Từ từ gỡ khó cho du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mô hình du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng chính thức đi vào hoạt động được 10 tháng và đã tạo được tiếng vang lớn. Tuy nhiên, cách trở đò giang, phương tiện hạn chế khiến nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển du lịch.

Mong mỏi có thêm chuyến đò để phục vụ khách du lịch

Ngay khi đặt chân lên Thiềng Liềng, chị Vân (Quận 3, TP.HCM) cảm thấy thật dễ chịu khi được hòa mình vào thiên nhiên thanh bình, xanh mát ở nơi đây. “Khung cảnh bình dị này đối lập với sự ồn ào, hối hả của trung tâm thành phố. Đây thực sự là một điểm đến để chữa lành”, chị Vân cho biết. Sau một ngày khám phá, chị vô cùng thích thú với các dịch vụ du lịch cộng đồng trên ấp đảo, từ không gian nghề muối, homestay, bếp ăn, đờn ca tài tử, làm bánh dân gian, nước mát, ngâm chân thư giãn…

“Trải nghiệm đạp xe quanh ấp đảo, thăm các ngôi nhà xanh mướt cây trái, những homestay đáng yêu cùng món món ăn hấp dẫn thực sự rất thú vị. Các cô chú làm du lịch ở đây đa phần đều lớn tuổi nhưng mọi người đều biết chăm chút cho các sản phẩm của mình như hái hoa trong vườn để cắm, tự tay đan từng chiếc nón lá, giỏ đựng đồ. Tôi thấy rất ấn tượng”, chị Vân nhận xét.

Từ từ gỡ khó cho du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng - 1

Để đến được Thiềng Liềng phải qua 2 lần đò, từ Cần Thạnh sang Thạnh An và từ Thạnh An sang Thiềng Liềng

Cũng lần đầu tiên ra Thiềng Liềng, anh Chu Lê Khang, hiện đang làm việc tại Quận 1, TP.HCM, cảm thấy rất bất ngờ vì ấp đảo xa xôi này đẹp hơn, khang trang hơn những gì anh tưởng tượng. “Dù các dịch vụ ở đây chưa có nhiều, chất lượng dịch vụ cũng chưa bằng các điểm đến khác nhưng Thiềng Liềng có những nét độc đáo riêng, không phải nơi nào cũng có nên xứng đáng để mình trải nghiệm”.

Từ từ gỡ khó cho du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng - 2

Du khách đạp xe trên con đường duy nhất ở đảo Thiềng Liềng

Tuy nhiên, chỉ khi thực sự đặt chân đến Thiềng Liềng, người ta mới thực sự hiểu thấu sự nhiêu khê của chặng đường tiếp cận “đảo trong đảo”. Từ trung tâm TP.HCM, du khách phải qua phà Bình Khánh đến bến Tắc Suất ở thị trấn Cần Thạnh, đi đò vượt biển đến xã Thạnh An rồi thuê ca-nô hoặc vỏ lãi băng qua sông Lòng Tàu mới tới được Thiềng Liềng. Nếu thuận lợi đến phà gặp phà, đến đò gặp đò thì nhanh nhất cũng mất hơn 4 giờ đồng hồ. Nhưng đò từ trung tâm xã Thạnh An sang ấp Thiềng Liềng chủ yếu để phục vụ học sinh nên không hoạt động vào ngày cuối tuần. Do đó, du khách phải đi ca-nô từ xã Lý Nhơn sang với chi phí khá cao (khoảng 2-3 triệu/1 chuyến) hoặc thuê vỏ lãi của người dân bản địa (khoảng 2-500.000 đồng) nhưng vỏ lãi hiện chưa được cấp phép để chở khách.

“Ngồi vỏ lãi là một trải nghiệm thú vị nhưng mình cũng hơi sợ khi đi giữa lòng sông quá rộng, dù đã được trang bị áo phao”, chị Vân cho hay.

