Câu vọng cổ ngọt ngào trên ấp đảo muối làm du lịch cộng đồng
Du khách có dịp đến với ấp đảo Thiềng Liềng ắt hẳn sẽ rất bất ngờ với giọng ca ngọt ngào của những diêm dân. Từ người lớn tuổi đến trẻ con, ai cũng có thể ngân nga hát vọng cổ. Giữa nắng cái gió ban trưa, hay đêm tối tĩnh mịch, tiếng rao đờn dạo lên da diết và những giọng ca “ngọt như mía lùi” như níu chân người nghe, bình yên đến lạ.
Lời hát ngân nga trên những cánh đồng muối
Đờn ca tài tử đã thấm đẫm ở xứ muối này mấy chục năm qua, từ thuở cha ông đi khẩn hoang lập nghiệp, truyền lại cho thế hệ sau này. Các bậc cao niên ở ấp cho hay, người dân trên đảo chủ yếu đến từ miền Tây, “máu văn nghệ” đã có sẵn nên ai cũng có thể hát được vài câu vọng cổ.
Anh Nguyễn Hùng Hân, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử ấp đảo Thiềng Liềng, cho biết, những người dân làm muối trước đây phải quạt, đưa nước vào ruộng bằng tay nên vừa làm vừa ngân nga đôi ba câu vọng cổ để xua tan mệt nhọc. “Riết rồi từ già đến trẻ ai cũng biết ca, cứ gặp nhau là ca”, anh Hân chia sẻ.
Năm 2005, những người có tâm huyết, muốn nuôi dưỡng, phát triển bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử ngay trên ấp đảo đã quyết định “khai sinh” ra Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Thiềng Liềng với 10 thành viên. Vào những đêm trăng sáng lấp loáng trên những ruộng muối mênh mông, câu lạc bộ lại tổ chức biểu diễn phục vụ, giao lưu đờn ca tài tử với bà con trên đảo. Đây cũng là dịp người dân tụ họp, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cũng như cuộc sống trên đảo. Dần dà, những bài bản, những câu vọng cổ, trích đoạn cải lương cứ thế đi vào đời sống thường ngày của người dân, hòa điệu vào những đêm rằm, những ngày ra đồng muối hay những khi hội hè, lễ Tết, gặp gỡ…
Từ các bậc cao niên đến các em thiếu nhi, ai cũng biết đờn, biết ca
Ấp đảo nhỏ này cũng tự hào khi có nghệ nhân dân gian đầu tiên của cả huyện Cần Giờ là ông Nguyễn Hồng Huỳnh, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương chú Tư Huỳnh. Ông thuộc lớp người đầu tiên đặt chân đến khai phá đảo Thiềng Liềng, là chủ nhiệm đầu tiên của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử. Năm 16 tuổi, ông đã biết đờn. Ông có tài sử dụng hai nhạc cụ là ghi ta phím lõm và đờn sến. Qua bao năm đồng mặn, cỏ cháy, cách trở đò giang ở nơi xa xôi này, tiếng đờn của ông ngày càng réo rắt, điêu luyện. Nay ông đã lớn tuổi nên bàn giao lại Câu lạc bộ cho lớp trẻ, nhưng ông vẫn dành nhiều tâm huyết để truyền dạy, phát triển phong trào đờn ca tài tử trên đảo.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Hồng Huỳnh
Điểm sáng văn hóa
Theo nghệ nhân dân gian Tư Huỳnh, hồi Thiềng Liềng chưa có điện, chỉ cần cây đèn dầu là vẫn túm tụm lại, ai biết đờn thì đờn, ai biết ca thì ca. Thanh thiếu nhi cũng được hướng dẫn về đờn ca tài tử. Nhờ vậy mà câu lạc bộ hội tụ nhiều thế hệ cùng sinh hoạt, biểu diễn và duy trì bộ môn nghệ thuật di sản này. Phong trào đờn ca tài tử cứ thế tồn tại và phát triển trên ấp đảo cho đến khi điện về đến Thiềng Liềng năm 2016.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Thiềng Liềng. Trong ảnh: Em Nguyễn Thùy Trang, người vừa giành giải A giải Cánh sen hồng
Giờ đây, Thiềng Liềng có đủ điện, có dàn âm thanh, có radio, có tivi. Tiếng đờn ca tài tử trên đảo nhỏ lại vọng qua từng lớp sóng, về bờ và vang xa hơn. Từ nơi “xa xôi hẻo lánh”, những giọng ca của câu lạc bộ vinh dự nhận được huy chương vàng Liên hoan Đờn ca tài tử cấp huyện, cấp thành và toàn quốc, được mời ra Hà Nội tham dự giao lưu… Mới đây nhất, bé Nguyễn Thùy Trang (11 tuổi) đã giành giải A, bảng B Liên hoan Đờn ca tài tử thiếu nhi TP.HCM “Giải Cánh sen hồng" 2023 cho tiết mục ngũ đối hạ Bốn ngàn năm một thuở này.
