Du lịch Quảng Bình khó trăm bề khi cung chưa đáp ứng cầu
Sở hữu nhiều tài nguyên phát triển du lịch, là 1 trong 39 điểm đến của thế giới và có mức tăng ấn tượng về khách du lịch sau dịch Covid-19, ngành du lịch Quảng Bình vẫn gặp khó khi năng lực chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển mà thiên nhiên ban tặng.
Khách muốn “chi tiền” nhưng không có chỗ tiêu?
Sau thời gian bị “đóng băng” vì dịch Covid-19, du lịch Quảng Bình đã ngay lập tức bắt nhịp phát triển và tận dụng thời gian vàng để thu hút khách du lịch. Trong 7 tháng đầu năm 2022, địa phương đã đón khoảng 916.000 lượt khách, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 11.174 lượt, tăng 207% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu trong 3 tuần đầu tháng 8 cũng ghi nhận tín hiệu tích cực kéo dài, đến nay ước đạt 1,2 triệu khách du lịch.
Công trình khách sạn đang dừng thi công án ngữ vị trí đắc địa tại quảng trường biển Bảo Ninh.
Với số lượng khách du lịch tăng đáng kể, đây là một con số đáng ghi nhận. Nhờ vào đó, doanh thu từ khách du lịch ước đạt 1.053 tỷ đồng, với 222.5 tỷ đồng từ doanh thu dịch vụ lưu trú.
Tín hiệu vui là vậy, nhưng lại báo hiệu những vướng mắc đáng kể trong tiến trình phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình. Cụ thể, khách du lịch đến ngày càng nhiều, với nhu cầu ngày càng cao nhưng các đơn vị kinh doanh, dịch vụ của địa phương chưa thể đáp ứng kịp.
Số lượng khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay, và dễ dàng rơi vào tình trạng “cháy phòng” nếu vào mùa cao điểm. Trong 507 cơ sở lưu trú du lịch, chỉ có 3 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao và 5 dự án đầu tư cơ sở lưu trú 4 sao đã đi vào hoạt động nhưng chưa được xếp hạng, còn lại là nhà nghỉ, homestay, farmstay và các cơ sở lưu trú khác. Do vậy, trong đợt du lịch vừa qua, phòng nghỉ từ 3 sao trở lên không đáp ứng kịp nhu cầu.
Công trình khách sạn đang dừng thi công án ngữ vị trí đắc địa tại quảng trường biển Bảo Ninh.
Bên cạnh đó, trung tâm du lịch thành phố Đồng Hới thiếu đi sự phong phú, đa dạng trong hoạt động giải trí. Phố đi bộ ở thành phố nằm dọc hai tuyến kè đã hoạt động trong thời gian dài nhưng chưa tạo được bản sắc riêng và “nghèo nàn” các hoạt động. Con phố trải dài chủ yếu tạo không gian cho các dịch vụ ăn uống, giải khát nhỏ lẻ, ẩm thực đường phố chưa mang bản sắc riêng. Những dịch vụ ăn uống cao cấp, đặc sắc với sự đầu tư quy mô còn hạn chế về số lượng.
Do vậy, sự lựa chọn của du khách bị hạn chế. Đặc biệt, các nhóm khách có mức sống và chi tiêu cao chưa được thỏa mãn và đáp ứng phù hợp, cũng chưa đáp ứng thị hiếu của nhóm khách trẻ tuổi.
Thiếu nguồn nhân lực, đường bay hạn chế
Cái khó của ngành du lịch Quảng Bình còn nằm ở hai yếu tố thiếu yếu là vận tải và nhân lực. Số lượng chuyến bay khứ hồi đến và đi tại TP Đồng Hới đến nay chỉ đạt 60% so với năm 2019. Với chỉ 2 đường bay Đồng Hới - Hà Nội và Đồng Hới - TP.HCM, số lượng chuyến bay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách muốn đi bằng máy bay.