Trái ngược, anh Khang lại thấy rất “đã” khi ngồi vỏ lãi băng qua sông Lòng Tàu hai bên là những cánh rừng đước mát rượi, thỉnh thoảng lại có những chiếc tàu biển khổng lồ hiện ra ở cửa sông. “Viêc di chuyển tới đây còn khó khăn tuy nhiên, nếu đường đi dễ dàng quá, nhiều người tới thì lại phá vỡ cảnh quan sinh thái ở trên đảo”, anh Khang nhận xét.

Từ từ gỡ khó cho du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng - 3

Khung cảnh bình yên ở Thiềng Liềng

Theo chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Du lịch Dịch vụ Thương mại Thiềng Liềng, hiện tại từ Thiềng Liềng đi Thạnh An chỉ có 1 chuyến đò để đưa đón học sinh đi học, chưa có tuyến riêng dành cho khách du lịch. “Điều mà chúng tôi mong mỏi là Thiềng Liềng được hỗ trợ 1 chuyến đò hoặc phà đi vào giờ cố định để bà con đi lại thuận tiện, du khách tới đây cũng dễ dàng hơn”, chị Tuyết cho biết. 

Ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cũng nhận định hiện số lượng đò chở khách qua lại vẫn còn ít, người dân trên ấp sử dụng vỏ lãi để đi lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. “Vấn đề này xã cũng đã nhiều lần kiến nghị đến lãnh đạo các cấp, đề xuất tăng thêm chuyến đò từ Cần Thạnh - Thạnh An - Thiềng Liềng hoặc mở thêm chuyến từ xã Tam Thôn Hiệp về Thiềng Liềng để phục vụ khách du lịch”, ông Sơn nhấn mạnh.

Giữ nghề truyền thống để phát triển du lịch

Thiềng Liềng vốn nổi tiếng với nghề làm muối. Độ mặn của nước biển, ánh nắng gắt, quanh năm lộng gió đã tạo nên "thương hiệu" muối Thiềng Liềng nức tiếng. Làm muối "ăn" theo tiết trời, thuận thì làm 6 tháng nắng, nghỉ 6 tháng mưa. Dù vất vả nhưng điệp khúc được mùa - mất giá cộng với thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu khiến những giọt mồ hôi đổ xuống ruộng muối thêm mặn chát.

Từ khi có mô hình du lịch cộng đồng, bà con ấp đảo ai cũng phấn khởi vì có thêm việc làm, thêm thu nhập ngoài nghề làm muối lâu nay. Nhưng muốn làm du lịch cộng đồng hiệu quả, cần phải giữ gìn bản sắc riêng, trong đó có duy trì làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Yến, trưởng ấp Thiềng Liềng, làm muối cực nhọc nhưng thu nhập thấp vì vậy lớp trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề muối. “Đa phần thanh niên lên thành phố kiếm việc làm rồi ở lại trên đó nên nhân lực kế cận để duy trì nghề muối truyền thống cũng đang là một vấn đề nan giải”, anh Yến bày tỏ.

Từ từ gỡ khó cho du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng - 4

Trải nghiệm không gian nghề muối

Là người đứng đầu HTX, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết luôn trăn trở để nâng cao giá trị của hạt muối Thiềng Liềng, giúp cho cuộc sống của bà con diêm dân phát triển, ổn định hơn. Sau thời gian mày mò, thử nghiệm, chị đã sản xuất ra các sản phẩm muối ớt, muối tôm, muối tiêu và muối thảo dược. Đây là các sản phẩm đặc trưng từ tài nguyên bản địa, giúp du khách có thêm lựa chọn để mua về làm quà cho người thân, bạn bè.

“Nếu giá trị của hạt muối ngày càng được nâng lên cao, đời sống của người dân ngày càng khá lên thì chắc chắn sẽ không có tình trạng bỏ ấp đi nơi khác để mưu sinh”, chị Tuyết cho biết.