Từ ngày ấp đảo làm du lịch cộng đồng, CLB đờn ca có thêm suất diễn phục vụ du khách
Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới của Cần Giờ, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp Thiềng Liềng đã trở thành một điểm sáng văn hóa của địa phương. Hoạt động giao lưu, truyền dạy đờn ca tài tử được nhân rộng đã tạo sân chơi lành mạnh cho nhiều thế hệ thanh thiếu nhi, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng ấp văn hóa, hạn chế xảy ra tệ nạn xã hội. Khuất nẻo và cách biệt, song tiếng ca, tiếng đờn từ ấp Thiềng Liềng đã bền bỉ lưu truyền, góp công lớn vào việc đờn ca tài tử Nam Bộ được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Để phong trào đờn ca tài tử phát triển cho đến hôm nay là nhờ sự nỗ lực rất lớn của các thành viên, của người dân ấp đảo. Cùng với đó là sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết: “Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Thiềng Liềng đại diện cho xã, đại diện cho huyện, kể cả đại diện cho Thành phố để đi thi ở các tỉnh và từng đạt được rất nhiều giải thưởng lớn. Xã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ đồng phục diễn, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ thiết bị để thành viên câu lạc bộ an tâm luyện tập. Hằng tháng, hằng tuần, Câu lạc bộ vẫn duy trì tổ chức giao lưu văn nghệ trên địa bàn, qua đó, các thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ có cơ hội để đào tạo và truyền thụ cho thế hệ trẻ”.
Không gian thưởng thức đờn ca tài tử độc đáo
Những ngày này có dịp đến trải nghiệm du lịch cộng đồng tại ấp đảo, du khách lại có cơ hội được thưởng thức đờn ca tài tử trong những không gian độc đáo chỉ có tại Thiềng Liềng.
Bảng chỉ dẫn vào hộ ông Tư Huỳnh – tài tử đờn sến
Nhà ông Tư Huỳnh
Dưới tán me cổ thụ, người nghệ nhân Tư Huỳnh ngồi ôm đàn gảy lên thể điệu đoản khúc lam giang, trăng thu dạ khúc, lý cây bông, lý con sáo… Cô con gái ra góp thêm giọng ca mùi thiệt mùi. Với làn hơi khỏe, cô hát không cần mic-ro cả buổi, giọng vẫn ngọt vẫn thanh. Du khách ai biết ca cũng lại gốc me, ngồi cạnh nghệ nhân, nghêu ngao vài thể điệu quen thuộc. Nắng gió như chỉ làm nền cho sân khấu thiên nhiên này thêm rực rỡ và xóa nhanh khoảng cách du khách – người biểu diễn tự lúc nào không hay.
Ông Tư Huỳnh cùng cô con gái và cháu ngoại
Trên hành trình khám phá đảo, ghé đến khu trải nghiệm đồng muối, anh Nguyễn Ngọc Thơ - thường gọi Chín Thơ, thành viên câu lạc bộ đờn ca tài tử - vừa chia sẻ về nghề muối vừa hát đôi câu vọng cổ tặng du khách. Điều lý thú hơn, du khách khi đi đến bất kỳ điểm du lịch nào trên đảo, hễ yêu cầu cũng sẽ được chủ nhà đờn hoặc ca vọng cổ để tặng khách như một món quà tinh thần đặc sắc. Người dân thường nói đùa, có lẽ chất muối mặn của Thiềng Liềng đã góp phần tạo nên độ ngọt cho những giọng ca nơi đây.
Không gian độc đáo chỉ có ở Thiềng Liềng
Từ khi ấp đảo chuyển mình cùng làm phát triển du lịch, lời ca tiếng đàn không chỉ là niềm vui của cư dân trên đảo, mà còn là trải nghiệm mang đậm nét đặc trưng văn hóa để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Câu lạc bộ đờn ca tài tử lại có thêm nhiều suất diễn để giao lưu, phục vụ du khách.
Anh Chín Thơ vừa cào muối vừa ca đôi ba câu vọng cổ
Thiềng Liềng, đảo trong đảo, nay đã vươn mình với nhiều kỳ vọng lớn lao. Đảo nay sáng đèn điện, đường sá cũng bê tông hóa. Nhà nhà lại tinh tươm, trang trí thật đẹp để mời gọi du khách đến thăm.
Văng vẳng trong gió, tiếng rao đờn của hộ dân nào đó lại vang lên, hòa theo đó tiếng còi tàu, tiếng leng keng chuông xe đạp, tiếng gà chào buổi sáng, những thanh âm trong trẻo, thân thương mời chào du khách ghé thăm đảo muối Thiềng Liềng.
Từng là đảo hoang không người ở, Thiềng Liềng từng ngày chuyển mình vượt khó, trở thành một điểm đến du lịch thân...