Việc các hãng hàng không dành nguồn lực để phục hồi đường bay quốc tế đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động khai thác du lịch của tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, tỉnh xúc tiến mở thêm các đường bay mới, trong đó có tuyến Tây Nguyên - Đồng Hới.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang tạo thế khó cho kế hoạch tăng trưởng kinh tế. Một mặt, lao động trong ngành du lịch đa phần nhảy việc và lựa chọn công việc ổn định. Mặt khác, một số lao động trong thời gian nghỉ việc đã bị mai một nghề do không thực hành trong suốt 2 năm qua, nhân lực mới lại không đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, thực tế ngành du lịch của địa phương vấn đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng.
Tạo đột phá từ hành động đột phá
Với rừng vàng, biển bạc và những tài nguyên giá trị mà Trái Đất ban tặng, Quảng Bình sẽ cần nỗ lực hơn nữa để có thể phát triển xứng tầm với những gì đang sở hữu. Và để thực hiện được đột phá, tỉnh nhà phải thực sự là đột phá để công phá năng lực du lịch.
Nhiều dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang chậm tiến độ và nằm im lìm trong nhiều năm trên bán đảo Bảo Ninh là chướng ngại cho sự phát triển này. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã kiên quyết chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành các cơ sở lưu trú cao cấp, nhằm bổ sung thêm số lượng phòng nghỉ chất lượng cao và phục vụ khách du lịch. Theo đó, trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến năm 2023 dự kiến có nhiều khách sạn cao cấp đi vào hoạt động, nhờ đó cung cấp thêm khoảng từ 1.000 đến gần 1.500 phòng nghỉ cao cấp từ 4 sao trở lên.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cũng được Sở Du lịch chú trọng. Theo ông Nguyễn Ngọc Quý - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, đơn vị này đã triển khai các giải pháp, phối hợp với các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch uy tín tổ chức 2 khóa học ngắn hạn, đào tạo nghiệp vụ hỗ trợ lao động du lịch nhằm đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch; 1 khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên trên địa bàn tỉnh. Sở cũng “cầm tay chỉ việc” cho các nhóm lao động tự do là người dân tại các địa bàn có các sản phẩm du lịch, nhà nghỉ, homestay…
Đường thủy trên Sông Son dẫn khách du lịch vào Động Phong Nha.
Về kết nối giao thông, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2022-2026 với Vietnam Airlines về hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ liên quan. Ngoài ra, việc thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án Đầu tư nâng cấp nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới cũng là yếu tố rất quan trọng, góp phần nâng cao năng lực đón trả khách và có thêm chổ đỗ cho máy bay - đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để tăng công suất đón nhiều chuyến bay trong thời gian tới. Phương án di chuyển bằng tàu hỏa và thông qua các sản phẩm du lịch liên kết vùng cũng được quan tâm phát triển.
Cắm trại bên trong hang Én.
Tuy vậy, để thực sự tạo được đột phá, tỉnh cần đề cao sự sáng tạo và thực hiện các dự án chất lượng hơn nữa. Tạo cơ chế thông thoáng cùng những chính sách hấp dẫn dành cho nhà đầu tư lẫn nguồn nhân lực sẽ là điểm sáng giúp khơi thông mạch nguồn sáng tạo. Lựa chọn hình ảnh phát triển phù hợp, từ đó phong phú hóa các sản phẩm giải trí, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao để kích thích việc phát triển không ngừng của du lịch Quảng Bình.
Có thể thấy, du lịch Quảng Bình đang đi đúng hướng với mục tiêu phát triển nhưng vẫn là chậm chân so với nhiều địa phương và hạn chế với nguồn lực thiên nhiên sẵn có. Do vậy, cần hơn nữa những cuộc chạy nước rút để khách hàng thấy Quảng Bình vượt cả sự mong đợi trong cả hành trình khám phá thiên nhiên lẫn trải nghiệm dịch vụ.
*Phong Nha - Kẻ Bàng được tạp chí AFAR (Mỹ) vinh danh là 1 trong 39 điểm đến của thế giới năm 2022.
Tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, ngâm mình trong dòng nước mát, trải nghiệm chèo kayak, thuyền sup, trò chơi...