Từ từ gỡ khó cho du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng - 5

Những sản phẩm làm từ muối

Du khách đến đây sẽ được thưởng thức những sản phẩm muối này trong những bữa ăn tại đảo và có thể mua về làm quà. Không chỉ vậy, trong những sự kiện của các cấp chính quyền, hội đoàn thể, những sản phẩm muối Thiềng Liềng đều được trưng bày, quảng bá. 

Theo ông Đặng Hoàng Sơn, hiện nay, xã đang liên hệ với các cơ quan đơn vị chức năng, đặc biệt là phòng kinh tế huyện Cần Giờ để hỗ trợ đưa sản phẩm muối ớt, muối tôm, muối tiêu lên kệ. Dự kiến cuối năm nay, sản phẩm sẽ hoàn thiện quy trình công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). “Ngoài sản phẩm OCOP muối ớt, xã đang nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm khác, như nước trái si-rô trên đảo Thiềng Liềng, cũng là một sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, sản phẩm du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng cũng sẽ được chúng tôi nghiên cứu xây dựng để đề xuất thành sản phẩm OCOP du lịch không chỉ của địa phương mà của TP.HCM”, ông Sơn cho biết.

Trong giai đoạn tới, Sở Du lịch TPHCM sẽ cùng với chính quyền huyện Cần Giờ tiếp tục khảo sát, tìm hiểu các yếu tố bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên và đặc điểm của ấp đảo Thiềng Liềng để phát triển bền vững mô hình du lịch cộng đồng ở đây. Mục tiêu không chỉ xây dựng Thiềng Liềng trở thành một điểm đến du lịch của thành phố mà còn giúp từng hộ gia đình bà con trên xã đảo tăng thu nhập, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống văn hóa cho cộng đồng.

Nếu tiếp cận quá dễ dàng thì lại "bạo phát, bạo tàn" 

Thiềng Liềng nằm trên một ốc đảo, do vậy nơi đây gặp rất nhiều khó khăn về phương tiện di chuyển. Du khách đến đây bằng tàu dân sinh, vỏ lãi, cano, chi phí cũng khá cao. Chưa kể khi di chuyển trên sông có thể xảy ra các rủi ro về con người, tài sản.

Tuy vậy, theo tôi, những khó khăn này cũng là cách để chúng ta cho du khách thấy được giá trị của Thiềng Liềng, vì nếu tiếp cận nơi này dễ dàng quá thì lại “bạo phát, bạo tàn”.

Tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng chúng ta cần giữ tình trạng hiện tại, vì rõ ràng lượng khách đến nơi đây đang phù hợp với sức chứa, sức tải, khả năng phục vụ của địa phương.

Hãy tưởng tượng nếu lượng khách đến đây tăng vọt, khoảng từ 300 đến 400 lượt khách mỗi ngày, khi ấy chúng ta cần phải nâng cao năng lực nhanh chóng, và từ đó mọi thứ sẽ mang tính chất đối phó, không phản ánh được tính chân thật của địa phương, hoặc thậm chí ta phải đi thu mua, gom hàng từ nơi khác về chỉ để phục vụ du khách.

Chúng ta cần làm du lịch mà làm sao đón khách như đón người thân mới về, người dân đang làm việc ở ruộng thì bất ngờ có đoàn khách tới, và họ sẽ vui vẻ tiếp đón bằng sự chân chất. Bà con mong muốn được tiếp nhiều khách du lịch hơn, nhưng so với bối cảnh hiện nay thì tôi thấy như vậy là vừa đủ để bà con cảm thấy hài lòng.

TS Tạ Duy Linh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Hương - Hồng Phước

CLIP HOT

Nghẹt thở bão Yagi đổ bộ vào bờ
Nghẹt thở bão Yagi đổ bộ vào bờ

Chiều nay, bão số 3 đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 16; khắp nơi mịt mù trong màn giông bão dày đặc.