Lý do tại sao đóng đường tạm quanh cầu Rạch Chiếc
Gần đây việc đóng đường tạm 2 bên cầu Rạch Chiếc gây nhiều bức xức trong dư luận. Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, các đường này không có trong quy hoạch, chỉ là đường tạm để phục vụ thi công cầu Rạch Chiếc trước đây.
Chiều ngày 2/6/2022, UBND TP.HCM và Trung tâm Báo chí TP.HCM tổ chức họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, nhiệm vụ giải pháp tháng 6 và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có thông tin chính thức về việc đóng các đường tạm xung quanh chân cầu Rạch Chiếc phía TP. Thủ Đức.
Đơn vị thi công treo banner hướng dẫn lưu thông đoạn dưới chân cầu Rạch Chiếc
Tại buổi họp báo, ông Phan Công Bằng cho biết, đoạn đường chui và đường song hành tại khu vực cầu Rạch Chiếc do Công ty BOT tổ chức thi công đúng với thiết kế được duyệt.
Sau khi thi công xong, Sở đã tổ chức lại phương án giao thông để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tình trạng người dân rẽ phải ngược lên Xa lộ Hà Nội. Khi tổ chức giao thông lại, một số trường hợp ô tô đi vào đường tạm như trước đây sẽ phải đi qua trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội.
Cụ thể, đoạn đường tạm dưới dạ cầu Rạch Chiếc đi ra hai bên hông cầu Rạch Chiếc là đường công vụ, phục vụ cho thi công cầu Rạch Chiếc trước đây, không có trong quy hoạch giao thông. Sau khi thi công xong, khuôn viên đất của hai đường tạm sẽ được trồng mảng xanh thuộc hành lang bảo vệ cầu và công viên (như các cầu khác trong TP.).
Thời gian qua, do chưa xây dựng mảng xanh nên một số hộ dân trong khu vực đã sử dụng đường tạm để đi xe gắn máy (đi tắt) rẽ phải để lên cầu Rạch Chiếc vào trung tâm TP. Các phương tiện này đã gây xung đột giao thông với các phương tiện đi thẳng trên trục đường chính Xa lộ Hà Nội.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM trả lời những thắc mắc của người dân và các cơ quan báo chí
Sau thông tin phản ánh của báo chí, các cơ quan liên quan cũng đã có buổi kiểm tra hiện trường về tình hình an toàn giao thông khu vực cầu Rạch Chiếc.
Tại buổi kiểm tra, các đơn vị chức năng đã thống nhất: Sau khi tuyến đường song hành trái chính thức được nghiệm thu, thông qua phương án phân luồng giao thông, Công ty BOT Xa lộ Hà Nội (doanh nghiệp trực thuộc Công ty CII) phải khẩn trương hoàn thành lề đường, bó vỉa và vỉa hè khu vực dạ cầu Rạch Chiếc, trả lại mặt bằng...
Trả lời câu hỏi: “Đơn vị BOT có cố tình ngăn đường, tận thu không" như theo một số cơ quan báo chí phản ánh, đại diện Công ty BOT Xa lộ Hà Nội khẳng định: "CII không cố tình ngăn đường để tận thu. Công ty chỉ hoàn thành thi công theo đúng thiết kế được duyệt, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho tất cả phương tiện đi qua khu vực này theo đúng quy định".
Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TP.HCM báo cáo tại TTBC TP.HCM chiều ngày 2/6/2022
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và phòng, chống dịch trên địa bàn, ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TP.HCM thông tin về Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5; trong 5 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tháng 6/2022.
Theo đó, kinh tế Thành phố tiếp tục trên đà phục hồi tốt, tạo sự tin tưởng trong nhân dân và doanh nghiệp; đạt được một số kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 ước tăng 6,5% so với tháng 4/2022 và tăng 9% so với cùng kỳ.
Kết quả 5 tháng ước tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Toàn cảnh buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, nhiệm vụ giải pháp tháng 6 và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM chiều ngày 2/6/2022
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ.
Đối với ngành du lịch, tổng doanh thu của ngành ước đạt 39.509 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 8,97 triệu lượt, tăng 24,9% so với cùng kỳ, ông Đặng Quốc Toàn thông tin thêm.
Dịp này, Thành phố đã ra mắt Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố).