào còn là học viên bập bẹ trên lớp, nay tự tin giới thiệu về tranh sơn mài, về văn hóa Việt trôi chảy bằng tiếng Anh cho khách”, anh bộc bạch.

Sáng làm thầy, tối anh tiếp tục theo đuổi bậc học tiến sĩ ngành Việt Nam học, với luận án tốt nghiệp về gốm Biên Hòa. Anh nâng niu cẩn thận bình gốm xoay tay Thành Lễ, gốm Dana của cố hoạ sĩ Lê Bá Đảng. Những người nghệ nhân tài hoa ấy đã góp phần rực rỡ nghệ thuật gốm Biên Hòa những năm 1960, thăng hoa với hình ảnh lịch sử, tích cổ, đời sống Nam Bộ đầy sống động. Qua bao năm, hoa văn hoạ tiết, màu men vẫn như vừa ra lò. Từ người sưu tầm cho vui, giờ anh say mê và thương cho dòng gốm định danh quốc tế duy nhất ở Việt Nam - Vert de Bien Hoa, vốn có giá trị cao về mỹ thuật và thủ công, đã dần phai mờ giữa xã hội hiện đại.

Bàn về gốm Biên Hòa, có 4 yếu tố về lợi thế cạnh tranh: tính giá trị lịch sử - văn hóa, tính quý hiếm, tính khó bắt chước và tính không thể thay thế được. Các kỹ thuật chạm - lộng phức tạp, khó bắt chước, hiếm gặp ở các dòng gốm nội sinh. Dòng gốm này cũng đặc sắc trong thể hiện tích Việt Nam với bao chứa hơn 100 tích lịch sử, mang tính giáo dục, đại diện cho Nam Bộ.

“Tôi thấy buồn khi nhìn chiếc bình xưa, ngắm chiếc bình nay thua xa về kỹ thuật, cả tâm nhẫn nại để thăng hoa cùng tác phẩm. Thời buổi cạnh tranh, nhà sản xuất cũng buộc phải tăng năng suất, họ phải làm chiếc bình trong 5 ngày chỉ còn 1 ngày thì giá trị khó mà lưu giữ…”, anh tiếc nuối nói thêm.

Nhìn lại hành trình gần 15 năm theo nghề lữ hành, cứ mỗi 5 năm, anh lại tiến lên, theo sát kế hoạch mục tiêu đã đề ra. Cùng với ý chí, nghị lực được trui rèn nhờ tinh thần võ sĩ đạo từ thuở bé, biết đâu anh sẽ tiếp tục góp thêm sáng kiến mới cho gốm Biên Hòa và mảng du lịch trải nghiệm mà anh đang dốc lòng theo đuổi.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Hai, ngày 03/02/2025 11:10 AM (GMT+7)

Uyên Bùi (Ảnh: Thanh Cường)