Ứng phó bão số 4, Huế tất bật với các phương án bảo vệ công trình di tích
Để phòng chống bão số 4 (bão Noru), Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế kiểm tra công trình di tích để có phương án bảo vệ các công trình di tích xuống cấp.
Ngày 26/9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xây dựng và ban hành phương án chỉ huy, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 của đơn vị.
Chằng chống bảo vệ di tích. Ảnh: Bảo Minh.
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của trung tâm đã tổ chức kiểm tra công trình di tích để có phương án bảo vệ các công trình di tích xuống cấp.
Ngoài ra, nhắc nhở các đơn vị thi công gia cố hệ thống bao che các công trình di tích đang thi công do đơn vị mình quản lí nhằm hạn chế thiệt hại thấp nhất khi bão, lũ xảy ra.
Phòng Cảnh quan Môi trường, Phòng Quản lí Bảo vệ, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Tổ Quản lí điện, nước... đã khẩn trương kiểm tra hệ thống cây xanh tất cả các điểm di tích để có kế hoạch tiếp tục cắt tỉa, chống đỡ những cây dễ gãy đổ, tránh bật gốc, gây thiệt hại cho người và các công trình di tích; tiến hành hạ các trụ đèn tại Quảng trường Ngọ Môn.
Chằng chống các công trình di tích phòng, chống bão số 4. Ảnh: Bảo Minh.
Bên cạnh đó, còn hạ các thống, chậu cây cảnh trên các đôn giá xuống vị trí an toàn dưới đất, giằng néo, chốt, nêm các cột, cửa và các công trình di tích... trước khi bão, lũ xảy ra; chủ động phân công lực lượng kịp thời khắc phục hậu quả bão, lũ.
Đưa các chậu cây xanh đến vị trí an toàn. Ảnh: Bảo Minh.
Bảo vệ các thiết bị trong di tích. Ảnh: Bảo Minh.
Tàu thuyền neo đậu tránh bão an toàn.
Theo dự báo, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4. Để chủ động ứng phó, với phương châm “4 tại chỗ”, tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống bão.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Tính đến nay, toàn bộ số phương tiện và lao động trên đã được lực lượng Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương kêu gọi vào bờ, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tránh bão an toàn.
Đối với công tác di dời, sơ tán người dân nằm trong vùng ảnh hưởng, tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch dự kiến di dời các hộ dân trong vùng xung yếu có nguy cơ bị mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Theo Công an Thừa Thiên Huế, để chủ động trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, Công an Thừa Thiên Huế gấp rút triển khai các phương án phòng chống bão.
Là một trong những xã nằm ở vùng xung yếu, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) có 71 hộ, 322 nhân khẩu, trong đó có 22 hộ thuộc diện cần di dời khẩn cấp đến vùng an toàn. Trong ngày 26/9, Công an xã Phú Thuận phối hợp với Bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương khảo sát các địa điểm tránh trú bão an toàn; sắp xếp, bố trí lương thực thực phẩm, thuốc men và đến từng hộ tuyên truyền, vận động đưa người dân di dời đến nơi an toàn.
Chính quyền xã Phú Thuận đến từng nhà vận động người dân ở khu vực nguy hiểm chủ động di dời.
Lực lượng công an giúp người dân cắt cây, tỉa cành phòng chống bão.
Còn tại xã Phú Hải (huyện Phú Vang), 113 tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã được kêu gọi vào bờ tránh trú bão và được sắp xếp bến bãi cho ngư dân neo đậu an toàn. Lực lượng công an phối hợp với các lực lượng khác hướng dẫn, phối hợp với gia đình chủ tàu triển khai các phương án đảm bảo an toàn tài sản trên các tàu, ghe không để các đối tượng xấu lợi dụng trộm cắp trong thời gian đi tránh trú bão.
Để tiếp tục chủ động ứng phó với bão số 4, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu đảm bảo 100% quân số ứng trực, sẵn sàng phương tiện, lực lượng, đảm bảo thông tin thông suốt để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Công an các xã, phường, thị trấn tiếp tục bám địa bàn cơ sở, giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời cho người dân trước, trong và sau bão.
Lực lượng công an tham gia phòng, chống bão số 4.
Do ảnh hưởng của siêu bão Noru, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế thông báo hoãn việc tổ chức Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2022 - 2027 vào ngày 28 và 29/9 để tập trung công tác phòng, chống bão.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão Noru gây ra, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào các ngày 27-28/9. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện chằng chống, gia cố đảm bảo an toàn cơ sở giáo dục, trường học, cắt tỉa cành cây khu vực trường có nguy cơ gãy đổ, lên phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất, chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ đến vị trí cao ráo để tránh hư hại...
Giáo viên ở trường Mầm non Nguyễn Viết Phong (thị xã Hương Thủy) thực hiện các công việc để ứng phó với bão số 4.
Chiều tối 26/9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa nhận thông báo của Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực II về việc tàu CHINA BOARD 1 bị chết máy trên biển và công văn của Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế nhận được thông tin từ thuyền trường tàu CHINA BOARD 1 (Quốc tịch Panama, trọng tải 4914,5 DWT, tàu không có hàng) đang hành trình từ Vũng Tàu đi Ma-Cau gặp sự cố máy chính. Thời gian gặp sự cố vào khoảng 10h ngày 25/9 tại vị trí có tọa độ 16o34’180N, 107o52’300E, tàu thả trôi, trên tàu có 14 thuyền viên (gồm 5 người Việt Nam và 9 người Trung Quốc).
Sau khi nhận được thông tin, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã liên lạc phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực II, Sở Ngoại vụ hỗ trợ cứu nạn 14 thuyền viên.
Kết quả, vào lúc 15h ngày 26/9, tàu SAR 412 đến hiện trường tiếp cận tàu bị nạn, tiến hành đưa tất cả thuyền viên tàu bị nạn lên tàu SAR412 của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Khu vực II và dự kiến 17h20 26/9 về cập Cảng Chân Mây - Thừa Thiên Huế.
Sau khi tàu CHINA BOARD 1 được tàu lai Chân Mây 2 kéo ra khỏi vị trí khu vực diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Thừa Thiên Huế, tàu thả neo tại ví trí có tọa độ 16o32’860N, 107o46’764E.
Trên tàu còn khoảng 5 tấn dầu DO, 21 tấn dầu FO và 1200 lít dầu LO. Trước khi rời tàu, thuyền trưởng đã chỉ đạo các bộ phận đóng tất cả các hệ thống an toàn và khóa toàn bộ van két nhiên liệu của tàu.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, vào lúc 19h ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15.9 độ Vĩ Bắc; 115.7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 15. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 25km/h.
Rạng sáng 26/9, sau khi quét qua đảo Luzon (Philippines), bão Noru đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 4 năm 2022.